Theo dự thảo đề án, TP.HCM sẽ
thành lập TP.Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức; đồng thời sắp xếp 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận. Cụ thể, P.An Khánh và P.Thủ Thiêm sáp nhập thành P.Thủ Thiêm, P.Bình Khánh và P.Bình An thành P.An Khánh (Q.2); P.6, P.7 và P.8 thành P.Võ Thị Sáu (Q.3); P.2 và P.5 thành P.2, P.12 và P.13 thành P.13 (Q.4); P.12 và P.15 thành P.12 (Q.5); P.2 và P.3 thành P.2 (Q.10); P.11 và P.12 thành P.11, P.13 và P.14 thành P.13 (Q.Phú Nhuận).
Với phương án sắp xếp này, TP.HCM giảm từ 24 quận, huyện còn 22 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 16 quận, 1 TP và 5 huyện; giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312, gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn.
Ông Nguyễn Trọng Nhân (ngụ P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) bỏ phiếu đóng góp ý kiến xây dựng TP.Thủ Đức tại UBND P.Linh Xuân ẢNH: BÍCH NGÂN
|
Lo phải chuyển đổi nhiều giấy tờ
Sáng 3.10, các tổ lấy ý kiến cử tri tại 19 phường và 3 quận: 2, 9,
Thủ Đức đồng loạt phát phiếu lấy ý kiến cử tri. Theo ghi nhận của
Thanh Niên, các tổ lấy ý kiến có nhiều cách thực hiện để đảm bảo tiến độ và sự chính xác thông tin trên lá phiếu.
Chính phủ thông qua dự thảo Nghị quyết về chính quyền đô thị TP.HCM
Chính phủ vừa giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM; phối hợp Bộ Tư pháp báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, cho phép xây dựng, ban hành dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo dự thảo nghị quyết, TP.HCM là
trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội quan trọng, là thành phố có đóng góp lớn vào sự phát triển chung của cả nước; với đặc thù là đô thị lớn, có bề dày lịch sử, có yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng chính quyền đô thị. Nghị quyết khi được Quốc hội ban hành sẽ có tác động tích cực tới sự
phát triển kinh tế, xã hội của thành phố; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao chất lượng hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với tính chất đô thị đặc biệt, lớn nhất nước.
TTXVN
Tại P.Thảo Điền (Q.2), 6 tổ lấy ý kiến cử tri tại 6 khu phố phát phiếu đến từng hộ dân. Cử tri được lấy kiến về việc có đồng ý hay không đồng ý với việc thành lập TP.Thủ Đức và tên gọi của TP.Thủ Đức, người dân cũng có quyền nêu ý kiến khác. Đại diện UBND P.Thảo Điền cho biết từ ngày 17.9, phường đã niêm yết danh sách cử tri tại các khu phố, rồi giao trưởng ban điều hành khu phố và cảnh sát khu vực rà soát thông tin cử tri của từng hộ lần cuối. Ngoài ra, phường cũng in phiếu thành 6 màu tương ứng với 6 khu phố để thuận tiện cho việc thống kê, tránh nhầm lẫn trong công tác thu thập ý kiến cử tri.
Còn tại Q.Thủ Đức, có 60.244 hộ với gần 197.000 cử tri tại 12 phường được lấy ý kiến. Người dân được phát phiếu từ trước để tham khảo và bỏ phiếu vào thùng ngày 3.10, các thùng phiếu được dán tem niêm phong. Vừa bỏ phiếu vào thùng, ông Nguyễn Trọng Nhân (ngụ P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) bày tỏ đồng tình với việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để lập
TP.Thủ Đức; đồng thời kỳ vọng
TP.Thủ Đức sẽ mang đến nhiều phúc lợi, cải thiện
cuộc sống, hỗ trợ điều chỉnh giấy tờ cho người dân.
Một số người dân khác băn khoăn về việc trước đây H.Thủ Đức khá rộng, khó quản lý nên từ đó mới tách thành 3 quận: 2, 9, Thủ Đức, nhưng nay lại tiếp tục gộp lại và “nâng cấp” lên TP, thì liệu có giải quyết được những bất cập về kẹt xe, ngập nước đang diễn ra hay không? Đặc biệt, nhiều người dân chia sẻ nỗi lo lớn nhất là phải
chuyển đổi toàn bộ giấy tờ từ CMND, hộ khẩu, nhà ở, tài khoản ngân hàng…
Chính quyền sẽ hỗ trợ gì ?
Tối cùng ngày, UBND Q.9 cho biết tổng số cử tri trên địa bàn quận tham gia lấy ý kiến về việc sáp nhập 3 quận là 142.090 người, trong đó có hơn 97% phiếu đồng ý, còn lại là không đồng ý, phiếu không hợp lệ và cử tri có ý kiến khác. Về tên gọi TP.Thủ Đức, hơn 96% phiếu đồng ý. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy Q.Thủ Đức, cho biết: “Đa phần người dân đồng thuận cao và hy vọng sớm thành lập TP.Thủ Đức”.
Tiền đâu phát triển TP.Thủ Đức ?
Theo phương án đề xuất của UBND TP.HCM, 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức sẽ sáp nhập thành đơn vị hành chính mới là TP.Thủ Đức với diện tích hơn 211 km2, dân số hơn 1 triệu người. Nơi đây được kỳ vọng sẽ đóng góp 30% GDP của TP.HCM, tương đương 4 – 5% GDP cả nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ nguồn lực đầu tư để biến lợi thế thành hiệu quả kinh tế. Ông Đồng Văn Khiêm, Ủy viên Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cho biết trước đây TP.HCM từng có đề án lập 4 đô thị vệ tinh, nhưng sau đó không thể thực hiện được nên rất kỳ vọng vào đề án lập TP.Thủ Đức lần này. TP.HCM xác định đây sẽ là khu đô thị tương tác cao, đô thị thông minh thì cần phải có nguồn lực về kinh tế và con người để đầu tư, vận hành đô thị; nếu không, người dân sẽ thêm một lần thất vọng.
Đồng tình với kế hoạch của TP.HCM, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận nếu trông chờ vào ngân sách của TP.HCM sẽ rất khó mà cần huy động đến nguồn xã hội hóa qua các hình thức đầu tư đã được Quốc hội cho phép. Ông Sơn cho rằng “một đơn vị hành chính quản lý 211 km2 thì không thực tế”, bởi số lượng đơn vị hành chính lớn quá, thì không thuận tiện cho việc quản lý, phục vụ người dân. Do đó, TP.HCM cần nghiên cứu kỹ bài toán sắp xếp đơn vị hành chính “chứ không đơn giản là gom 3 quận lại thành 1 TP và bê nguyên bộ máy hành chính 3 nơi lại theo kiểu cơ học”.
Trong khi đó, chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn cho rằng nguồn lực quan trọng phát triển TP.Thủ Đức sau khi thành lập, đó là cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, bởi “doanh nghiệp cần cơ chế chứ không cần hỗ trợ về
tài chính, nên TP.Thủ Đức phải có môi trường đầu tư hấp dẫn”. Ông Diệp Văn Sơn cũng cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa TP.Thủ Đức với TP.HCM, đồng thời nhấn mạnh nó phải khác với mối quan hệ giữa các quận, huyện với TP.HCM. “Thẩm quyền của TP.Thủ Đức cần được phân cấp giống như một TP loại 1 trực thuộc tỉnh như Vũng Tàu (thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu), Biên Hòa (Đồng Nai). Khi đó, dù số lượng các phường thuộc TP.Thủ Đức lớn (dự kiến 34 phường), thì TP vẫn có thể quản lý được”, ông nói.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc sau khi sáp nhập, chính quyền sẽ hỗ trợ thủ tục thay đổi giấy tờ cho người dân như thế nào, ông Trương Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Nội vụ (UBND Q.2), cho biết công an hỗ trợ thay đổi giấy tờ về nhân thân, hộ khẩu, căn cước công dân; các giấy tờ nhà đất do văn phòng đăng ký đất đai điều chỉnh.
Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Q.9, cho biết trong đề án mà TP.HCM xây dựng đã đánh giá tác động, bên cạnh mặt tích cực khi sáp nhập, thì sẽ phát sinh một số bất tiện cho người dân như giấy tờ bị thay đổi. Do đó, chính quyền sẽ chủ động hướng dẫn, hỗ trợ để tránh gây phiền hà người dân. “Đây là trách nhiệm của chính quyền, sẽ có đội ngũ cán bộ đến hỗ trợ người dân điều chỉnh các loại giấy tờ liên quan một cách nhanh nhất và ít tốn kém nhất”, ông Bảy thông tin và mong người dân chia sẻ, hợp tác khi điều chỉnh.
Liên quan việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và
người lao động dôi dư tại các cơ quan hành chính, Sở Nội vụ TP cho biết số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sáp nhập 19 phường là 235 người. Trong năm 2021, các phường căn cứ vào lộ trình sắp xếp sẽ rà soát tiêu chuẩn, những trường hợp không đủ điều kiện hoặc đến tuổi nghỉ hưu, hết tuổi lao động thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định… Đối với việc sáp nhập 3 quận để lập TP.Thủ Đức, dự kiến số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư là 399 người. Trong năm 2021, các quận sẽ lập danh sách những người tiếp tục công tác, số người dôi dư trong giai đoạn 2021 – 2025 để giải quyết chế độ, chính sách hoặc bố trí vị trí công tác khác…
Về trụ sở mới khi lập TP.Thủ Đức, Sở Nội vụ đề xuất chọn trụ sở UBND Q.2 hiện nay làm nơi đặt trụ sở Thành ủy TP.Thủ Đức; trụ sở UBND Q.Thủ Đức làm trụ sở HĐND và UBND TP.Thủ Đức; trụ sở UBND Q.9 làm trụ sở Ủy ban MTTQ VN và các đoàn thể.
Bỏ lỡ thời cơ, phải chờ thêm 5 năm
Lý giải câu hỏi của cử tri vì sao TP.HCM gấp rút thành lập TP.Thủ Đức, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, cho biết đến tháng 5.2021, cả nước tổ chức bầu Quốc hội và HĐND các cấp. Vì vậy, nếu không chuẩn bị các thủ tục để cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt, thì TP.HCM phải chờ ít nhất 5 năm nữa.
Ông Quang dẫn chứng TP.HCM là đầu tàu kinh tế, khoa học
công nghệ của cả nước nên có trách nhiệm đi đầu trong việc phát triển TP theo xu thế phát triển của thế giới, nếu không sẽ dần tụt hậu. Khi được thành lập, TP.Thủ Đức sẽ là vùng đất có mô hình phát triển mới, tích hợp nhiều lĩnh vực là thế mạnh của TP.HCM như khoa học công nghệ,
giáo dục đào tạo, logistics… kết nối với nhau để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.