Huế chậm phát triển nhưng ‘vậy mà may’?
Huế chậm phát triển nhưng ‘vậy mà may’?
Nói đến Huế, dường như ai cũng có thể định nghĩa về đất trời và con người xứ sở ấy bởi bản sắc văn hoá đậm đà, riêng biệt. Nhưng bản sắc không phải là bất biến, vì vậy Huế cần nhận diện lại mình để phát triển.
Nhận diện bản sắc văn hóa, từ đó xác định các vấn đề then chốt để định hướng phát triển Thừa Thiên Huế trong tiến trình xây dựng đô thị di sản trực thuộc trung ương là hết sức cần thiết.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh như thế trong đề dẫn hội thảo “Văn hóa Huế: nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển” diễn ra sáng 3-10 tại Huế.
Huế – mảnh đất của tiếp biến văn hóa
“Một mảnh đất hẹp, tài nguyên hạn chế, dân không đông, bị chà xát nặng nề qua nhiều cuộc chiến tranh giành lãnh thổ trong lịch sử, lại là vùng đất chứa đựng nhiều tài nguyên văn hóa tầm quốc gia, ngày nay được coi là một trung tâm văn hóa, một đô thị di sản, đó là một điều đặc biệt”.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã khái quát về văn hóa Huế như thế, và theo ông có được điều đó là vì Huế là mảnh đất tiếp biến văn hóa cực kỳ quan trọng, thúc đẩy văn hóa và lịch sử nước nhà chuyển mình qua những khúc quanh lịch sử đáng ghi nhớ.
Đó là ba cuộc tiếp biến văn hóa: Đại Việt – Champa hay là Việt – Nam Á, Đàng Ngoài – Đàng Trong thời chúa Nguyễn, Việt – Pháp thời vua Nguyễn.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, ngoài việc tiếp nhận tư tưởng Á Đông và Tây phương, tiếp biến giữa văn hóa dân gian với cung đình cũng là yếu tố quan trọng để làm nên bản sắc Huế.
Theo ông Vinh, do Huế là kinh đô nên người Huế tiếp nhận nhiều hơn các ảnh hưởng của văn hóa cung đình, làm nên tính đặc thù trong lối sống.
10 đặc điểm tiêu biểu trong lối sống của người Huế: lối sống nhàn nhã, thanh lịch, hưởng thụ thanh cao; lối cư xử theo lễ giáo Á Đông; lối ăn uống cầu kỳ, ngon mắt và ngon miệng; lối phục sức trang nhã, lịch sự; lối nói hòa nhã, lịch thiệp; lối bố trí cảnh quan nhà vườn hài hòa; lối sống đề cao đạo lý; niềm tin sâu sắc về tôn giáo và tín ngưỡng; lối thờ cúng tổ tiên và thần linh chuẩn mực; lối phản ứng chậm vì suy nghĩ chín chắn.
Nhà nghiên cứu TRẦN ĐẠI VINH
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông thì cho rằng bản sắc của một vùng đất không phải là những gì bất biến hay hóa thạch, để chúng trở thành một thứ chuẩn mực hay tiêu chí nhằm đánh giá đúng – sai, hay – dở, tốt – xấu.
“Có như vậy để thận trọng hơn khi dùng cái nhìn hiện tại để nhận diện quá khứ. Tỉnh táo hơn trong việc hồi cố, để chiêm nghiệm những gì chúng ta đã buông thả khỏi vòng tay mình các giá trị đã từng được xác lập trong dĩ vãng, và vội vàng xem sự biến mất của nó như một quy luật tất yếu của lịch sử”.
8 việc cần phát huy
GS.TS Trần Hữu Dàng, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Thừa Thiên Huế, cho rằng đến lúc này không cần phải nói “Huế đẹp và thơ” nữa, mà cần phải trả lời cụ thể: Huế phát triển thì nên làm gì và làm như thế nào.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc đưa ra 8 việc cần làm để phát huy giá trị văn hóa Huế. Đó là phát huy: các thiết chế văn học – nghệ thuật; ẩm thực Huế; áo dài Huế; hiếu học Huế; ca Huế; vườn Huế; lễ hội dân gian Huế; sông Hương và các di sản thiên nhiên Huế.
Theo ông Ngọc, hàng chục năm qua, Huế đã thay mặt cả nước giữ gìn di sản dân tộc; trong đó, xem trọng môi trường và không gian văn hóa, giữ gìn môi trường thiên nhiên trong lành, không đánh đổi môi trường thiên nhiên để lấy lấy lợi ích kinh tế.
Huế không cạnh tranh với các tỉnh thành khác về kinh tế công nghiệp mà nên cạnh tranh về kinh tế văn hóa, môi trường, du lịch… Đó là sở trường và nền tảng phát triển bền vững của Huế.
Đồng quan điểm đó, GS.TS Thái Kim Lan cho rằng một đô thị di sản như Huế không nên phát triển theo chiều cao với những khối nhà cao tầng. Nhà thơ Võ Quê nhấn mạnh Huế cần phải phát triển nhưng phải hài hòa với thiên nhiên, với văn hóa Huế.
Nhà nghiên cứu Phan Đăng nói du lịch Huế đừng chạy theo casino, khách sạn tiện nghi xa hoa mà nên thu hút khách đến Huế để sống trong thiên nhiên trong lành, được bình yên thư thái, sang trọng đúng chất Huế.
Phải phát triển, nhưng theo cách của Huế
Chủ trì hội thảo, ông Phan Thiên Định – phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế – đồng cảm với ý kiến của các nhà nghiên cứu. Ông Định nhắc lại lời của một diễn giả trong hội thảo rằng Huế chậm phát triển nhưng lại có cái may – may mà chậm.
Là vùng đất văn hóa, là đô thị di sản, Huế không thể phát triển nhanh và dễ dàng như các địa phương khác. Nếu phát triển nhanh thì rất dễ phải tổn thất những thứ quý giá của Huế, đó là môi trường thiên nhiên, không gian văn hóa, lối sống của con người…
Nhưng Huế không thể không phát triển và bản sắc Huế không phải là bất biến. Vì vậy, Huế cần nhận diện lại bản sắc, xác định giá trị cốt lõi để phát triển bền vững theo đúng thế mạnh của mình.