23/12/2024

COVID-19 gây ‘đại dịch nợ ngày học’ đến 300 tỉ ngày

COVID-19 gây ‘đại dịch nợ ngày học’ đến 300 tỉ ngày

Một nghiên cứu toàn cầu cho thấy việc đóng cửa trường học sẽ gây ‘đại dịch nợ ngày học’ của các học sinh lên đến 300 tỉ ngày.

 

COVID-19 gây đại dịch nợ ngày học đến 300 tỉ ngày - Ảnh 1.

Giáo viên giảng dạy tại một lớp học chỉ có phân nửa học sinh được đến lớp ở trường trung học York Suburban tại thành phố York, bang Pennsylvania, Mỹ ngày 18-9-2020 – Ảnh: REUTERS

Theo Tổ chức giáo dục độc lập Insights for Education (IfE), 84% trong 300 tỉ ngày thất học trên rơi vào những trẻ em ở các nước nghèo hơn. IfE cũng cảnh báo vẫn còn 711 triệu học sinh chưa trở lại lớp học, theo hãng tin Reuters ngày 1-10.

IfE – có trụ sở tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ), đã nghiên cứu và phân tích dữ liệu tại 191 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Họ ghi nhận không có sự tương quan giữa việc mở cửa lại trường học với việc tăng – giảm các ca nhiễm COVID-19 mới, theo IfE.

“Điều cần thiết là phải nghiên cứu các bằng chứng để tránh đưa ra các giả định sai lầm về tác động của việc đóng và mở cửa trường học đối với sự lây nhiễm của virus corona” –  bà Randa Grob-Zakhary, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành IfE, cho biết.

“Nhiều người cho rằng việc mở cửa trường học sẽ làm lây nhiễm dịch bệnh, và việc đóng cửa trường học sẽ giúp giảm các ca lây bệnh, nhưng thực tế phức tạp hơn thế nhiều. Chìa khóa hiện nay là học hỏi từ các quốc gia đang mở cửa trường trở lại một cách hiệu quả trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm bệnh” – bà Grob-Zakhary nhìn nhận.

92% trong số 191 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ nhất của đại dịch COVID-19 và đã bắt đầu mở cửa lại trường học trên cả nước. Thậm chí một số nước trong số này đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ hai.

IfE phát hiện rằng 52 quốc gia cho phép học sinh quay trở lại trường học trong tháng 8 và tháng 9, bao gồm Pháp và Tây Ban Nha, chứng kiến tỉ lệ nhiễm bệnh tăng cao trong những ngày lễ. Những nước khác như Anh và Hungary cũng ghi nhận sự gia tăng ca nhiễm trở lại sau khi mở cửa lại trường học, mặc dù tỉ lệ lây nhiễm ở Anh đã có xu hướng tăng trước khi trường học đón học sinh trở lại.

Một số khác, chẳng hạn Croatia, đã chứng kiến các ca nhiễm mới giảm sau khi mở cửa lại trường học, theo báo Telegraph ngày 1-10. Nhìn chung, theo IfE, bức tranh tổng thể rất đa dạng đến mức không thể chứng minh được mối liên hệ giữa trường học và sự lây nhiễm virus corona.

IfE đề xuất cần phải xem xét thêm các yếu tố khác, bao gồm năng lực của hệ thống y tế ở các nước, sự cởi mở về kinh tế cũng như năng lực xét nghiệm và truy vết những người nghi nhiễm.

Phân tích của IfE chứng minh điều mà các nhà khoa học ngày càng tin tưởng là trẻ em, ban đầu được xem là đối tượng lây nhiễm tiềm tàng của virus corona, dường như không đóng vai trò đó. Tuy nhiên, việc đóng cửa trường học ngày càng có những tác động bất lợi với trẻ em trên toàn cầu.

Hầu hết các nước đang trong làn sóng COVID-19 thứ hai, bao gồm nhiều quốc gia châu Âu, không xem xét đóng cửa toàn diện các trường học mà đang cân nhắc cách để mở cửa lại.

Trong khi đó, một số nước vẫn còn đang trong làn sóng đầu tiên, như Brazil, vẫn đang đóng cửa phần lớn trường học trên toàn quốc. Nghiên cứu của IfE cho biết đến nay vẫn còn 44 quốc gia chưa mở cửa lại trường học.

Các quốc gia hiện đang triển khai các chiến lược khác nhau để mở cửa lại trường học trong thời kỳ đại dịch. Các biện pháp đang được nhiều nước áp dụng là đeo khẩu trang, luân phiên đến lớp học và kết hợp giữa học trực tiếp và học từ xa.

Bà Grob-Zakhary cho rằng các nước đang trong làn sóng dịch thứ nhất có thể theo dõi và học hỏi cách các nước đang ở làn sóng thứ hai đối phó với “điều bình thường mới”, khi virus vẫn chưa biến mất nhưng việc học vẫn phải tiếp tục.

ANH THƯ
TTO