23/01/2025

Chương trình lớp 1 mới ra sao mà ‘ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo’?

Chương trình lớp 1 mới ra sao mà ‘ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo’?

‘Mấy bữa nay, ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo: Cô giáo chê con viết đã chậm còn sai ô li, đọc chữ thì cứ bị vấp hoài. Các bạn cũng chê con dở quá…’ – chị Tâm, phụ huynh có con đang học lớp 1 ở một quận nội thành TP.HCM, bày tỏ.

 

Chương trình lớp 1 mới ra sao mà ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo? - Ảnh 1.

Nhiều trường năm nay than phiền khó dạy chương trình lớp 1 – Ảnh: TỰ TRUNG

Không chỉ chị Tâm, nhiều phụ huynh và cả giáo viên cũng phản ánh đến Tuổi Trẻ rằng chương trình mới rất “nặng” dù trước đó, các trường đã chủ động chọn sách cho trường mình.

Vật vã dạy con

Chị Tâm chia sẻ rằng chương trình tiểu học trước đây đã có rất nhiều người phê bình là quá nặng đối với trẻ, nhiều người tưởng chương trình lớp 1 mới sẽ khắc phục được nhược điểm này nhưng vẫn thế.

Mới đầu năm học lớp 1 mà các cháu học sinh phải học 2 âm trong một buổi, sau đó ráp âm lại thành tiếng rồi đọc, viết. Tính ra, mỗi tuần học sinh phải học và phải nhớ, phải đọc được, viết được 10 âm.

“Trẻ lớp 1 đến các mặt chữ còn chưa nhớ hết thì làm sao ráp âm lại thành tiếng mà đúng hết được?” – chị Tâm bức xúc.

Theo lời kể của chị Tâm, con của chị thường xuyên bị nhầm lẫn các con chữ như p với q, d với đ, h với n…

“Bé nhà tôi bị căng thẳng nên cứ mỗi lần kêu con lấy sách Tiếng Việt ra để học bài là con khóc. Họp phụ huynh đầu năm, tôi còn bị cô giáo than phiền rằng bé yếu quá, chậm quá. Tôi có trình bày rằng con tôi không được học chữ trước khi vào lớp 1 như một số bạn trong lớp. Cô bảo nếu vậy thì ba mẹ phải dành thời gian để kèm bé học ở nhà” – chị Tâm nói thêm.

Một phụ huynh khác kể: từ đầu năm đến nay, cứ buổi tối là cả nhà cùng “đánh vật” với những con chữ. Sau mỗi buổi học, cô giáo sẽ chụp ảnh các chữ gửi trong group Zalo rồi yêu cầu phụ huynh cho con em rèn chữ ở nhà. Tức là phụ huynh phải viết chữ mẫu vào tập cho bé để bé nhìn vào đó viết tiếp cho đúng.

Việc này không dễ dàng chút nào khi phụ huynh không phải là giáo viên, không thể viết đẹp, viết đúng chiều cao, khoảng cách của các con chữ.

“Tôi viết đi xóa lại khá nhiều đến độ con tôi thắc mắc sao mẹ phải viết đi viết lại mấy lần mới đúng ô li mà cô giáo cứ bắt con phải viết đúng ngay lần đầu tiên hả mẹ?” – vị phụ huynh kể.

Đặc biệt, có phụ huynh email đến PV Tuổi Trẻ đặt câu hỏi sách giáo khoa lớp 1 vẫn còn dùng phương ngữ khá nhiều khiến phụ huynh cũng gặp khó khăn khi dạy con chứ không chỉ khó khăn về phía học sinh.

Ví dụ bài 15 phần tập đọc (sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 tập một) có câu: “Ba Hà để bể cá ở hè”, con tôi bảo hè là mùa hè, tôi tra từ điển mới hiểu “hè” là phương ngữ miền Bắc, miền Nam và Trung thì gọi là “hiên”. Cách dùng từ cũng không thống nhất, vì xuất hiện từ “ba” là cách dùng khó đi đôi với “hè”.

Trong khi đó, chị Thu Hương (Q.Tân Phú) chia sẻ môn tiếng Việt, trẻ con mới vào lớp 1 không được học vỡ lòng như trước mà đi ngay vào đọc, viết rất căng. Tôi kèm cho con mà thấy rằng sách được thiết kế với tốc độ rất nhanh, cứ một buổi học 2 âm, sau đó ghép vần và viết chính tả luôn. Mới kết thúc tuần 1, các con phải đọc đoạn văn dài.

“Con trai tôi chưa nhận diện hết mặt chữ, cô giáo đã yêu cầu đọc suôn từng từ. Ngày trước cứ thong thả học vần, ghép chữ qua những bài thơ với câu từ đơn giản, dễ hiểu, khơi gợi trí tò mò, háo hức sự đọc. Tôi thấy khó để kèm dạy con, vì sách đã bỏ qua nhiều bước vỡ lòng rất quan trọng” – chị Hương nói.

Chương trình lớp 1 mới ra sao mà ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo? - Ảnh 2.

Học sinh lớp 1 trong giờ học môn tiếng Việt – Ảnh: NHƯ HÙNG

Chương trình nặng, chủ yếu là tiếng Việt

Tương tự, tại Hà Nội, khá nhiều phụ huynh có con học lớp 1 đã đưa lên Facebook những trang sách tiếng Việt được cho biết là học trong một buổi. Chưa nói về tính khoa học, độ khó phù hợp hay không với trẻ 6 tuổi trải qua 2-3 tuần học mà chỉ nhìn vào khối lượng âm/vần đã khiến cha mẹ bị choáng.

“Trẻ lớp 1 chỉ hơn “mẫu giáo lớn” một chút, có nghĩa vừa phải dạy, vừa phải dỗ, kèm từ cách cầm bút đến khả năng ngồi tập trung 20-30 phút. Vậy mà chương trình lại dạy quá nhanh. Không nói học sinh mà phụ huynh cũng thấy rối với các âm/vần quá nhiều” – chị Thu Hạnh, phụ huynh có con học lớp 1 ở Cầu Giấy, cho biết.

Nhiều phụ huynh cũng lo lắng về yêu cầu “đọc hiểu” được đặt ra khi trẻ còn đang học “i tờ”. “Gia đình tôi thường xuyên đọc truyện cho con để cháu tiếp cận với sách, nhưng khi phải làm các bài yêu cầu “đọc hiểu” con vẫn bị khó khăn. Càng giải thích, càng gặng hỏi thì con càng căng thẳng, sợ rồi khóc. Có bữa, con khóc mẹ khóc.

Tối nào cũng “đánh vật” với tiếng Việt cùng con trên dưới 2 tiếng” – chị Lý, một phụ huynh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, kể. Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số ý kiến về việc chương trình “nặng” đều tập trung ở môn tiếng Việt.

Theo một chuyên gia giáo dục, việc “kêu ca” này dễ hiểu vì ở học kỳ 1 của chương trình lớp 1, thời lượng dành cho tiếng Việt nhiều hơn, với mục tiêu trẻ phải học chữ. Nhiều môn học khác trong chương trình học kỳ 1 đang phải hạn chế vì “chờ trẻ biết chữ”.

“Có thể vì thế mà những ý kiến đang chỉ tập trung vào tiếng Việt khiến dư luận hiểu sách tiếng Việt “có vấn đề” so với các môn học khác của lớp 1 khi triển khai chương trình giáo dục mới” – chuyên gia này nhận định. Một vài hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội cũng nhận định trẻ “học trước” thì thuận, trẻ hơi chậm gặp khó khăn.

“Tôi nhận lớp khi có tới 80% học sinh đã được cho học trước. Với những cháu “học trước”, việc tiếp thu nội dung chương trình học kỳ 1 có thuận lợi hơn nhưng cũng nhiều cái phải uốn nắn do mỗi cháu được dạy theo một kiểu. Trong khi yêu cầu của sách là “dạy phát triển năng lực”.

Còn đáng lo hơn là ở 20% số trẻ chưa hề học chữ trước khi vào lớp 1″ – cô L.H., một giáo viên tiểu học ở quận Đống Đa, thông tin.

Chương trình lớp 1 mới ra sao mà ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo? - Ảnh 3.

Có nhiều ý kiến khác nhau về chương trình lớp 1- Ảnh: TỰ TRUNG

Giáo viên cũng than khó

Theo cô L.H., chương trình được phân bổ cho mỗi tiết học tiếng Việt rất nặng. Mặc dù học sinh có buổi 2 để dành thời gian luyện tập, nhưng “sẽ khó khăn nếu phụ huynh không cùng hỗ trợ dạy thêm con ở nhà”. Nhất là các cháu “chậm”, vì lớp quá đông, giáo viên không có thời gian để kèm từng học sinh.

Theo cô H., lãnh đạo trường phải động viên giáo viên dạy lớp 1 năm nay vừa dạy vừa điều chỉnh, vì “chương trình, yêu cầu dạy học đều quá mới”.

Một giáo viên ở Q.5, TP.HCM chia sẻ: “Chương trình sách giáo khoa lớp 1 với bộ sách mà trường đang dạy quá khó! Khi giáo viên đi tập huấn để làm quen, tất nhiên giáo viên ai cũng hiểu vấn đề nhưng để làm sao truyền tải cho trẻ lớp 1 chưa biết viết, đọc một nội dung bài học trong thời gian quá ngắn là điều… toát mồ hôi”.

Giáo viên này nêu ví dụ bài tập đọc “Trung thu”, các em phải học 3 vần “ang”, “ăng”, “âng” và đoạn văn ngắn gồm hai câu phức. Bài 1 vần học sinh có thể nhớ, bài đến 2 – 3 vần trong thời gian ngắn, sao học sinh nhớ hết?

“Suốt 4 tuần đầu năm học, tôi phát hiện các em rất vật vã… khi học con chữ. Theo phân phối chương trình, hết tuần 9 các em học 8 vần và âm đôi. Như thế không những nhiều mà thời gian học rất nhanh. Các em lẫn lộn, không nhớ hết” – giáo viên này nói.

Tương tự, cô T., khối trưởng khối 1 của một trường tiểu học nổi tiếng ở TP.HCM, phân tích: “Nếu so sánh với chương trình tiểu học năm 2000 thì môn tiếng Việt nặng nề hơn, đa số các bộ sách giáo khoa môn tiếng Việt đều “chạy” chương trình khá nhanh.

Đến tuần 13 học sinh đã phải viết chữ cỡ nhỏ trong khi chương trình cũ thì sang học kỳ 2 học sinh lớp 1 mới phải viết chữ cỡ nhỏ. Phần ứng dụng trong sách giáo khoa chương trình cũ chỉ có 2 – 3 câu đơn giản thì sách giáo khoa mới có khi học sinh lớp 1 phải đọc nguyên một bài thơ hoặc cả một văn bản dài”.

* “Có một số môn, vận động là chính, không phải dùng sách nhưng lại có sách như môn thể dục, phải dành thời gian mở sách giáo khoa thể dục để hướng dẫn. Trong khi phát âm, luyện vần, thời gian học lại có hạn và ngắn. Cân đối nội dung và các môn với chương trình lớp 1 khiến tôi căng thẳng theo. Tôi thật sự rất lo lắng”.

(Ý kiến một giáo viên)

* “Với môn toán, cộng, trừ hai chữ số các con chưa thành thạo, chữ số hàng chục còn nhầm lẫn nhưng được giới thiệu phép cộng 3 số với nhau. Các con khóc, mà cha mẹ chúng tôi cũng cực kỳ căng thẳng”.

(Ý kiến một phụ huynh)

Chương trình tiếng Việt “đi” hơi nhanh. Hết tháng 9 đã xong các âm, các câu ứng dụng đã có 2 – 3 câu. Học sinh tập chép lại các câu đó vất vả mà thời gian cho viết lại ít. Học sinh còn đang phải tập đánh vần, đọc còn chưa nhanh, chưa đúng nhưng đã có những nội dung yêu cầu học sinh đọc hiểu để trả lời.

Giáo viên dạy rất mệt, nhất là trong tình huống lớp học có sĩ số đông, trình độ tiếp thu của học sinh khác nhau nhiều quá.

(Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

VĨNH HÀ – HOÀNG HƯƠNG – THẢO THƯƠNG
TTO