12/01/2025

LỜI NÓI ĐẦU ƠN GỌI CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP PHIÊN BẢN TIẾNG ANH 2018

Việc biên soạn quyển sách này có nguồn gốc nhiều cuộc họp vào năm 2010 và 2011, những buổi gặp gỡ được gợi hứng từ Thông điệp Caritas in Veritate của Đức Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI.

LỜI NÓI ĐẦU ƠN GỌI CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP PHIÊN BẢN TIẾNG ANH 2018

Việc biên soạn quyển sách này có nguồn gốc nhiều cuộc họp vào năm 2010 và 2011, những buổi gặp gỡ được gợi hứng từ Thông điệp Caritas in Veritate của Đức Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI. Cùng với Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình (PCJP) vào thời điểm đó, các tổ chức cộng tác bao gồm Viện Tư tưởng Xã hội Công giáo John A. Ryan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Công giáo tại Viện Đại học Thánh Thomas, Quỹ Ecophilos, Viện Nghiên cứu Công giáo Cao cấp tại Los Angeles, và Liên minh Quốc tế các Hiệp hội Giám đốc Kinh doanh Kitô hữu (UNIAPAC – the International Union of Christian Business Executives Associations). Lý do cơ bản của tất cả những người tham gia – các doanh nhân nam nữ, các giáo sư đại học và các chuyên gia học thuyết xã hội Công giáo – là niềm xác tín vững chắc của Hội Thánh rằng mọi Kitô hữu đều được kêu gọi thực hành đức mến theo ơn gọi của mình và theo tầm ảnh hưởng của mình trong polis (CIV, 7).

Sau khi bàn tính kỹ lưỡng, họ quyết định biên soạn quyển “Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp” như một loại cẩm nang (vade-mecum) dành cho các doanh nhân nam nữ. Đó còn là một cẩm nang cho các vị giáo sư sử dụng trong việc đào tạo và giảng dạy tại các trường học và các viện đại học. Tài liệu nói đến “ơn gọi” của các doanh nhân nam nữ là những người hoạt động trong nhiều tổ chức kinh doanh: các hợp tác xã, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp gia đình, các doanh nghiệp xã hội, các tổ chức lợi nhuận/phi lợi nhuận vv.; những thách đố và những cơ hội thế giới kinh doanh mang lại cho họ trong bối cảnh truyền thông lên đến quy mô toàn cầu, các thông lệ tài chính ngắn hạn, và những thay đổi văn hóa và công nghệ sâu sắc.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được kêu gọi tham gia thế giới kinh tế và tài chính hiện đại dưới ánh sáng của các nguyên tắc phẩm giá con ngườicông ích. Hướng dẫn này cung cấp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các thành viên trong các tổ chức của họ và các bên liên quan khác một bộ nguyên tắc thực hành để có thể hướng dẫn họ phục vụ công ích. Trong số những nguyên tắc này, nguyên tắc đáp ứng các nhu cầu của thế giới bằng các sản phẩm có phẩm chất tốt và với tinh thần phục vụ đính thực nhưng trong tình liên đới vẫn không quên nhu cầu của những người nghèo và những người dễ bị tổn thương; tổ chức lao động trong các doanh nghiệp cần tuân thủ nguyên tắc tôn trọng phẩm giá con người; nguyên tắc bổ trợ nhằm phát huy tinh thần chủ động và nâng cao năng lực cho người lao động để nhờ vậy họ được xem là các đồng doanh nhân; và cuối cùng, nguyên tắc tạo ra của cải bền vữngphân phối công bằng cho các bên liên quan khác. Ấn bản mới này trình bày một số giáo huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô liên quan mật thiết đến kinh doanh, nhất là thông điệp Laudato Si’. Đức Phanxicô xem kinh doanh như một ơn gọi cao quý, nhưng lý tưởng sai lầm về lợi ích cá nhân hay lợi ích doanh nghiệp gây thiệt hại cho tất cả những người khác đã khiến ngài rất đỗi bận tâm. Ngài kêu gọi các nhà doanh nghiệp toàn cầu khám phá giá trị nội tại của mọi thụ tạo do Thiên Chúa sáng tạo, nhìn nhận tài nguyên thiên nhiên không chỉ có mỗi chức năng hữu dụng; xem mỗi nhân vị như một “chủ thể không bao giờ có thể bị giảm thiểu xuống tình trạng của một vật thể”; và tạo ra nhiều việc làm “như một phần tất yếu trong việc phục vụ công ích”. Bằng cách đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể thực hiện công trình sáng tạo của Thiên Chúa và trung thành phục vụ sự nghiệp này. Đôi khi tiếng nói khẩn thiết có tính ngôn sứ của Đức Giáo hoàng có thể dường như mang tính chỉ trích gây ngạc nhiên, nhưng tiếng nói ấy phục vụ cho lời mời gọi của ngài về sự hoán cải liên tục ở cấp độ cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng – một sự tích hợp luôn luôn đầy đủ hơn về mọi khía cạnh nhân sinh.

Đây là những thời điểm khó khăn đối của nền kinh tế thế giới, cũng là thời điểm nhiều doanh nhân nam nữ phải gánh chịu biết bao hậu quả từ các cuộc khủng hoảng, làm sút giảm sâu xa thu nhập cho các doanh nghiệp của họ khiến chúng có nguy cơ chấm dứt hoạt động, và đe dọa hàng loạt công ăn việc làm. Tuy vậy, Hội Thánh vẫn hi vọng rồi đây các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Kitô hữu, bất chấp bóng tối hiện nay, sẽ phục hồi niềm tin, khơi nguồn hy vọng và giữ ánh sáng đức tin luôn cháy rực để tiếp thêm sinh lực cho việc mưu cầu điều thiện hảo hàng ngày. Thật vậy, quả là đáng giá dường bao khi nhắc lại rằng đức tin Kitô giáo không chỉ là ngọn đèn bừng cháy trong tim người tín hữu mà còn là lực đẩy lịch sử nhân loại.

Hồng y Peter K.A. Turkson

Bộ Trưởng, Bộ Thăng Tiến Sự Phát Triển Con Người Toàn Diện

Đan Quang Tâm chuyển ngữ