23/01/2025

Dùng tay ướt chạm vào kính áp tròng, cô gái bị mù một mắt

Dùng tay ướt chạm vào kính áp tròng, cô gái bị mù một mắt

Vì dùng tay ướt chạm vào kính sát tròng, một cô gái ở Scotland đã bị mù một mắt. Ngón tay dính nước bẩn ấy đã khiến mắt cô bị nhiễm ký sinh trùng, dẫn đến mù loà.
Cô Charlotte Clarkson đã bị mù mắt phải do nhiễm ký sinh trùng lúc mang kính áp tròng /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Cô Charlotte Clarkson đã bị mù mắt phải do nhiễm ký sinh trùng lúc mang kính áp tròngẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Cũng giống như những người bị cận thị nhưng không muốn mang kính, cô Charlotte Clarkson, 24 tuổi, ở thành phố Edinburgh (Scotland) đã dùng kính áp tròng ban đêm để điều chỉnh thị giác, theo Daily Mail.
Loại kính áp tròng này mang khi ngủ và có tác dụng điều chỉnh lại độ cong của giác mạc để giúp nhìn rõ hơn vào ban ngày. Người mang phải dùng ngón tay đưa kính áp tròng vào mắt.
Cô Clarkson cũng làm tương tự. Tuy nhiên, có lần cô đã thiếu cẩn thận khi dùng ngón tay ướt để đưa kính vào mắt. Việc này khiến cô Clarkson bị nhiễm một loại ký sinh trùng cực nhỏ có tên là acanthamoeba.
Ký sinh trùng acanthamoeba thường sống trong đất và nước, ngay cả trong nước máy. Loại ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào mắt nếu không vệ sinh cẩn thận khi dùng kính áp tròng.
Trong trường hợp của Clarkson, ký sinh trùng đã xâm nhập vào giác mạc mắt phải gây viêm giác mạc. Ban đầu, cô cảm giác khó chịu như có cát trong mắt.
Mắt cô Clarkson ngày càng đau và đỏ do viêm nặng hơn. Vài ngày sau, cô đến khám bác sĩ thì bị chẩn đoán mụt lẹo trên mí mắt. Trong 2 tuần tiếp theo, cơn đau vẫn tiếp tục. Cô tìm đến 2 bác sĩ nhãn khoa khác, vẫn được chẩn đoán là bị mụt lẹo và kê kháng sinh.
Trong vài tuần sau đó, mắt cô Clarkson ngày càng đau và nhạy cảm ánh sáng. Các triệu chứng đã hành hạ cô suốt 3 tháng. Cô đã phải ngủ trong phòng tối suốt nhiều tuần liền. Mỗi sáng thức dậy, mắt cô đau dữ dội khi tiếp xúc với ánh sáng.
Cô Clarkson tiếp tục tìm đến một bác sĩ nhãn khoa khác nhưng cũng chưa thể xác định nguyên nhân gây bệnh thực sự. Đến 8 tuần sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, một bác sĩ tại bệnh viện cô đang điều trị mới hỏi liệu cô có mang kính áp tròng và để kính tiếp xúc với nước.
Các xét nghiệm kỹ hơn sau đó mới phát hiện cô Clarkson bị nhiễm ký sinh trùng acanthamoeba. Bệnh thường khó chẩn đoán. Khi tiến triển nặng, khoảng 1/4 người mắc sẽ mù, theo Daily Mail.
“Tôi biết mang kính áp tròng khi tắm hay bơi lội là nguy hiểm nhưng lại không biết ngay cả để kính tiếp xúc một lượng nhỏ nước như vậy mà cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng với mắt”, cô Clarkson nói.
Mặc dù đã được áp dụng nhiều phương pháp điều trị nhưng mắt cô Clarkson đã không có gì tiến triển. Cô mất hoàn toàn thị lực ở mắt phải và giải pháp cuối cùng là phải ghép giác mạc, theo Daily Mail.
NGỌC QUÝ
TNO