Ít vận động làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường ở trẻ em

Ít vận động làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường ở trẻ em

Nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết T.Ư (Hà Nội) mới đây cho biết: Rối loạn dung nạp đường huyết – yếu tố cảnh báo mắc đái tháo đường – đang chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em.
Các hoạt động thể thao như bơi lội rất có ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ /// Ảnh: Khả Hòa
Các hoạt động thể thao như bơi lội rất có ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ ẢNH: KHẢ HÒA

Cần vận động thể lực ít nhất 60 phút/ngày

Theo Bệnh viện Nội tiết T.Ư, béo phì – đặc biệt là béo bụng – và tình trạng kháng insulin ở trẻ em gây rối loạn dung nạp glucose (đường) hay tiền đái tháo đường.Rối loạn dung nạp glucose là tình trạng đường trong máu tăng cao hơn so với mức bình thường. Những người có rối loạn dung nạp đường huyết có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường týp 2.
Đái tháo đường týp 2 là bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa (béo phì, tăng mỡ máu) do dinh dưỡng không hợp lý, lười vận động thể lực.
Nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Nội tiết T.Ư với 2.810 trẻ em từ 11 – 14 tuổi trên toàn quốc cho thấy: 178 trẻ (6,2%) mắc rối loạn glucose (đường) máu. Lứa tuổi trẻ nhất (11 tuổi) có tỷ lệ mắc cao nhất (8,1%). Tỷ lệ thừa cân béo phì ở các trẻ được nghiên cứu là 27,8% (17,9% thừa cân và 9,9% béo phì).
Về thói quen vận động, 90,6% trẻ em được phỏng vấn đều có chơi một môn thể thao. Tuy nhiên, thời gian trung bình vận động theo tiêu chuẩn ở trẻ em cần ít nhất 60 phút/ngày, nhưng vẫn có các trẻ chưa đạt được, đặc biệt ở nhóm trẻ gái.
Cũng theo nghiên cứu trên, có quá nửa trẻ em chơi game, trong đó 34,7% trẻ em chơi game hơn 1 giờ/ngày; 100% trẻ dùng mạng xã hội.
Các chuyên gia về nội tiết – chuyển hóa khuyến cáo: Cần có những biện pháp kịp thời và toàn diện từ phía gia đình, nhà trường, và bản thân trẻ để duy trì lối sống tích cực, phòng tránh các bệnh: béo phì, tim mạch, đái tháo đường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vận động tích cực giúp trẻ tăng chiều cao

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, béo phì do tình trạng ăn nhiều quá mức cần thiết, gây dư thừa chất dinh dưỡng. Chất dinh dưỡng dư thừa này sẽ tích tụ thành mỡ. Vận động, tập thể dục chính là để giúp đốt cháy nguồn năng lượng dư thừa này, giúp duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân khi bị thừa cân, béo phì.
Không chỉ giúp kiểm soát cân nặng, ngừa bệnh đái tháo đường týp 2 và các bệnh tim mạch, vận động tích cực còn giúp các em khỏe mạnh và phát triển thể lực toàn diện hơn.
Khi vận động, các em sử dụng cơ bắp nhiều, cơ bắp càng săn chắc thì càng khỏe mạnh. Vận động còn giúp bộ xương vững chắc, phát triển tốt chiều cao. Vận động giúp hoạt động của các cơ quan trong cơ thể phát triển tốt hơn, tăng sức bền và cải thiện chức năng của hệ hô hấp, tuần hoàn.
Ngoài ra, thể dục và vận động tích cực làm cho não giải phóng ra một loại chất giúp các em cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và giảm căng thẳng.
Các hoạt động như chơi thể thao (cầu lông, bóng đá, bơi lội…), đi xe đạp, chạy bộ và khiêu vũ đều là những hình thức vận động thể lực tốt cho sức khỏe. Tham gia làm một số công việc nhà như: quét dọn, lau nhà, phơi quần áo… cũng chính là các hoạt động thể lực tích cực và rất có ích cho sự phát triển toàn diện của các em.
Các hoạt động như: kéo co, cầu lông, bóng đá, đi xe đạp, chạy bộ và nhảy múa… đều là những hình thức tập thể dục tốt cho sức khỏe của trẻ em.
Có thể tập một số bài tập kéo giãn như tập xà đơn để tăng tính linh hoạt và khỏe mạnh của cơ thể.
Nên ưu tiên tham gia hoạt động ngoài trời ít nhất 1 tiếng mỗi ngày, thay vì các hoạt động tĩnh tại nhà như: chơi game, xem ti vi, dùng thiết bị điện tử…
Trẻ cần vận động phù hợp và đúng, để tránh chấn thương.
(Viện Dinh dưỡng quốc gia)
NAM SƠN
TNO