‘Phù phép’ chất thải y tế: quá nguy hiểm
‘Phù phép’ chất thải y tế: quá nguy hiểm
Sự việc có tới 324.000 bao cao su (tương đương 360kg) đã qua sử dụng được phát hiện khi đang tái chế tại Bình Dương và trước đó là nhiều vụ ‘tích trữ’ găng tay, khẩu trang đã qua sử dụng khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Và dư luận đặt nghi vấn về lỗ hổng trong quản lý rác thải y tế. Thay vì tiêu hủy theo quy định, không hiểu bằng con đường nào, những loại rác thải với nguy cơ lây nhiễm cao lại được tuồn ra ngoài…
Bao cao su từ đâu ra?
Ông Nguyễn Doãn Tú, tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), chia sẻ ông rất băn khoăn về nguồn gốc lô bao cao su được cho là đã qua sử dụng và được tái chế mà cơ quan chức năng mới phát hiện gần đây.
Theo ông Tú, có thể lô hàng này là hàng hết hạn, lỗi, hỏng là chính, bởi giá bao cao su hiện nay trên thị trường rất rẻ. Chương trình hỗ trợ giảm sinh tại các vùng nghèo thì sử dụng bao cao su tiếp thị xã hội, chỉ mấy trăm đồng/chiếc.
“Tôi cho rằng với giá thành này, sản phẩm làm thủ công (thu gom rồi tái chế) giá còn cao hơn, bởi sản phẩm thủ công khó có thể tránh dầu bôi trơn đều như bao cao su sản xuất tại nhà máy” – ông Tú chia sẻ.
Trong khi đó, một bác sĩ lâu năm trong lĩnh vực sản phụ khoa ở TP.HCM nói rất có thể được tuồn ra từ cơ sở y tế. Theo vị bác sĩ này, trong lĩnh vực sản khoa, bao cao su thường được dùng để bọc đầu dò siêu âm ngả âm đạo, ở một số bệnh viện sản khoa lớn thường được trang bị rất nhiều máy siêu âm, mỗi máy có thể siêu âm trên 100 bệnh nhân/ngày. “Do đó con số bao cao su đã qua sử dụng rất lớn” – vị bác sĩ khẳng định.
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, đặt vấn đề với các loại bao cao su dùng để khám trong sản khoa thường bị giãn ra rất rộng, không hiểu các đối tượng này dùng “thủ thuật” gì để có thể tái chế và sử dụng được!?
Tại Bệnh viện Hùng Vương, bác sĩ Tuyết cho biết quy trình quản lý, phân loại rác thải y tế rất nghiêm ngặt. Theo đó, với các loại rác thải y tế như bao cao su, găng tay, khẩu trang… sau khi sử dụng đều được phân loại đầu nguồn, giao nhận, ký tên và được công ty vệ sinh môi trường (có ký hợp đồng) đến thu gom tiêu hủy định kỳ, có ngày vận chuyển đến 2 lần các loại rác thải y tế.
“Tính sơ sơ một ngày bệnh viện có thể sử dụng trên 1.300 bao cao su để khám hoặc bọc đầu dò siêu âm ngả âm đạo” – bác sĩ Tuyết nói.
Bác sĩ Tuyết cho rằng trong các bệnh viện đều có quy trình quản lý rác thải đầu nguồn nghiêm ngặt nên khả năng không dễ xảy ra tình trạng tuồn rác thải ra ngoài tái chế. Do đó, hiện tượng này có thể xảy ra ở khâu trung gian trong quá trình vận chuyển, tiêu hủy (!?).
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cũng cho biết mỗi ngày bệnh viện có một lượng rác thải y tế khổng lồ cần tiêu hủy và khẳng định đơn vị có ký hợp đồng với công ty vệ sinh môi trường để chịu trách nhiệm xử lý.
“Bệnh viện chỉ có trách nhiệm phân loại theo đúng quy định, còn khi ra khỏi cổng bệnh viện đơn vị không thể kiểm soát được rác đi đâu, về đâu” – bác sĩ Thức nói.
Găng tay, khẩu trang qua sử dụng cũng tràn lan
Ngoài bao cao su, găng tay và khẩu trang là hai sản phẩm thường dùng với nhân viên y tế và trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều kho găng tay, khẩu trang “khủng” đã qua sử dụng ở nhiều nơi trên toàn quốc.
Liên quan đến nghề nghiệp, bác sĩ Tuyết cho biết khám bệnh thường không tiêu hao găng tay nhiều bằng khâu thủ thuật và mổ. Ở khu vực phòng khám, nội trú phòng bệnh bình thường một ngày hai cái khẩu trang, còn ở phòng mổ mỗi ca đều phải thay một cái chứ không thể đeo từ ca này qua ca kia được.
Giám đốc một bệnh viện đa khoa ở TP.HCM khẳng định găng tay, khẩu trang là hai vật “bất ly thân”, được nhân viên y tế sử dụng thường xuyên với số lượng rất lớn trong các bệnh viện. Ông dẫn chứng như trong phòng hồi sức hay ở các khoa bệnh nặng, bác sĩ khám bệnh ở nhiều thời điểm và mỗi lần như thế đều phải đeo khẩu trang, thay một cặp găng tay để kiểm soát nhiễm khuẩn.
“Một ngày với một bác sĩ khám cẩn thận, đúng quy trình thì việc sử dụng 20 cặp găng tay là chuyện bình thường” – vị này thông tin.
Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, phần lớn các vụ găng tay tái chế được các cá nhân tham gia mua bán khai nhận gom từ nguồn trôi nổi. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, khả năng cao nguồn hàng này được gom chủ yếu từ các khu công nghiệp (đòi hỏi công nhân sử dụng găng tay) và các cơ sở y tế.
“Nhiều khu công nghiệp có hàng chục, hàng trăm nghìn công nhân nên lượng găng tay y tế đã qua sử dụng hằng ngày rất lớn, và do thải loại dưới dạng rác thải nên các đường dây dễ dàng móc nối để vận chuyển đi tái chế” – đại diện cơ quan này nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Trần Văn Tùng – cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương – cũng cho rằng khả năng cao găng tay y tế đã qua sử dụng được gom từ các khu công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, điểm chung các vụ án là được phát hiện phần lớn tại các kho, điểm tập kết ít người qua lại, móc nối với nhiều đối tượng, tổ chức để gom hàng, gia công và tiêu thụ nên không dễ triệt phá cả đường dây.
Trong khi đó, dù một số vụ án, cá nhân bị khởi tố do sản xuất, tái chế khẩu trang, găng tay kém chất lượng nhưng đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho rằng vẫn còn nhiều vụ hiện nay mới chỉ “chặt” được phần ngọn. Đặc biệt, những vụ án móc nối với nhiều đối tượng để thu gom và tiêu thụ với quy mô lớn, thậm chí liên tỉnh.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Theo quy định hiện hành (ban hành năm 2015) về quản lý chất thải y tế, chất thải y tế được chia làm hai nhóm: chất thải nguy hại là các vật dính máu hoặc dịch sinh học của cơ thể, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải giải phẫu…
Ngoài ra còn có chất thải không lây nhiễm nhưng cũng có độ nguy hại cao, như thiết bị y tế đã sử dụng có chứa thủy ngân và các kim loại nặng, dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm có gây độc tế bào, hóa chất thải bỏ có thành phần nguy hại. Hai loại chất thải này có quy trình xử lý riêng, chặt chẽ, thu gom và lưu giữ tại nơi đủ điều kiện trước khi chuyển về cơ sở xử lý đúng quy định.
Với chất thải y tế thông thường, là chất thải phát sinh từ sinh hoạt tại bệnh viện, chất thải lỏng không nguy hại được thu gom riêng.
Nếu xét theo quy định vật có dính máu hoặc dịch sinh học thì bao cao su, găng tay, khẩu trang y tế thuộc nhóm chất thải nguy hại và yêu cầu xử lý chặt chẽ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho hay do tác động của dịch bệnh, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang, găng tay y tế tăng cao.
Trong khi đó, nguồn cung hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa phục vụ phòng chống dịch bệnh. Lợi dụng cơ hội này, một số nhóm đối tượng đã thu gom, tái chế găng tay, khẩu trang đã qua sử dụng, sau đó “phù phép” như mới để quay lại thị trường. Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo vì tính chất, mức độ nguy hiểm, tác động đến an toàn sức khỏe con người.
Báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra, xử lý
Vào cuối tháng 8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 9-2020.
Trước đó, thông tin nhiều vụ việc sản xuất, tập kết, vận chuyển số lượng lớn găng tay, khẩu trang không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ… đã được báo chí nêu lên nhiều lần.