15/01/2025

Tai biến mụn ở tuổi dậy thì

Tai biến mụn ở tuổi dậy thì

Mỗi ngày Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận điều trị đến 300 ca, trong đó phần lớn là trẻ ở tuổi dậy thì (80-85%). Nhiều em không biết cách chăm sóc, dùng mỹ phẩm, nghe theo quảng cáo trên mạng không đúng cách làm da mặt bị thâm, nhiễm trùng…

 

 

 

Tai biến mụn ở tuổi dậy thì - Ảnh 1.

Sau khi mua rượu cồn thoa lên mặt để trị mụn, em T. bị phát ban mụn mủ trên mặt – Ảnh: BVCC

Mặt thâm, nhiễm trùng ở trẻ mới lớn, phải chữa sao?

Nhiễm trùng do xử lý không đúng

Những tháng gần đây, em P.T.T. (17 tuổi, ngụ tại Hóc Môn, TP.HCM) bị nổi nhiều mụn trứng cá trên mặt. Từ ngày bị mọc mụn T. luôn cảm thấy không được tự tin, muốn điều trị cho hết mụn nhưng em lại không muốn đến bệnh viện. Người thân chỉ cách mua rượu cồn thoa lên những vùng bị mụn da sẽ hết mụn. Tuy nhiên, sau khi thoa theo cách hướng dẫn của người thân, da T. đỏ, bong tróc, phát ban mụn mủ khắp mặt và dị ứng toàn cơ thể.

Bác sĩ cho biết bệnh nhân T. bị viêm da tiếp xúc tại chỗ. Thông thường khi thoa các chất khác lên da thì chỉ bị phản ứng tại chỗ. Trong trường hợp này phản ứng miễn dịch dị ứng của cơ thể bệnh nhân mạnh hoặc do độc tính của hóa chất nên có thể lây lan ra các vùng khác. Bác sĩ phải điều trị giảm ngứa, giải mẫn cảm khoảng 3-5 ngày mới hết nhưng sẽ để lại vết thâm, tăng sắc tố.

Tương tự, sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, mặt em P.T.P. (15 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận) nổi đầy mụn trứng cá. Nghe người thân giới thiệu, em P. đến một spa nặn mụn. Tuy nhiên, sau khi nặn mụn xong, mặt em bị sưng lên, những chỗ được nặn lại mọc lên những mụn mủ. Lúc này, gia đình em mới đưa em đến bệnh viện khám, điều trị mụn.

Không tự mua “mỹ phẩm trị mụn”

ThS Trần Nguyên Ánh Tú – phó trưởng khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM – cho biết cơ chế bệnh sinh gây mụn trứng cá rất phức tạp, liên quan đến bốn yếu tố chính là tắc lỗ nang lông tuyến bã do tăng sừng, tăng sinh vi khuẩn C.acne, tăng sản xuất bã nhờn và phản ứng viêm.

Một số yếu tố có thể làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá như chế độ ăn nhiều sản phẩm từ sữa (đặc biệt là sữa tách kem) và carbohydrate, thuốc, mỹ phẩm… Khi bị mụn, nhiều em đã có những xử lý không đúng như hay sờ tay lên mụn, nặn mụn. Hành động này sẽ làm lan tràn bụi bẩn, vi khuẩn trên da và làm mụn nặng hơn, dễ gây sẹo xấu.

Nguy hiểm hơn, các em còn tự tìm mua các “mỹ phẩm” điều trị mụn được quảng cáo là điều trị hết mụn nhanh, mới bôi lên tình trạng mụn có thể giảm “ảo”, sau một thời gian ngắn mụn sẽ bùng lên dữ dội kèm theo các tình trạng tổn thương da khác.

Chưa kể một số em còn tự tìm hiểu thông tin trên mạng dùng kem đánh răng, thuốc rượu, nước ngâm rễ cây… điều trị mụn. Hầu hết các thành phần điều trị không đúng sẽ không thể giúp da khỏi bệnh được mà ngược lại làm tổn thương da càng nặng hơn, lan rộng hơn. Chưa kể các loại kem và thuốc bôi này còn có khả năng gây kích ứng, dị ứng làm da bong tróc, đỏ rát, sưng nề, nổi mụn nước, rỉ dịch… nếu lành tốt vẫn có thể để lại tình trạng da bị thâm sạm sau đó.

Không nên làm sạch quá mức

Theo bác sĩ Ánh Tú, những bước cơ bản để chăm sóc da mụn bao gồm rửa mặt 2 lần/ngày và sau khi đổ mồ hôi bằng nước ấm với các sản phẩm làm sạch nhờn, dịu nhẹ, không chứa cồn.

Việc làm sạch da là cần thiết nhưng không nên làm sạch quá mức, vì sẽ làm mất đi các lớp dầu cần thiết trên da, dẫn đến tuyến dầu bị kích thích sản xuất quá mức gây mụn trứng cá. Do đó, nếu muốn rửa mặt nhiều hơn 2 lần mỗi ngày, nên sử dụng sữa rửa mặt 2 lần, còn lại chỉ rửa bằng nước sạch.

Khi bị mụn trứng cá không nên nặn, lể hay hút mụn, tránh chà xát lên da bằng khăn vải, miếng bọt biển hay bất cứ vật dụng nào khác vì sẽ gây kích ứng và làm mụn nặng hơn. Nên tránh nắng, vì tia cực tím làm cho mụn nặng hơn, và làm da tăng nhạy cảm với các thuốc bôi điều trị mụn. Tránh nắng bằng cách đeo khẩu trang, đội nón, sử dụng kem chống nắng (cho da nhờn).

Bác sĩ Ánh Tú nhấn mạnh, mụn trứng cá tùy theo độ nặng sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Ví dụ, ở mức độ nhẹ chỉ cần rửa sạch mặt và bôi thuốc là đã có thể kiểm soát được. Nhưng với mức độ nặng cần phải kết hợp với thuốc uống trong một thời gian.

Mụn trứng cá ở mức độ nào, giai đoạn nào cũng nên được điều trị càng sớm càng tốt nhằm giảm nguy cơ diễn tiến nặng hơn và có khả năng gây sẹo xấu. Do đó, tốt nhất khi có mụn các em nên đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Coi chừng sẹo xấu

Đối với mụn mức độ trung bình đến mức nặng, thương tổn lan rộng với nhiều mụn mủ, nang, nốt… việc điều trị sớm là cần thiết giúp giảm nguy cơ tai biến sẹo xấu.

THUỲ DƯƠNG
TTO