13/01/2025

Siết chất lượng đầu vào lẫn đầu ra đào tạo thạc sĩ

Siết chất lượng đầu vào lẫn đầu ra đào tạo thạc sĩ

Dự thảo thông tư quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ sẽ siết chặt hơn các quy định về tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ.

 

Siết chất lượng đầu vào lẫn đầu ra đào tạo thạc sĩ - Ảnh 1.

Các tân thạc sĩ Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM trong ngày nhận bằng – Ảnh tư liệu: NHƯ HÙNG

Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, thời hạn lấy ý kiến từ nay tới 18-11. Dự kiến tháng 12-2020 sẽ ban hành thông tư.

Thông tư mới này nhằm điều chỉnh một số nội dung để quy định về tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ phải phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học và hệ thống các văn bản liên quan tới hoạt động đào tạo trình độ thạc sĩ như Khung trình độ quốc gia, khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy định về chuẩn chương trình đào tạo.

Theo dự thảo thông tư nói trên, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ phải tuân thủ quy định về chuẩn chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc theo định hướng ứng dụng do giám đốc, hiệu trưởng các cơ sở đào tạo tổ chức xây dựng, ban hành, thực hiện, tự đánh giá chất lượng đào tạo và thực hiện kiểm định chất lượng chương trình theo quy định pháp luật hiện hành.

Cơ sở đào tạo được phép sử dụng phương thức xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển đối với trình độ thạc sĩ. Các cơ sở đào tạo xây dựng phương án tuyển sinh phải tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu do Nhà nước quy định để thực hiện trách nhiệm giải trình cũng như sự giám sát của các bên liên quan và toàn xã hội.

Dự thảo quy chế cho phép đối tượng đầu vào là người học có bằng đại học ở các ngành khác nhau với khối lượng học tập tích lũy khác nhau. Với lợi thế của hình thức đào tạo tín chỉ, dự thảo thông tư này cho phép các trường có thể mềm dẻo về quy trình đào tạo, nhưng vẫn phải đảm bảo về chất lượng.

Cụ thể mỗi đối tượng đầu vào, cơ sở đào tạo phải căn cứ vào chương trình đào tạo (ở trình độ đại học) của người học để xác định những nội dung/học phần mà người học cần học bổ sung trước khi vào học chương trình thạc sĩ.

Các cơ sở đào tạo không được phép tổ chức đào tạo thạc sĩ ngoài trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo do quy định tại Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 không cho phép liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ ngoài cơ sở. Tuy nhiên dự thảo mới cho phép dạy trực tuyến nhưng không quá 30% khối lượng kiến thức của toàn bộ chương trình đào tạo (trong điều kiện học tập bình thường và trường phải cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến).

Dự thảo cũng tăng cường quản lý chất lượng đầu ra. Cụ thể việc tổ chức thi, kiểm tra đánh giá giữ vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo. Thủ trưởng cơ sở đào tạo giao một đơn vị chuyên trách trong cơ sở đào tạo thực hiện tổ chức thi, chấm thi, quản lý ngân hàng đề thi, quản lý đề thi kết thúc học phần… theo quy định, quy trình do cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành.

Để bảo đảm khách quan, công bằng, đơn vị chuyên trách này độc lập với các đơn vị tổ chức đào tạo. Đề thi phải xây dựng từ ngân hàng đề thi của cơ sở đào tạo, phù hợp với nội dung và bảo đảm mục tiêu học phần, chuẩn đầu ra đã xác định trong đề cương chi tiết.

Chuẩn đầu ra ngoại ngữ của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ tại khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF), dự thảo quy định chuẩn đầu ra phải đạt trình độ bậc 4 theo khung năng lực 6 bậc cho Việt Nam. Chuẩn đầu ra này cũng là điều kiện đầu vào của tuyển sinh trình độ tiến sĩ tại Việt Nam.

NGỌC DIỆP
TTO