10/01/2025

Bệnh viện sợ ‘ôm bệnh’, bội chi

Bệnh viện sợ ‘ôm bệnh’, bội chi

Khi bệnh viện tuyến dưới sử dụng hết dự toán, có hiện tượng “ồ ạt” chuyển bệnh lên các bệnh viện tại TP.HCM; hoặc “chuyển qua, chuyển lại” ở những bệnh viện ở tỉnh. 
Người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các bệnh viện ở TP.HCM /// Ảnh: Duy Tính
Người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các bệnh viện ở TP.HCM ẢNH: DUY TÍNH
Năm 2019, TP.HCM được Chính phủ giao dự toán chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) là 18.190 tỉ đồng, nhưng tổng mức chi năm 2019 là 19.986 tỉ đồng, vượt hơn 1.700 tỉ đồng và chỉ được thanh toán khoảng 1.100 tỉ đồng (số còn lại là do các bệnh viện (BV) không giải trình được, bị xuất toán). Năm 2020, Chính phủ giao dự toán chi BHYT cho TP.HCM là 19.004 tỉ đồng, nhưng dự kiến đến cuối năm sẽ thiếu khoảng 1.300 tỉ đồng.

20 bệnh viện đã vượt dự toán chi

Theo Sở Y tế TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2020 tổng số lượt khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên 8,9 triệu lượt, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng tổng chi đã chiếm 48% trong dự toán chi BHYT năm 2020 (quỹ BHYT giao 2020 cho TP.HCM là 19.004 tỉ đồng). Đã có 20 BV vượt 50% tổng dự toán chi. Theo nhận định của Sở Y tế và BHXH TP, dự kiến cả năm 2020, chi cho KCB BHYT của TP sẽ vượt dự toán là 1.300 tỉ đồng.

Không làm khó người đi khám, chữa bệnh

Liên quan việc tiếp nhận KCB các BN KCB BHYT, một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết nguyên tắc trước hết, BV cần tiếp nhận, điều trị ca bệnh phù hợp với năng lực chuyên môn; không được làm khó người đi KCB. Hiện tại, hệ thống dữ liệu về KCB BHYT đã được kết nối giữa các BV và cơ quan BHXH, là cơ sở để quỹ BHYT thanh toán cho người bệnh theo mức được hưởng. Trong trường hợp BN cho rằng bị chuyển lòng vòng, không được điều trị kịp thời, người bệnh và người nhà người bệnh có thể phản ánh đến đường dây nóng của các sở y tế, và các sở y tế cần làm rõ có hay không BN khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế, để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi của BN KCB BHYT. Các BV, đơn vị y tế, BHXH cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ vướng mắc đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho BN.
Liên Châu

Theo thống kê của Sở Y tế và BHXH TP.HCM, 3 BV có số lượt KCB BHYT cao nhất trong 6 tháng đầu năm, đứng đầu là BV Q.Thủ Đức (891.641 lượt), BV Nhân dân Gia Định (600.750 lượt) và BV Chợ Rẫy (466.791 lượt). 3 BV có tổng chi phí KCB BHYT cao nhất là: BV Chợ Rẫy, BV Ung bướu, BV Thống Nhất, trong đó BV Chợ Rẫy có chi phí KCB BHYT cao nhất là hơn 1.550 tỉ đồng.

Theo phân tích của Sở Y tế TP.HCM, trong các nguyên nhân có thể gây vượt dự toán, như: bệnh nhân (BN) nặng nhiều, tập trung về một số BV, sự phát triển kỹ thuật mới… của một số BV, thì nguyên nhân đáng lưu ý là do số lượt BN ngoại tỉnh KCB BHYT đến TP chiếm 20% tổng lượt KCB, nhưng đã chiếm gần 49% tổng chi phí KCB BHYT.
Lượng BN ngoại tỉnh đến TP không chỉ tập trung ở các BV tuyến cuối trên địa bàn TP (bệnh nặng, được chuyển viện, chủ yếu là điều trị nội trú – PV), mà còn ở các BV đa khoa khu vực và BV quận huyện và BV tư nhân (thường là bệnh không nặng, chủ yếu KCB ngoại trú). Việc BN ngoại tỉnh đến KCB nhiều đã ảnh hưởng đến việc cân đối dự toán chi BHYT của TP (do không còn chuyển quỹ KCB BHYT từ các tỉnh về TP như trước); có khả năng sẽ gây ra tình trạng vượt dự toán chi, ảnh hưởng đến hoạt động KCB nội trú.
Bệnh viện sợ 'ôm bệnh', bội chi - ảnh 1

Bệnh nhân chờ đến giờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM  ẢNH: DUY TÍNH

Bệnh viện tuyến cuối sợ “ôm bệnh”

Nói về việc BV Chợ Rẫy có chi phí KCB BHYT 6 tháng đầu năm 2020 thuộc hàng cao nhất TP.HCM, bác sĩ (BS) Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, cho biết BV Chợ Rẫy là BV T.Ư phía nam. Hiện nay BN KCB BHYT của BV là nhiều nhất nước trong BV T.Ư. Đây là những nguyên nhân khách quan nên mới có con số thanh toán BHYT như trên. BS Việt cho rằng, việc dự toán chi là nguyên nhân quá tải tuyến trên là điều chắc chắn, vì khi các BV tuyến dưới sử dụng hết tiền dự toán, sẽ có hiện tượng chuyển viện; trong khi tuyến cuối thì không chuyển đi đâu được nữa nên phải “ôm bệnh”.

Cần thay đổi cơ chế, chính sách

Theo ông Phan Văn Mến, tới đây cần có thay đổi về cơ chế chính sách – người đóng cao sẽ được hưởng mức cao – mà Bộ Y tế đang nghiên cứu. BHXH VN đang thực hiện thí điểm theo gói dịch vụ ở 5 tỉnh, sau đó sẽ nhân rộng cả nước. Nhưng giải pháp căn cơ nhất vẫn là xem nguồn thu để xây dựng cơ chế cho phù hợp, vì hiện thu chỉ 4,5% trên lương cơ bản nhưng chi thì quá cao.
“Nếu thu BHYT tăng thì tăng chi phí của doanh nghiệp, làm mất tính cạnh tranh của doanh nghiệp cũng không được”, ông Mến phân tích.

Còn TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, năm 2019, BV vượt chi 50 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm 2020 BV chi 50%, 8 tháng chi 70% và dự báo đến cuối năm sẽ vượt chi tiếp. Nguyên nhân được TS-BS Tuấn đưa ra là do bệnh ung thư nặng từ các tuyến chuyển lên rất nhiều mà BV thì không thể từ chối. BV cũng đã báo cáo Sở Y tế để làm cơ sở giải trình khi vượt chi.

“Đa số BN đã điều trị ở các tuyến trước rồi nên khi đến BV Ung bướu đã rất nặng, cần dùng biệt dược, mà biệt dược thì rất mắc tiền. BV đã cố gắng cân nhắc giảm nhiều loại biệt dược từ 50% xuống còn 40%, 35%”, TS-BS Tuấn nói.

Đề nghị không chuyển bệnh nhẹ lên TP.HCM, Hà Nội

Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, trước đây, số tiền thu BHYT ở các tỉnh nào thì được để lại tỉnh đó; BN các tỉnh khi đến TP.HCM khám thì sẽ lấy quỹ BHYT của các tỉnh giao cho TP.HCM theo số tương ứng. Nhưng hiện nay, tiền thu BHYT nộp hết về T.Ư và từ đó giao về lại cho các tỉnh. TP.HCM cũng được giao khoán, kể cả khoán BN từ các tỉnh về KCB… Điều này dẫn đến hiện tượng vào các tháng cuối năm, dự toán chi các tỉnh gần hết thì những BN nặng sẽ được chuyển lên TP.HCM và TP phải gánh. Mặt khác, còn có hiện tượng các BV trong cùng tỉnh sẽ “chuyển qua, chuyển lại”.
Đề cập giải pháp, theo một chuyên gia tài chính ngành y tế, các BV phải cân đối lại vấn đề sử dụng biệt dược và thuốc generic (thuốc hết hạn bảo hộ – PV) để giảm số tiền sử dụng thuốc; giảm BN từ các tỉnh. Giải pháp giảm BN ở các tỉnh được vị này đưa ra với những BN bệnh nhẹ KCB ngoại trú thì không hẹn tái khám; với những BN xuất viện cũng không tái khám. Những BN cần nhập viện nhưng không trong tình huống cấp bách thì đưa về các tỉnh, trừ bệnh nặng.
Theo vị này, trong chi phí KCB BHYT thì tiền thuốc và vật tư chiếm nhiều nhất. Nhưng quan trọng phải cân đối và cân đối từng tháng để vừa có nguồn tài chính để tồn tại, vừa không phải bị lỗ (quỹ BHYT không thanh toán – PV). Tuy nhiên, vị này thừa nhận điều này không dễ… Vị này cũng đề xuất Chính phủ cần có giải pháp phân chia quỹ BHYT. Bởi khi Chính phủ không tăng mức đóng BHYT, nhưng quyền lợi BN được mở rộng, thông tuyến huyện và sắp tới là thông tuyến tỉnh để tạo điều kiện cho BN khi KCB dễ dàng hơn, BN sẽ ồ ạt lên TP.HCM.
Trong khi đó, liên quan các vấn đề trên, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết năm 2020, BHXH VN giao dự toán chi cho TP.HCM “hơi thấp”. Nếu kiểm soát tốt và thực hiện các giải pháp, dự kiến TP.HCM vẫn sẽ bội chi khoảng 500 tỉ đồng. Ông Mến cũng cho biết sẽ đề nghị BHXH VN có văn bản phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương không được “đẩy” BN lên TP.HCM và Hà Nội.
DUY TÍNH
TNO