24/11/2024

‘Râu ông nọ cắm cằm bà kia’ ở triển lãm tư liệu lịch sử

‘Râu ông nọ cắm cằm bà kia’ ở triển lãm tư liệu lịch sử

Gần đây nhiều cuộc triển lãm xảy ra hiện tượng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trên các tác phẩm trưng bày.
Tỉnh Lê Trung Đình (tỉnh Quảng Ngãi) thành tỉnh Tây Ninh
Tỉnh Lê Trung Đình (tỉnh Quảng Ngãi) thành tỉnh Tây Ninh
Tại hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” diễn ra ngày 13.6.2020 ở Hà Nội, các đại biểu đã xem Triển lãm giới thiệu hình ảnh, tư liệu, tài liệu được chọn lựa từ Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), Thông tấn xã Việt Nam và của các cơ quan báo chí, tái hiện chặng đường phát triển của báo chí Cách mạng Việt Nam 95 năm qua. Đáng chú ý là hình ảnh Ngô Gia Tự – một trong những cán bộ tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ (1930) lại không phải là đồng chí Ngô Gia Tự. Ảnh chân dung được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đem trưng bày lại là Dương Hạc Đính, người đã khai báo để mật thám Pháp bắt Ngô Gia Tự tại Sài Gòn cuối năm 1930.
Khi chúng tôi chuyển hình ảnh ghi chú là Ngô Gia Tự được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trưng bày, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (ở P.Đình Bảng, H.Từ Sơn, Bắc Ninh) khẳng định đó là Dương Hạc Đính. Ông Thìn cho biết sự việc nhầm lẫn này đã được nhà cách mạng lão thành Nguyễn Văn Hoan phát hiện và công bố trên báo gần 40 năm nay.
'Râu ông nọ cắm cằm bà kia' ở triển lãm tư liệu lịch sử1

Lính Bảo chính đoàn trao ấn, kiếm (1952)

“Cụ Nguyễn Văn Hoan rất thân quen với đồng chí Ngô Gia Tự”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn kể: “Khi xem ảnh về Ngô Gia Tự trong một cuốn sách (xuất bản năm 1980), cụ Hoan đã gạch chéo và nói: Đây là Dương Hạc Đính, tên phản Đảng. Sau đó, cụ Nguyễn Văn Hoan đã viết bài trên báo để công bố trong toàn quốc được biết sự nhầm lẫn này”.
Trao đổi với PV, ông Ngô Gia Đài (75 tuổi), hậu duệ nhà cách mạng Ngô Gia Tự, cũng khẳng định ảnh chân dung do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trưng bày là Dương Hạc Đính.

Đã xử lý những hạt sạn

Trong triển lãm Cách mạng tháng Tám mốc son lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam khai mạc ngày 18.8.2020 ở Hà Nội có trưng bày một tấm ảnh với chú thích: “Ấn, kiếm của vua Bảo Đại bàn giao lại cho chính quyền Cách mạng trong buổi lễ thoái vị, ngày 30.8.1945”.
Tuy nhiên, đây không phải ảnh năm 1945. Bởi nhìn vào trang phục trên người của các quân nhân bưng ấn, kiếm từ mũ ca lô, dây biểu chương, quân hàm, quân hiệu, súng tiểu liên, thắt lưng da trắng, cho thấy họ là lính Bảo chính đoàn thời Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955). Tìm hiểu thêm các tư liệu lịch sử, chúng tôi được biết đây là bức ảnh lễ trao lại cặp ấn, kiếm cho Quốc trưởng Bảo Đại – người đứng đầu Quốc gia Việt Nam – tại Hà Nội, ngày 8.3.1952. Cặp ấn, kiếm được lính Pháp tìm thấy trong một thùng dầu hỏa bằng sắt tây khi đào đất để xây đồn bốt ở làng Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội. Lễ trao lại ấn, kiếm được tổ chức đúng tròn ba năm sau Hiệp định Élysée tại Paris. Đó là ngày Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại ký Hiệp định thành lập Quốc gia Việt Nam (8.3.1949).
'Râu ông nọ cắm cằm bà kia' ở triển lãm tư liệu lịch sử 2

Ngô Gia Tự thành Dương Hạc Đính  ẢNH: KMS CHỤP LẠI

Phải khẳng định rằng, đến nay, tại các bảo tàng ở Việt Nam, chưa có một tấm ảnh nào về lễ thoái vị ngày 30.8.1945 của vua Bảo Đại ở Huế được trưng bày chính xác. Ngày 30.8.2020, kỷ niệm 75 năm sự kiện này, Báo Thanh Niên mới công bố chính thức bức ảnh vua Bảo Đại trao ấn, kiếm cho Trưởng đoàn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Trần Huy Liệu ở Ngọ Môn (Huế). Bức ảnh này được sưu tầm từ lưu trữ của Cộng hòa Pháp.
Còn một tấm ảnh khác chú thích “Dinh thự của Tỉnh trưởng tỉnh Tây Ninh Lê Văn Thạch, nơi bàn giao chính quyền về tay nhân dân trong Tổng khởi nghĩa, tháng 8.1945”. Tuy nhiên, trên nóc tòa nhà có dòng chữ Lê Trung Đình. Nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) khẳng định tỉnh Lê Trung Đình là tên gọi của tỉnh Quảng Ngãi, dùng từ sau Cách mạng tháng 8.1945 đến trước Tổng tuyển cử bầu Quốc hội 6.1.1946. “Ảnh này được in đi in lại bao nhiêu lần, trưng bày trong biết bao nhiêu cuộc triển lãm”, ông Khánh nói. Để chứng minh, ông Lê Hồng Khánh đã chụp lại hình ảnh này với chú thích “Lễ ra mắt Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lê Trung Đình” trong sách Địa chí Quảng Ngãi (Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, 2008). Phần nội dung này do chính ông viết.
Triển lãm Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam do Trung tâm lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ) thực hiện, khai mạc sáng 1.9.2020. Trong phần trưng bày về tác giả Quốc ca, có bức ảnh chú thích “Nhạc sĩ Văn Cao năm 1944, năm sáng tác Tiến quân ca” (ảnh: Trần Văn Lưu). Đây đúng là ảnh do nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu chụp. Nhưng ảnh được chụp vào năm 1947, dịp Văn Cao sáng tác Trường ca sông Lô. Điều này cũng đã được ông Nguyễn Nghiêm Bằng, con trai nhạc sĩ Văn Cao, xác nhận và cung cấp ảnh cho báo giới dịp kỷ niệm 20 năm ngày Văn Cao qua đời (7.1995 – 7.2015).
Tiếp nhận phản ánh của chúng tôi, Trung tâm lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ) cho biết đã chỉnh sửa thông tin sai sót nêu trên.
KIỀU MAI SƠN
TNO