13/01/2025

Truyền thống bền vững nhưng không biết cách bảo tồn nó sẽ rơi về phía mong manh

Truyền thống bền vững nhưng không biết cách bảo tồn nó sẽ rơi về phía mong manh

Nếu góp được phần bảo tồn chiếc áo dài nam truyền thống mà những công chức ngành văn hoá của Thừa Thiên Huế chịu một chút xíu bất tiện (nếu có) trong một ngày của một tháng thì nó có đáng để đánh đổi không?

 

Truyền thống bền vững nhưng không biết cách bảo tồn nó sẽ rơi về phía mong manh - Ảnh 1.

Tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương

 

 

Xung quanh câu chuyện nam công chức của Sở Văn hóa, thể thao Thừa Thiên Huế mặc áo dài ngũ thân gây nên những ý kiến trái chiều, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Thiết Cương – một họa sĩ đương đại thành danh nhờ đứng trên đôi chân vững chắc của truyền thống – về câu chuyện bảo tồn di sản và phản biện xã hội.

Cái áo không chỉ là cái áo

* Là một người cũng làm nhiều việc để tôn vinh, bảo tồn chiếc áo dài nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung, ông thấy thế nào về thử nghiệm đưa áo dài ngũ thân của nam giới vào công sở của Sở Văn hóa, thể thao Thừa Thiên Huế?

– Có nhiều cách bảo tồn áo dài và thử nghiệm của Sở Văn hóa, thể thao Thừa Thiên Huế là một trong những cách.

Truyền thống có một đặc điểm là nó rất bền vững nhưng cũng rất mong manh. Nếu không có nhiều phương thức bảo tồn truyền thống, di sản, nó sẽ bị rơi về phía mong manh.

* Nhưng nhiều người phản đối sáng kiến bảo tồn áo dài nam truyền thống vì cho rằng chiếc áo dài khăn đóng không còn hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay, bất tiện, vướng víu…

– Nhìn rộng ra khỏi chiếc áo dài nam cụ thể, phục trang không chỉ là quần áo, là khăn đóng. Ở đấy nó là văn hóa, là tập tục, là tính tình, là truyền thống của người Việt, cái áo không chỉ là cái áo.

Đúng là mỗi một thời một khác, nhịp sống bây giờ phải nhanh hơn, công việc nhiều hơn thời ông cha mặc áo dài đội khăn đóng.

Đã mặc áo dài phải đội khăn đóng. Với thử nghiệm của Thừa Thiên Huế, các nam công chức nếu mặc bộ đồ đi ngoài đường bằng xe máy để đến công sở, họ đội mũ bảo hiểm ở ngoài khăn đóng hay sao?

Rồi còn có những bất tiện nào khác cho người mặc ở chốn công sở hay không?… Để trả lời những câu chuyện thực tế đó, phải thử nghiệm, Thừa Thiên Huế vẫn đang thử nghiệm.

Riêng tôi thấy một tháng mặc một đôi lần cũng không phải là vấn đề lớn với công chức văn hóa ở đây. Thêm nữa, họ thử nghiệm với những công chức ngành văn hóa chứ có phải là thử nghiệm với công nhân làm đường đâu.

Nên tôi vẫn ủng hộ sáng kiến bảo tồn áo dài nam truyền thống bằng cách đưa nó vào đời sống. Không có bảo tồn bền vững nếu không đưa được nét truyền thống cần bảo tồn ấy vào đời sống hôm nay.

Còn chuyện giữ áo dài truyền thống trong các nghi lễ ngoại giao, các lễ hội truyền thống, các cuộc trình diễn thời trang, các cuộc thi thiết kế… cũng là một cách làm.

Cách của Sở Văn hóa, thể thao Thừa Thiên Huế thậm chí có thể là một cách làm hay, đáng khuyến khích, bởi nó đưa chiếc áo dài sống được trong đời sống thực chứ không phải là cho nó vào tủ kính, rọi đèn vào để chiêm ngắm như trong bảo tàng.

Truyền thống bền vững nhưng không biết cách bảo tồn nó sẽ rơi về phía mong manh - Ảnh 2.

Nếu góp được phần bảo tồn chiếc áo dài nam truyền thống mà những công chức ngành văn hóa của Thừa Thiên Huế chịu một chút xíu bất tiện (nếu có) trong một ngày của một tháng thì nó có đáng để đánh đổi không?

Họa sĩ LÊ THIẾT CƯƠNG

Tôn vinh truyền thống tốt nhất là đưa vào đời sống hiện đại

* Nhiều người thường hô hào bảo tồn văn hóa, di sản, nhưng khi có một sáng kiến bảo tồn di sản nào đó thì lập tức “phản biện” quá mức, ông nghĩ sao về chuyện này?

– Tôi chỉ muốn nói rằng làm bao giờ cũng khó hơn là nói. Không có phản biện không phát triển, nhưng xã hội mà chỉ có những người ít làm, hăng… nói đương nhiên xã hội ấy chỉ có đường đi xuống.

Sự phản biện là rất tốt, cần thiết cho sự phát triển. Chỉ có điều hiện nay sự phản biện phù hợp, xây dựng rất ít, phần nhiều là “phản biện” quá tay, không nhiều chiều, chưa lật qua lật lại vấn đề.

Là bởi khi Facebook xuất hiện, nó mang đến một phương tiện cho phép người ta nói bất cứ điều gì về bất cứ vấn đề gì, từ văn hóa đến chính trị, từ trong làng, ngoài nước đến thế giới, mà không hề mất tiền, cũng hầu như không phải chịu trách nhiệm gì với những “phản biện” ấy, nên người ta chẳng cần mất thì giờ để nghĩ. Ai cũng có quyền nói mà không biết rằng để phản biện thì không hề dễ.

Họ nói áo dài nam rất bất tiện trong đời sống hiện đại hôm nay. Vậy áo dài nữ có bất tiện cho các cô gái hôm nay không? Tôi thấy áo dài nữ còn bất tiện hơn vì đường may bó sát cơ thể phía trên và chiều dài tha thướt phía dưới, nhưng ai cũng thích và ủng hộ áo dài nữ.

Còn nói về bất tiện, trên đời này cái gì cũng có hai mặt. Bạn muốn có được giá trị này cần phải chấp nhận hi sinh một chút những giá trị khác.

Nếu góp được phần bảo tồn chiếc áo dài nam truyền thống mà những công chức ngành văn hóa của Thừa Thiên Huế chịu một chút xíu bất tiện (nếu có) trong một ngày của một tháng thì nó có đáng để đánh đổi không?

* Ông có thể chia sẻ thêm vài ví dụ về những “đánh đổi” đã có để bảo tồn di sản văn hóa bền vững?

– Để có Hội An được du khách trong nước và quốc tế yêu thích, mang lại giá trị kinh tế to lớn như ngày nay, nhiều gia đình ở Hội An phải chịu hi sinh cuộc sống tiện nghi và hiện đại mà lẽ ra họ có thể trang bị trong ngôi nhà của mình.

Dân Hội An giữ được phố cổ cho mình, cho cả nước, để giờ đây trở thành nguồn tài nguyên du lịch lớn là vì bao năm qua họ chấp nhận đánh đổi nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Hàng loạt các làng cổ khác ở miền Bắc không làm được điều đó nên Mông Phụ, Cự Đà… đã mất sạch dấu vết của những làng cổ từng rất đẹp. Đó là một sự mất mát lớn của văn hóa.

Còn với tôi, công thức thành công trong nghệ thuật là đứng trên mảnh đất truyền thống để làm cái hiện đại, làm nghệ thuật hiện đại trên đôi chân của truyền thống. Đó cũng là công thức thành công của những danh họa như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái…

Tôi dẫn điều này để nói rằng cách tôn vinh truyền thống tốt nhất chính là đưa nó vào đời sống hiện đại. Và khi làm được điều đó rồi thì truyền thống ấy sẽ mang lại giá trị to lớn cho hiện tại.

Làm cho bạn trẻ yêu áo dài

Họa sĩ Lê Thiết Cương từng lên kế hoạch cho sự kiện ra mắt một trường đại học bằng một sự kiện văn hóa tôn vinh áo dài.

Trong đó, toàn bộ nam, nữ sinh viên của trường sẽ mặc áo dài truyền thống bên cạnh triển lãm hội họa, nhiếp ảnh về chủ đề áo dài và trưng bày những bộ áo dài truyền thống. Nhưng vì dịch COVID-19 nên kế hoạch chưa thực hiện được.

“Tôi không biết có nam sinh nào sẽ không thích kế hoạch này của tôi, nhưng đối với tôi, bản chất của đại học là nơi khai sáng, là không gian của thế hệ trẻ, nên tôi chọn cách “khai sáng” cho các bạn trẻ về di sản áo dài.

Tôi không thể làm điều đó cho 100 triệu dân, nhưng tôi có thể làm với các bạn trẻ. Thử nghiệm của Sở Văn hóa, thể thao Thừa Thiên Huế cũng vậy, có thể không áp dụng được điều này cho cả nước, nhưng với Huế thì họ có thể làm được” – họa sĩ chia sẻ.

THIÊN ĐIỂU thực hiện
TTO