04/01/2025

Dạy con sinh tồn dưới nước trước khi dạy bơi

Dạy con sinh tồn dưới nước trước khi dạy bơi

 “Phần lớn cha mẹ cho con đi học bơi đều hỏi thầy cô bao giờ con tôi biết bơi. Thực ra trẻ biết bơi vẫn có thể chết đuối, do đó cần dạy cho con sinh tồn dưới nước trước khi dạy bơi” – chuyên gia giáo dục Hoàng Thuý Hằng chia sẻ.

 

Dạy con sinh tồn dưới nước trước khi dạy bơi - Ảnh 1.

Dạy trẻ sinh tồn dưới nước tại trường mầm non – Ảnh: HAPPY TIME

Mới đây, Trường mầm non Happy Time (Hà Nội) đi nghỉ mát tại biển Hải Tiến (Thanh Hóa). 7h sáng, thầy cô của trường đã thấy mọi người trong khu nghỉ dưỡng bu quanh hồ bơi.

Có một cháu bé 5 tuổi bị rơi xuống hồ bơi khi cha mẹ đang làm thủ tục nhập phòng khách sạn. Các thầy cô lao vào giúp đỡ…

Tôi hi vọng dần dần sẽ có quy định về bể bơi cho trẻ con. Làm bể cho trẻ con không đơn giản chỉ là độ nông sâu, mà còn cần phải đảm bảo chặt chẽ về chất lượng nước, các quy định về an toàn, cứu hộ đi kèm.

Cô Hoàng Thúy Hằng

Thời gian vàng chỉ khoảng 4 phút

Thấy bảo vệ bế vác đứa trẻ chạy quanh, cô Hà (giáo viên bơi của trường mầm non) vội yêu cầu người đó đặt cháu nằm xuống đất, hút hết đờm dãi, thức ăn để giải phóng đường thở cho cháu. Thầy Cường – cũng là giáo viên bơi – xuống sau, vội lao vào tiếp sức cho đồng nghiệp.

Các thầy cô liên tục thay nhau hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực. Sau 20 phút họ mới thấy mí mắt cháu bé động đậy. Sống rồi! Khi xe cấp cứu đến thì mạch của cháu bé hồi lại.

Tất cả đều căng thẳng tột độ vì sinh tử dưới nước chỉ tính bằng khoảnh khắc. Khi cháu bé được đưa vào bệnh viện, tất cả các thầy cô đều cùng cầu nguyện, hi vọng một phép lạ xảy ra cho cháu bé. Nhưng đáng tiếc hai ngày sau cháu qua đời.

“Chứng kiến vụ đuối nước chúng tôi đều bị ám ảnh và rất đau lòng. Thời gian vàng để cứu một đứa trẻ đuối nước chỉ tầm 4 phút, qua thời gian đó cơ hội sống càng ít hơn”, cô Hằng chia sẻ.

Chứng kiến quá nhiều vụ đuối nước thương tâm của trẻ em Việt Nam, khi xây dựng hệ thống trường Happy Time, cô Hoàng Thúy Hằng (giám đốc trường) đã quyết tâm đầu tư hồ bơi cho trẻ em theo tiêu chuẩn quốc tế và mời thầy nước ngoài về đào tạo cho giáo viên bơi trong trường.

Hồ bơi của trường là hồ nước ấm, không dùng hóa chất xử lý nước để an toàn cho trẻ nhỏ. Các bé 3 tuổi ở trường đã bắt đầu được dạy cách xuống nước an toàn, kỹ năng tự vệ trong môi trường nước, sau đó mới học kỹ năng bơi. Lớn hơn, các con được học kỹ năng cứu đuối.

Theo cô Hằng, điều quan trọng là trẻ nhỏ phải được dạy để hiểu môi trường nước tuy hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Khi các con học được cách kiểm soát hoảng loạn dưới nước, cơ hội sống càng cao.

“Chúng tôi yêu cầu cả phụ huynh tham gia học. Kỹ năng không có gì phức tạp, với một bể bơi nhỏ, cha mẹ có thể dạy con học sinh tồn dưới nước tại nhà”, cô Hằng nói thêm.

Dạy con sinh tồn dưới nước

Phúc Lai – tác giả những đầu sách Chuyện con chuyện cha, Dạy con dạy cha, Chuyện cha con chúng ta là đồng bọn – là người đủ kiên nhẫn gội đầu cho con gái suốt ba tháng, cho con đeo kính bơi, tập thở trong chậu nước ở nhà rồi mới dẫn con ra bể bơi.

Anh đã tự mày mò học hỏi kiến thức trên mạng, dạy con trai và con gái cách sinh tồn dưới nước, sau đó thành lập CLB bơi Nemo cho học sinh. Giờ thì bọn trẻ trong CLB của anh bơi như rái cá, từng đạt thành tích bơi cấp quận, thành phố.

Anh Phúc Lai nhận thấy ở nước ngoài họ cho trẻ tập làm quen với nước từ sớm và học kỹ năng sinh tồn dưới nước trước khi học bơi. Còn ở Việt Nam các thầy thường bỏ qua dạy kỹ năng sinh tồn, chỉ tập trung dạy bơi trong các khóa học ngắn hạn. Cha mẹ phần lớn chỉ hỏi “con tôi biết bơi chưa?”, ít người biết kỹ năng sinh tồn dưới nước mới là quan trọng.

“Ở Việt Nam, nông thôn có hệ thống sông ngòi, ao hồ chằng chịt. Ở thành phố ngày càng nhiều chung cư có bể bơi, mà cha mẹ chỉ sểnh ra là con rơi xuống nước.

Ngoài kỹ năng bơi, trẻ em nhất thiết phải được học kỹ năng sinh tồn dưới nước. Cha mẹ cần biết bơi để chơi dưới nước với con. Họ không cần bơi giỏi nhưng cần học kỹ năng cứu đuối” – anh Phúc Lai nói.

“Trẻ bơi giỏi vẫn có thể đuối nước. Dạy trẻ sinh tồn dưới nước là dạy trẻ vượt qua nỗi sợ nước, ở bất cứ mực nước nào cũng biết cách thở, biết cách dựa vào nước để nổi lên.

Khi bơi trong bể tốt rồi thì phát triển kỹ năng bơi ao, hồ, biển, học kỹ năng bơi tập thể, hỗ trợ nhau dưới nước, cứu đuối. Có rất nhiều thứ trẻ cần phải học trong một thời gian dài, chứ không phải cứ tham gia một khóa ngắn hạn biết bơi là xong” – anh Phúc Lai chia sẻ.

“Bạn tôi là bác sĩ cho biết ở Việt Nam cha mẹ thiếu kinh nghiệm để xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc cho con. Đáng tiếc hơn nữa là có quá ít người có kỹ năng cấp cứu, làm giảm cơ hội sống sót của trẻ.

Cha mẹ Việt hiểu về học bơi chưa đúng. Biết bơi vẫn có thể chết đuối. Ở tư thế ngã đập mặt xuống đất thì một chậu nước trong nhà cũng có thể giết đứa trẻ”, cô Thúy Hằng cho biết.

NGỌC DIỆP
TTO