19/11/2024

Sách vở, balô chỉ là cái vỏ

Sách vở, balô chỉ là cái vỏ

Học sinh cả nước bước vào ngày khai giảng năm học mới với nhiều háo hức, đặc biệt sau những tháng dịch bệnh khiến việc đến trường của học sinh trở nên “bấp bênh”.

 

Sách vở, balô chỉ là cái vỏ - Ảnh 1.

Balô, sách vở đầu năm học cho con là gánh nặng của nhiều gia đình, đặc biệt sau dịch COVID-19 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Suy cho cùng, balô hay cặp sách cũng chỉ là cái vỏ mà thôi; cốt lõi của giáo dục là sự nhân văn, sự trau dồi hiểu biết và cơ hội trở thành hữu ích dành cho mỗi người.

Nguyễn Bích Lan

Nhiều phụ huynh phấn khởi vì con mình không phải học online, được đến lớp gặp thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, trong niềm vui cũng có những nỗi lo lắng và bức xúc cần được giải tỏa.

Có cần nhiều sách đến thế?

Mấy ngày nay mạng xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt danh sách SGK lớp 1 của Trường tiểu học An Phong, Q.8, TP.HCM với tổng chi phí cho một bộ sách lên tới hơn 800.000 đồng. Sự việc này chẳng khác nào giọt nước tràn ly, sự tháo van xả cho bao tâm sự bức xúc của các phụ huynh đang chuẩn bị “sát nút” cho con tựu trường trong một năm dịch giã đầy khó khăn.

Dịch giả Nguyễn Văn Dân thốt lên: “Sao bây giờ các cháu đi học khổ thế! Đúng là muốn con hay chữ phải hao túi tiền!”. Một phụ huynh ở nông thôn than thở: “Nhà tôi có hai cháu học tiểu học. Riêng tiền sắm sách vở, bút mực, quần áo đầu năm cũng hết vài triệu rồi. Năm nay dịch bệnh, tôi không đi làm thuê được, chắt ra được khoản này cũng toát mồ hôi!”.

Không đề cập đến chuyện kinh tế, chị Nguyễn Hà, mẹ của hai con nhỏ ở Hà Nội, băn khoăn về một khía cạnh khác xung quanh danh sách SGK cần mua cho học sinh lớp 1 dài dằng dặc này: “Giờ các cháu bị nhồi kinh quá! Ngày xưa tụi mình vào lớp 1 đi học cặp nhẹ tênh”.

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, trẻ vào lớp 1 có thực sự cần dùng nhiều sách đến thế hay không? Các phụ huynh đã kinh qua việc sắm sửa này khẳng định nhà trường đưa danh sách về bảo mua thì mua vậy thôi chứ trẻ có dùng hết đâu, có cuốn hết năm còn chẳng được sờ đến. Trước bức xúc của người dân, Bộ

GD-ĐT khẳng định: “Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc”. Tuy nhiên, ý kiến phản biện của phụ huynh đối với Bộ GD-ĐT là: “Nếu không ép thì Bộ GD-ĐT cho in các sách và tài liệu đó ra để làm gì?”. Không ít phụ huynh ngại gặp phiền phức với nhà trường, nên trường bảo sao thì nghe vậy cho lành!

Balô theo quy định

Không chỉ riêng chuyện mua sách vở, một số quy định cứng nhắc khác cũng khiến phụ huynh cảm thấy mình và các con đang bị làm khó. Một số phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội danh mục các thứ phải chuẩn bị “đúng quy định”. Nào là tập vở phải đúng loại giấy này, giấy kia, bút dạ quang bắt buộc phải màu vàng…

Ngay sáng 5-9, thay vì đến trường dự lễ khai giảng cùng con, chị Kim Thúy ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) lại đến trường với mục đích gặp thầy hiệu trưởng vì… chiếc balô. Chị cho biết bé nhà chị năm nay lên lớp 6, đã có chiếc balô chống gù để đựng sách vở. Nhưng đùng một cái chị phát hiện nhà trường ra quy định: “Không mang balô du lịch, balô cóc, túi đựng sách, dùng cặp học sinh để đựng tất cả dụng cụ học tập”.

Vừa tiếc con không được mang chiếc balô mà con thích, vừa thấy quy định trên sẽ gây ra sự lãng phí không cần thiết, chị đến gặp thầy hiệu trưởng của trường con mình. Nhã nhặn hỏi lý do tại sao không được mang balô đi học, chị nhận được câu trả lời của hiệu trưởng như sau: “Đây là truyền thống của trường nhiều năm nay rồi. Cái gì truyền thống thì mình phải giữ. Hơn nữa ông bà mình nói ở bầu thì tròn ở ống thì dài nên học sinh phải tuân thủ quy định của trường”.

Chưa biết chị Thúy có “xoay chuyển” được thầy hiệu trưởng hay không, chỉ biết rằng chị nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh khác. Những người đã có sẵn đồ dùng học tập cho con, bây giờ lại phải sắm sửa cho con lần nữa theo các quy định của trường.

Người viết bài phản ánh này không có ý coi thường các quy định được đặt ra. Nhưng dường như ở nước ta nhiều quy định được tạo ra dựa trên quan điểm của một vài cá nhân có quyền đưa ra các quy định, chứ không dựa trên điều kiện thực tế và tâm tư nguyện vọng của số đông người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các quy định đó.

Nỗi bất an của cha mẹ

Trong một năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành như năm nay, nhiều phụ huynh bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm, trẻ em đến trường trong nỗi phấp phỏng và bất an của cha mẹ. Thiết nghĩ các trường không nên chất thêm những gánh nặng từ các quy định cứng nhắc ảnh hưởng đến niềm vui tới trường của trẻ nhỏ.

Phải đặt mình vào hoàn cảnh của một người cha, người mẹ mất việc căng mình lo đủ thứ cho con đến trường mới thấu cái sự bỏ đi sắm lại một chiếc balô hay cặp học sinh cho một đứa trẻ mới phiền phức làm sao. Có khi đó lại là giọt nước tràn ly đáng tiếc…

Nhận sách miễn phí, phụ huynh “mừng quá trời quá đất”

 

sach 3tang 1(read-only)

Chị Thủy và Ngọc Hân vui tươi khi nhận bộ sách lớp 1 – Ảnh: CHÍ CÔNG

Trường tiểu học Trường Long A3 (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) vừa phối hợp với Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tặng 200 bộ sách cho học sinh lớp 1 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường.

Đây là chương trình “Cùng đón em vào lớp 1” của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, triển khai tặng 20.000 cuốn sách và đồ dùng học tập cho các em học sinh nghèo hiếu học cả nước, với trị giá gần 500 triệu đồng.

Chị Trần Hồng Thủy (ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A) cho biết nhà chị thuộc diện nghèo nhất xã, chồng chị bị khuyết tật nên kinh tế gia đình một tay chị lo lấy. Ai thuê gì chị Thủy làm nấy, cật lực làm lắm chị cũng kiếm chừng 100.000-150.000 đồng/ngày. Vì vậy, để lo cho con là Trần Thị Ngọc Hân đến trường là điều không dễ.

“Thầy cô ở trường có gọi điện thoại hôm qua cho hay con Hân được nhận bộ sách giáo khoa lớp 1 mà tôi mừng quá trời quá đất” – chị Thủy hồ hởi nói. Còn em Ngọc Hân nói: “Sáng nay mẹ đạp xe chở con ra trường để nhận sách về học. Sách mới tinh luôn, con vui lắm”.

Thầy Dương Hoàng Vũ – hiệu trưởng Trường tiểu học Trường Long A3 (huyện Châu Thành A) – cho hay: “Qua những bộ sách, chúng tôi nghĩ rằng đó không chỉ là sự quan tâm, chia sẻ mà còn là sự kỳ vọng của xã hội mong muốn các em học sinh nghèo chăm ngoan, vượt khó học giỏi. Hơn cả, các em sẽ không bỏ học vì chữ nghèo”.

CHÍ CÔNG

NGUYỄN BÍCH LAN
TTO