19/11/2024

Loạn làm giả, cho thuê chứng chỉ hành nghề y, dược

Loạn làm giả, cho thuê chứng chỉ hành nghề y, dược

Đã có nhiều vụ việc bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt, thậm chí chuyển cơ quan điều tra bởi gây hậu quả chết người… nhưng thực tế nạn làm giả, thuê mướn chứng chỉ hành nghề liên quan lĩnh vực sức khoẻ vẫn nhức nhối.
 /// MINH HỌA: DAD
MINH HỌA: DAD
Không khó để nhận diện sự nhức nhối này, nhưng điều lạ là nó vẫn tồn tại nhiều năm nay trong sự “kêu khó” của cơ quan chức năng.

Rao “mua, bán” công khai trên mạng

Chỉ cần lên mạng gõ dòng chữ “thuê chứng chỉ hành nghề (CCHN) y, dược” là lập tức có hàng chục triệu kết quả liên quan. Trong đó, nổi bật là trang muabanyduocsg.com với những lời rao công khai của cả người cần thuê và cho thuê, như “Có CCHN do Sở Y tế TP.HCM cấp, muốn được hợp tác kinh doanh với người có nhu cầu, liên hệ Tr. qua số 09381595x”, “Mình tốt nghiệp ĐH Dược Hà Nội, kinh nghiệm nghề 15 năm. CCHN Dược do Sở Y tế TP.HCM cấp, mình cần hợp tác với chủ đầu tư mở công ty, nhà thuốc khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…”.
Công khai rao cho thuê bằng cấp, chứng chỉ hành nghề trên trang muabanyduocsg.com Ảnh: Trác Rin

Công khai rao cho thuê bằng cấp, chứng chỉ hành nghề trên trang muabanyduocsg.com  ẢNH: TRÁC RIN

Trong vai người đang cần cho thuê CCHN y học cổ truyền, PV gọi vào số 098233451x, thì một phụ nữ xưng tên Đỗ Thủy, dò hỏi: “Anh ở tỉnh nào? CCHN được cấp bao lâu rồi? Hiện anh đang công tác ở đâu…”. Nghe PV trả lời đang công tác tại một bệnh viện công ở TP.HCM, CCHN trên 5 năm, bà Thủy yêu cầu kết bạn trên Zalo, chụp CCHN gửi cho bà xem nhằm kiểm chứng.
“Bà thuê giá bao nhiêu?”, PV đặt vấn đề. “Thường thường nếu bác sĩ có CCHN giá 5 triệu đồng/tháng. Nếu “ok”, sẽ có hợp đồng ràng buộc giữa hai bên. Trong hợp đồng, anh yêu cầu nội dung gì thì hai bên sẽ thỏa thuận, rồi đi đến thống nhất. Ví dụ, hiện “nóng” chuyện phòng khám (PK) Trung Quốc thì anh yêu cầu không được cho bác sĩ Trung Quốc vào làm, hay là không được làm quá danh mục, kỹ thuật cho phép…”, bà Thủy nói rồi khẳng định hợp đồng sẽ được tính toán kỹ để “không bên nào thiệt thòi”.
“Nếu quá trình PK hoạt động, Thanh tra Sở Y tế vào kiểm tra thì tôi có phải tới PK không?”, PV hỏi. “Khi nào họ kiểm tra thì anh phải qua PK chứ. Còn trong quá trình làm các thủ tục giấy tờ, chỉ có khâu đăng ký kinh doanh phải chính chủ, tức có mặt anh mới đăng ký được. Tôi mở PK ngoài Nam Định, Hà Nội và đang mở rộng vào thị trường TP.HCM, nên mọi thứ thuận lợi, tôi thuê CCHN luôn nhé”, bà Thủy sốt sắng.
Ngược lại ở vai người cần thuê CCHN y học cổ truyền để mở PK, PV Thanh Niên liên hệ số 091480831x thì đầu bên kia người đàn ông xưng tên Nguyễn Long (quê Bến Tre) bộc bạch: “Tôi mới cho người khác thuê bằng bác sĩ, CCHN y học cổ truyền hơn 1 tháng nay. Tôi cho người ta thuê 4 triệu đồng/tháng. Do tôi không làm gì nên người ta nói giá đó tôi cho thuê luôn, với lại PK mở ở tỉnh Bến Tre nên giá cũng không cao như ở TP.HCM”.
PV gọi tiếp số 091936226x để thuê CCHN nhằm mở PK chuyên về thẩm mỹ, thì được người phụ nữ tên Thanh Thủy (quê Hà Nội) cho hay: “Hiện đã có người đặt cọc CCHN của tôi rồi. Giá người ta thuê 50 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu họ không dứt khoát, tôi sẽ liên lạc lại với anh nhé”. Lý giải giá cho thuê cao chót vót, bà Thủy cho rằng “cao vì đây là lĩnh vực đang hot mà”.
“Tôi có bằng ĐH dược, tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Tôi cho thuê với giá 4,5 triệu đồng/tháng và phải ký hợp đồng lâu dài. Tôi ở tận H.Đức Trọng (Lâm Đồng), nên phải tính đến việc bị cơ quan chức năng kiểm tra mà tôi không thể có mặt nha”, N. (27 tuổi, quê Lâm Đồng) thỏa thuận với khách thuê bằng dược sĩ để mở nhà thuốc ở Q.8 (TP.HCM).

Đủ chiêu đối phó

Quá trình tìm hiểu thị trường cho thuê CCHN y, dược, chúng tôi tiếp cận bà N.H, hiện đang làm việc cho một công ty dược ở TP.HCM. Bà H. cho biết có bằng dược sĩ cũng như CCHN dược nhưng đi làm công ty, không có nhu cầu sử dụng nên cho thuê, đứng tên mở nhà thuốc kiếm thêm thu nhập. “Hiện tôi cho thuê với giá hơn 4 triệu đồng/tháng. Cứ vài ba tháng tôi ghé nhà thuốc lấy tiền một lần”, bà H. nói.
Về những rủi ro có thể gặp khi cho thuê chứng chỉ, bằng cấp, bà H. cho rằng “muốn cho thuê an toàn thì phải có những kinh nghiệm để biết nhà thuốc hoạt động đàng hoàng hay không”. “Tôi làm nhiều năm trong ngành dược nên chỉ cần quan sát cách làm việc của nhân viên là biết được họ có làm ăn đàng hoàng hay không. Người tôi cho thuê là chỗ quen biết, chứ không phải cho thuê trôi nổi thông qua dịch vụ. Vì thế nên hơn 10 năm qua, tôi chưa vướng vào rắc rối nào liên quan đến sức khỏe của khách mua thuốc”, bà H. tự tin nói.
Cũng theo bà H., người thuê CCHN dược để mở nhà thuốc phải quen biết với cơ quan chức năng, để khi có lịch kiểm tra sẽ được thông báo trước. Trong thời gian đó, bà sẽ án binh bất động ở TP.HCM. “Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, chủ nhà thuốc gọi điện và tôi sẽ chạy qua nhà thuốc làm việc với họ. Vì vậy, trước giờ tôi chẳng bị “chỉ mặt, điểm tên” liên quan đến lỗi người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện ủy quyền hoặc cử người thay thế”, bà H. khoe.
Một cán bộ chuyên làm công tác thanh tra y tế ở TP.HCM nhìn nhận số ít nhà thuốc trên địa bàn thuộc về chuỗi hệ thống làm tốt hoặc các dược sĩ già ở nhà bán thuốc, còn lại phần lớn nhà thuốc hiện nay là thuê CCHN dược. Tương tự, hầu hết PK đa khoa cũng đi thuê CCHN. Tuy nhiên, việc phát hiện vi phạm rất ít do các cơ sở thuê chứng chỉ có đủ kịch bản để đối phó với thanh tra khi bị kiểm tra.
Chẳng hạn, đối với nhà thuốc, khi đoàn kiểm tra đến, nếu không có dược sĩ đứng tên nhà thuốc thì thanh tra y tế sẽ cho thời gian từ 30 phút đến 1 giờ để dược sĩ có mặt. Nhưng các nhà thuốc thường chẳng cần thời gian này, họ yêu cầu dược sĩ cho thuê bằng cấp làm sẵn một mẫu giấy ủy quyền cho một dược sĩ trẻ ở nhà thuốc, khi đoàn kiểm tra đến thì lấy tờ giấy ủy quyền ra điền ngày, tháng, năm và trình cho đoàn.
“Có những dược sĩ mới ra trường hoạt động ở trung tâm nhận ủy quyền cả chục nhà thuốc”, cán bộ thanh tra y tế tiết lộ. Tương tự, với PK đa khoa, bác sĩ cho thuê CCHN đứng tên phụ trách chuyên môn hay đứng tên các chuyên khoa lẻ cũng chuẩn bị sẵn mẫu giấy… nghỉ phép không ghi ngày tháng. Khi đoàn kiểm tra đến thì chủ PK điền ngày tháng vào và trình ra khiến các thanh tra… cười trừ! (còn tiếp)

Công an mời làm việc mới biết mình đứng tên mở phòng khám!

Đó là trường hợp bác sĩ A.T (42 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM). Mới đây, bà T. nhận được giấy mời làm việc của Cơ quan điều tra Công an Q.6 (TP.HCM), do liên quan đến một vụ án mà đơn vị đang thụ lý điều tra.
Bà A.T đến Công an Q.6 làm việc mới biết bằng cấp của mình bị đưa vào hồ sơ giả để mở phòng khám

Bà A.T đến Công an Q.6 làm việc mới biết bằng cấp của mình bị đưa vào hồ sơ giả để mở phòng khám

Làm việc với công an, bà A.T được biết bà N.T.M.Tr (29 tuổi) mở PK nha khoa trên đường Bình Phú (Q.6) nhưng không có bằng cấp, CCHN y nên tìm “bác sĩ hợp tác”. Bà Tr. nhờ ông N.N.Đ (hiện đã bỏ trốn) làm dịch vụ để mở PK nha khoa. Khi bàn bạc việc mở PK, ông Đ. có dẫn theo một người đàn ông tự xưng là bác sĩ nên bà Tr. tin tưởng. Thế nhưng, đến khi lập hợp đồng hợp tác thì thông tin bác sĩ lại là của bà A.T. Bà Tr. thắc mắc thì ông Đ. nói vì hồ sơ của nam bác sĩ kia gặp trục trặc nên mới chuyển qua hợp tác với bác sĩ A.T. Sau đó, dù chưa được cấp phép nhưng PK nha khoa của bà Tr. vẫn đi vào hoạt động. Khi Sở Y tế TP.HCM tới kiểm tra, làm việc, bà Tr. đưa ra giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả của Sở Y tế TP. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện đây là giấy giả. Bị phát giác, ông N.N.Đ bỏ trốn “ôm theo” gần 50 triệu đồng tiền dịch vụ mở PK của bà Tr.
Làm việc với Công an Q.6, bà A.T liên tục thắc mắc và đặt câu hỏi tại sao thông tin của bà bị “lọt” ra ngoài, trong khi bà không hề quen biết bà Tr. cũng như ông N.N.Đ. Thắc mắc này vẫn chưa thể có câu trả lời, vì ông Đ. đã bỏ trốn và công an vẫn đang truy tìm.
TRÁC RIN – DUY TÍNH
TNO