12/01/2025

Học kinh nghiệm gì qua việc giữ tro cốt của chùa Vĩnh Nghiêm?

Học kinh nghiệm gì qua việc giữ tro cốt của chùa Vĩnh Nghiêm?

Ngày càng nhiều người chọn đưa tro cốt người thân gửi vào chùa, nhà thờ. Việc lưu giữ hiện được thực hiện như thế nào? Rồi sẽ đến lúc các nơi này quá tải, hết chỗ, phải làm sao?

 

 

 

Học kinh nghiệm gì qua việc giữ tro cốt của chùa Vĩnh Nghiêm? - Ảnh 1.

Mộc góc bảo tháp xá lợi ở chùa Vĩnh Nghiêm, Q.3, TP.HCM – Ảnh: H.PHƯƠNG

Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến nhà chùa, nơi đang giữ tro cốt, và ý kiến người dân về việc này.

* Thượng tọa Thích Thanh Lực (trưởng ban điều hành tháp cốt, chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, TP.HCM):

Quản lý chặt chẽ

Chùa Vĩnh Nghiêm đã xây dựng bảo tháp xá lợi cộng đồng vào năm 1982 và bắt đầu nhận tro cốt người dân gửi vào từ năm 1983. Bảo tháp này có 4 tầng, là nơi an nghỉ của hơn 20.000 người đã khuất.

Bảo tháp xá lợi cộng đồng được ví như một thành phố thu nhỏ có 4 quận A, B, C, D tương ứng với 4 tầng của bảo tháp. Mỗi hũ tro cốt được gửi vào đều có một mã số giống như số nhà để thuận tiện cho việc quản lý. Khi người thân đến thăm viếng chỉ cần nói tên, ban điều hành sẽ hỗ trợ tìm vị trí đặt tro cốt người thân của họ.

Công tác quản lý “nhân khẩu” người đã mất khi đưa vào bảo tháp, cũng như đưa tro cốt ra ngoài, được ban điều hành tháp cốt chùa Vĩnh Nghiêm thực hiện rất chặt thông qua biên lai đóng phí gửi tro cốt vào.

Trong trường hợp muốn đưa tro cốt ra ngoài thủy táng nhưng mất biên lai đóng phí, ban điều hành tháp cốt sẽ tra sổ gốc xem ai đứng tên và có sự xác nhận của tất cả thành viên trong gia đình đó.

Đã từng có trường hợp người nhà muốn mang tro cốt của ba mẹ đi thủy táng nhưng mất biên lai. Gia đình này có 6 người con, 3 người ở Việt Nam và 3 người ở nước ngoài. Những người ở nước ngoài, chúng tôi phải gọi điện xác nhận từng người. Còn những người trong nước thì mang sổ hộ khẩu đến để chứng minh.

Tro cốt gửi vào chùa Vĩnh Nghiêm được thực hiện nghi lễ nhập tháp trang nghiêm. Còn trường hợp mang đi sẽ được làm lễ xuất ngoại giới. Thời gian gửi tro cốt vào đây được để vĩnh viễn.

Chi phí gửi tro cốt vào chùa tăng theo thời gian, cách đây 5-6 năm là 10 triệu đồng và hiện là 15 triệu đồng. Khi đưa tro cốt người thân vào đây đều phải đóng phí, có biên lai, ai cũng vậy, áp dụng như nhau, cùng một giá. Những trường hợp người khó khăn, có thể làm thủ tục giảm phí 50% hoặc miễn phí.

Trước số lượng người dân tin tưởng gửi tro cốt vào chùa Vĩnh Nghiêm ngày một nhiều, nhà chùa đã cho xây dựng thêm nhà an lạc để đáp ứng tín ngưỡng đưa tro cốt người thân gửi vào chùa.

Học kinh nghiệm gì qua việc giữ tro cốt của chùa Vĩnh Nghiêm? - Ảnh 2.

Rất đông người dân đến chùa ngày 5-9 nghe đại diện nhà chùa nói về cách khắc phục sự cố – Ảnh: ANH KỲ

* Ni trưởng Thích Nữ Từ Nhẫn (trụ trì chùa Phước Viên):

Nhà chùa đã quá tải

Chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không nhận giữ hũ tro cốt, chỉ nhận người thân gửi tro cốt được chuyển hóa thành thạch cốt ép pha lê và ảnh thờ pha lê.

Nhà chùa nhận gửi thạch cốt và ảnh thờ pha lê được khoảng 10 năm nay. Đến thời điểm này, có khoảng 1.000 thân nhân gửi vào. Trong đó có khoảng 200 thạch cốt và 800 ảnh thờ.

Thạch cốt và ảnh thờ pha lê cũng được thờ vĩnh viễn, duy trì đến các đời khác. Chi phí gửi thờ thạch cốt 5 triệu đồng, còn thờ ảnh pha lê phí 1 triệu đồng. Mình thờ đây là ăn cơm bá gia làm việc cho bá tánh, không phải kinh doanh.

Tro cốt người mất đưa vào chùa cúng được 100 ngày, nhà chùa sẽ nhờ dịch vụ chuyển từ tro cốt sang thạch cốt, sau đó được rước trở lại chùa. Do diện tích phòng thờ hạn chế, sắp tới chùa Phước Viên sẽ không nhận thạch cốt và ảnh thờ pha lê người dân gửi vào nữa.

Chúng tôi rất yên tâm

Chúng tôi gửi tro cốt của bà và mẹ vào bảo tháp xá lợi cộng đồng chùa Vĩnh Nghiêm đã nhiều năm nay. Tôi thường xuyên đến thăm viếng mỗi tháng 1 lần. Chúng tôi bận rộn công việc, nhiều khi dịp giỗ, lễ lớn chúng tôi mới đến thăm viếng nhưng nhân viên ở đây chăm sóc tốt, chúng tôi rất yên tâm.

Số lượng hũ tro cốt gửi vào chùa này khá lớn nhưng được sắp xếp có thứ tự, nề nếp, khi thân nhân cần tìm chỉ nói tên là tìm được ngay.

Bạn đọc Phạm Gia Hoàng (P.6, Q.10, TP.HCM)

Cần “quy hoạch, chuyên nghiệp hóa”

Từ tâm lý, gửi tro cốt, thạch cốt, ảnh thờ pha lê vào chùa là tốt cho người thân của họ nên số lượng ngày càng tăng. Ai cũng muốn người thân của mình yên nơi yên chỗ, vĩnh cửu nhưng không gian lưu giữ có giới hạn, không thể cơi nới mãi.

Nhiều chùa, nhà thờ thu xếp không gian cho việc thờ cúng này nhưng sớm muộn cũng sẽ dẫn đến quá tải và không thể tiếp nhận thêm.

Trong tương lai, khi phần đông người dân chọn hỏa táng thay cho mai táng, việc gửi tro cốt sẽ như thế nào? Đây không phải là chuyện tín ngưỡng gửi tro cốt ở chùa mà là câu chuyện của chính sách, những định hướng cần thiết cho chuyện “hậu sự” cho người tạ thế.

Cùng với quy hoạch đất nghĩa trang ở các địa phương cho bài bản, văn minh cũng cần quy hoạch không gian lưu giữ tro cốt với đầy đủ các quy chuẩn cho dịch vụ này.

Về lâu dài, việc gửi tro cốt chuyên nghiệp hơn, phải có văn bản, hợp đồng đầy đủ điều khoản, lưu trữ thông tin đầy đủ; có đủ quy định từ mức phí đến vệ sinh môi trường, trách nhiệm của bên gửi và bên nhận giữ tro cốt.

Bạn đọc Nguyễn Kim Phượng (Q.Tân Bình, TP.HCM)

HOÀI PHƯƠNG ghi
TTO