24/01/2025

Để trẻ phải đi ăn xin, cần xử lý người đứng đầu địa phương

Để trẻ phải đi ăn xin, cần xử lý người đứng đầu địa phương

Chăn dắt, ép buộc trẻ em đi ăn xin là những hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em. Để xảy ra vấn nạn này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Để trẻ phải đi ăn xin, cần xử lý người đứng đầu địa phương
Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), sau loạt bài Trốn thoát khỏi bàn tay chăn dắt ăn xin của mẹ và cậu ruột thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận về nỗi bức xúc trẻ em (TE) bị bóc lột, bạo hành.

Người đứng đầu địa phương không thể vô can

Để trẻ phải đi ăn xin, cần xử lý người đứng đầu địa phương - ảnh 1
       Ông Đặng Hoa Nam – Ảnh: T.H

Thưa ông, Báo Thanh Niên vừa đăng tải loạt bài phản ánh câu chuyện đau lòng về 5 em bé bị mẹ và cậu ruột chăn dắt, ép buộc đi ăn xin tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Nạn chăn dắt TE ăn xin gần đây tái diễn tại nhiều địa phương, theo ông đâu là nguyên nhân?

Hành vi chăn dắt TE ăn xin trên đường phố, cho dù là người ngoài chăn dắt hay thậm chí là cha mẹ các em, thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Luật TE đã quy định, hành vi bóc lột TE, bắt trẻ ăn xin bị nghiêm cấm, tuy nhiên về mặt pháp luật còn có khoảng trống. Từ trước đến nay, cũng có rất nhiều vụ việc chăn dắt TE ăn xin được phát hiện, nhưng chúng ta chủ yếu xử lý bằng cách đưa các em trở về nhà, sau đó yêu cầu cơ quan pháp luật vào cuộc. Những hành vi này thường không bị xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là đối với hành vi nhiều lần để TE lang thang, ăn xin có tổ chức nhằm bóc lột sức lao động TE.
Thời gian vừa qua chúng tôi ghi nhận những vụ việc liên quan đến xâm hại TE xử lý vi phạm hành chính còn rất ít, hầu như cơ quan chức năng ít quan tâm, không muốn xử lý, chỉ khi nào chạm mức độ hình sự thì họ mới xử lý hành chính.
Hiện có 17 cơ quan làm công tác bảo vệ TE, nhưng cảnh TE ăn xin vẫn diễn ra hằng ngày, vậy trách nhiệm chính thuộc về ai, thưa ông?
Ở vụ việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi ghi nhận sự vào cuộc rất kịp thời của đội tình nguyện, sự hỗ trợ của PV Báo Thanh Niên và các cơ quan công an đã giải cứu các cháu bé và đưa vụ việc ra ánh sáng. Qua vụ việc này cũng cho thấy, để vấn nạn trên xảy ra và thường xuyên tái diễn, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở.
Luật TE quy định chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc xâm hại TE trên địa bàn. Theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp thực hiện quyền TE và bảo vệ TE mới ban hành tháng 5.2020, người đứng đầu địa phương, người đứng đầu các cơ quan đơn vị làm công tác bảo vệ TE ở địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Phải xử lý hình sự
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực TE, Bộ LĐ-TB-XH có giải pháp gì để dẹp bỏ nạn chăn dắt TE đi ăn xin?
Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH đã có công văn gửi các địa phương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng ăn xin nói chung và TE lang thang, ăn xin nói riêng.
Trong công văn này, Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị cơ quan LĐ-TB-XH, công an và các cơ quan chức năng tiến hành ngay việc kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, ép buộc, trục lợi TE, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang ăn xin. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ TE, bảo đảm quyền của các đối tượng yếm thế và pháp luật về trợ giúp xã hội.
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để tái diễn tình trạng người lang thang ăn xin hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền TE; kịp thời xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thấy trẻ xin ăn, lang thang, gọi ngay 111

Chúng tôi khuyến nghị với trách nhiệm công dân, nếu ai phát hiện, thấy TE lang thang xin ăn trên đường phố, TE bị bạo hành, xâm hại dưới bất kỳ hình thức nào thì báo ngay cho Tổng đài 111 (tổng đài quốc gia bảo vệ TE) để đường dây 111 kết nối, can thiệp và xử lý kịp thời.
Nhiều ý kiến cho rằng các chế tài xử lý nạn chăn dắt TE ăn xin còn nhẹ, ông nghĩ sao về điều này?
Luật TE cũng đã quy định nghiêm cấm hành vi bóc lột TE, tuy nhiên thực tế chủ yếu chỉ xử lý được về mặt hành chính chứ chưa xử lý được về mặt hình sự, vì luật hình sự quy định hành vi bóc lột sức lao động TE phải gây thương tổn về mặt thể chất và tinh thần, khi giám định tỷ lệ thương tật ít nhất 11% mới có thể xử lý hình sự hoặc gây thương tổn từ 2 – 3 em trở lên.
Hiện nay, với hành vi xâm hại TE chủ yếu chỉ giám định về thương tích trên cơ thể, còn gây tổn hại về tinh thần thì các tiêu chí giám định và các cơ sở có chức năng giám định rất ít, đồng thời cũng chưa có một hệ thống thang bảng để xử lý. Chúng ta chưa có những quy định như vậy nên khó tăng nặng chế tài với những hành vi đó. Vì vậy, những hành vi gây tổn hại, xâm hại TE cần phải có những biện pháp xem xét lại hệ thống pháp luật tăng mức xử lý nặng hơn. Về mặt lâu dài, chúng ta phải bổ sung những quy định này trong pháp luật hình sự để tăng tính giáo dục và răn đe.

Giải cứu bé gái 6 tuổi bị bố đẻ bạo hành nhiều ngày

Công an tỉnh Bắc Ninh hôm qua (6.9) cho biết đang tạm giữ Đặng Trung Kiên (47 tuổi, P.Đình Bảng, TX.Từ Sơn) để điều tra hành vi tàng trữ ma túy trái phép, tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép và bạo hành TE.
Lực lượng chức năng giải cứu bé Ngọc Anh Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp

Lực lượng chức năng giải cứu bé Ngọc Anh ẢNH: CƠ QUAN CÔNG AN CUNG CẤP

Sáng 5.9, Công an tỉnh Bắc Ninh nhận được tin báo về việc bé Đặng Ngọc Anh (6 tuổi, trú P.Đình Bảng) bị bố là Đặng Trung Kiên nhốt trong nhà và bạo hành. Do Kiên không hợp tác, lực lượng chức năng phải xông vào nhà giải cứu cháu bé trong tình trạng có nhiều vết thương trên cơ thể, tay phải bị gãy. Đáng chú ý, khi bắt giữ Kiên, công an đã thu giữ khoảng 7,7 kg ma túy các loại và 1 khẩu súng K59 đã lên đạn, cùng nhiều tang vật liên quan hành vi bạo hành TE. Bước đầu, Công an tỉnh Bắc Ninh xác định Kiên đã đánh đập, bạo hành con gái trong nhiều ngày khiến cháu bị thương. Vụ việc đang được mở rộng điều tra.
Trần Cường

Ý kiến

Có độ “chênh” giữa nhận thức và thực tiễn

Để trẻ phải đi ăn xin, cần xử lý người đứng đầu địa phương - ảnh 3

ẢNH: GIA HÂN

Chúng ta có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ về chăm sóc, bảo vệ TE, tuy nhiên đang có độ “chênh” giữa nhận thức và thực tiễn trong công tác chăm sóc, bảo vệ TE dẫn đến hạn chế tác dụng của hệ thống pháp luật đã có. Để giải quyết triệt để vấn đề này, trước hết là nâng cao nhận thức của người dân.
Ở các địa phương, ngoài cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta có các đoàn thể đều có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE. Nếu như các cơ quan, đoàn thể làm tốt thì tôi tin rằng nạn xâm hại, bạo hành TE sẽ giảm bớt. Chế tài đối với nhiều hình thức xâm hại TE cũng phải tăng nặng hơn để đủ tính răn đe. Xâm hại tình dục TE là hành vi bị xử phạt rất nặng, bạo hành, hay chăn dắt TE đi ăn xin như báo chí phản ánh thời gian qua cũng cần phải xử phạt thật nghiêm minh.
Ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Nói nhiều nhưng chưa làm đến nơi đến chốn

Để trẻ phải đi ăn xin, cần xử lý người đứng đầu địa phương - ảnh 4

ẢNH: T.H

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến việc bảo vệ TE, đăng đàn phát biểu cũng nhiều nhưng chưa làm đến nơi đến chốn. Hơn 10 năm trước, ở Hà Nội xảy ra vụ người giúp việc bị chủ quán phở bạo hành suốt thời gian dài mà cơ quan chức năng không phát hiện ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhưng theo tôi, nguyên nhân chính là chính quyền địa phương lâu nay chỉ quan tâm đến “đánh bóng, mạ kền” những con số, chỉ tiêu, đem lại thành tích, tăng trưởng, phát triển kinh tế cho địa phương. Còn những vấn đề liên quan đến “sức khỏe” xã hội, an sinh xã hội chúng ta chưa làm được bao nhiêu.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Phó tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam

Không thể mang cái nghèo biện minh cho tội ác

Để trẻ phải đi ăn xin, cần xử lý người đứng đầu địa phương - ảnh 5

ẢNH: T.H

Nhiều gia đình biện minh do khó khăn, túng quẫn, nhưng điều này không thể chối bỏ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục nuôi dưỡng con cái. Nhiều cha mẹ đã đưa con em mình đi ăn xin, xem đó là công cụ kiếm tiền. Đó là lòng tham, sự thiếu hiểu biết và nhẫn tâm của các bậc cha mẹ. Cho dù nghèo thì cũng không thể biện minh cái nghèo để nhẫn tâm với con em mình.
Tôi hoàn toàn đồng ý đưa hành vi chăn dắt TE đi ăn xin lên mức xử lý hình sự, không thể nào để kẻ bóc lột sức lao động TE, không thể nào xử lý hành chính các trường hợp chăn dắt TE, kể cả những người đó là bố hay mẹ. Khung hình phạt cần phải tăng nặng những trường hợp bắt TE, đánh đập, ngược đãi bắt TE lao động, kiếm sống khi tuổi của các em còn quá nhỏ.
PGS-TS Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Trách nhiệm phải rõ ràng

Để trẻ phải đi ăn xin, cần xử lý người đứng đầu địa phương - ảnh 6

ẢNH: T.H

Tôi có theo dõi thông tin trên Báo Thanh Niên về vụ việc mẹ đẻ và cậu ruột bắt con đi ăn xin ở Bà Rịa-Vũng Tàu, có một điều khiến tôi rất bức xúc và xót xa là tại sao chính quyền nơi các em sinh sống và chính quyền nơi các em bị chăn dắt không phát hiện ra; thậm chí có em bé bị xâm hại nhiều lần và mang thai đến 2 lần mà không được can thiệp hỗ trợ kịp thời.
Câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai cần phải có câu trả lời rõ ràng, không thể để thành tích 3 – 4 người cùng nhận, còn trách nhiệm bảo vệ TE ở địa bàn thuộc về ai, xử lý ai thì không ai nhận. Tôi cho rằng trách nhiệm chính là UBND cấp xã, phường nơi TE sinh sống, rồi những người chuyên trách làm công tác này, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, người làm công tác LĐ-TB-XH…
Hôm nay 7.9, Hội sẽ có cuộc làm việc với Cục TE. Chúng tôi sẽ có ý kiến để cùng với Cục TE yêu cầu chính quyền các địa phương rà soát, ngăn ngừa tình trạng này.
Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền TE Việt Nam
T.Hằng – L.Hiệp (ghi)
THU HẰNG
TNO