11/01/2025

Cần thay đổi cơ chế để tạo nền nghiên cứu khoa học liêm chính

Cần thay đổi cơ chế để tạo nền nghiên cứu khoa học liêm chính

Câu chuyện ở một số trường đại học gần đây về việc ‘mua bán’ bài báo khoa học đã minh định sự thiếu liêm chính, vẩn đục trong môi trường nghiên cứu khoa học.
 /// DAD
DAD
Nghiên cứu khoa học và công bố sản phẩm nghiên cứu khoa học là xu thế tất yếu trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách thức, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế thực thi, giám sát như thế nào, đặc biệt là sử dụng các sản phẩm đó làm tiêu chí trong việc xét các chức danh như phó giáo sư, giáo sư.

Hạn chế, yếu kém trong quản lý và cơ chế thực thi

Câu chuyện ở một số trường đại học gần đây, nếu ai quan tâm thì đã quá rõ. Nhiều nhà nghiên cứu, và cả các nhà quản lý đã có quan điểm riêng, trình bày sự “bất ổn” trong hoạt động “mua bán” bài báo đã minh định sự thiếu liêm chính, vẩn đục trong một số môi trường nghiên cứu khoa học .Nhưng từ đó cũng đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong quản lý và cơ chế thực thi để tạo ra một môi trường học thuật thực sự khoa học, từ đó làm căn cứ chính xác, khách quan, trong sạch trong bình xét các chức danh hoặc xếp hạng, định vị thứ hạng của các trường.
Cần thay đổi cơ chế để tạo nền nghiên cứu khoa học liêm chính - ảnh 1
Thật sự việc viết 1 hay 10 bài báo, điều đó hoàn toàn lệ thuộc vào năng lực, khả năng, sự đam mê và tối ưu hóa thời gian của nhà nghiên cứu. Nếu 1 năm họ viết 10 bài, nghĩa là trung bình 36,5 ngày họ viết 1 bài, điều đó tôi nghĩ nhiều nhà nghiên cứu làm được. Tôi biết rất rõ một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Đức, đợt Covid-19 vừa rồi, đã viết hơn 10 bài (chủ yếu liên quan đến đại dịch) và đều được đăng ở các tạp chí rất có uy tín. Tất nhiên, nếu viết quá nhiều, cỡ như 50, 60 bài/năm thì có vấn đề thật.
Một thực tế hiện nay  là việc tổ chức các hội thảo quốc tế tại Việt Nam cũng tồn tại quá nhiều vấn đề.
Ở một hội thảo quốc tế tại Việt Nam năm 2020, một tác giả nhưng đăng tới 4 bài, điều này liệu có ổn? Đặc biệt, hầu như các hội thảo quốc tế tại Việt Nam đều ghi “có cơ hội xuất bản ở các tạp chí quốc tế”, và sau khi kết thúc hội thảo, nhiều tác giả nhận được email mời tham gia gửi bài từ các tạp chí nước ngoài nhưng khi dò lại thì 90% là các tạp chí “dỏm”, giả mạo để chuyển tiền xuất bản. Bằng cách nào mà các tạp chí “dỏm” trên có được địa chỉ, email của các tác giả bài viết trong các hội thảo đó cũng là một câu hỏi cần đặt ra.
Mặt khác, trong Danh mục Tạp chí khoa học được tính điểm năm 2020 do Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ban hành tại Quyết định số 18-QĐ/HĐCDGSNN, ngày 30.6.2020, danh mục tạp chí trong một số ngành cụ thể cũng chỉ ghi “Các tạp chí khoa học Việt Nam  và quốc tế” (có chú thích cơ quan xuất bản một cách chung chung) hoặc ghi “Các tạp chí khoa học quốc tế khác, không thuộc ISI, SCOPUS” (do Hội đồng Giáo sư liên ngành quyết định cụ thể từng trường hợp). Như vậy, trong quy định này, một số ngành không có liệt kê các tạp chí cụ thể để nhà nghiên cứu hoặc công chúng có cơ hội kiểm chứng, đánh giá.
Hiện nay các hội đồng khoa học chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật của Quỹ NAFOSTED đang bàn thảo về việc lựa chọn danh mục các tập san quốc tế có uy tín mới, nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.

Để xã hội có cơ hội đánh giá, giám sát

Vì vậy, để hướng tới một môi trường khoa học liêm chính, cần triển khai triệt để các nhóm giải pháp và cơ chế thực hiện sau:
Kiểm sát chặt chất lượng bài báo bằng sự liêm chính của hội đồng đánh giá, đặc biệt cần công khai bản toàn văn bài báo trong hồ sơ của từng cá nhân để xã hội có cơ hội đánh giá, giám sát.
Công bố danh sách chi tiết các nhà xuất bản, tạp chí có uy tín để các ứng viên nắm bắt và chủ động viết bài, nghiên cứu. Đồng thời, cũng tạo sự chủ động cho các nhà khoa học, chuyên gia giám sát thường niên chất lượng của các tạp chí, nhà xuất bản này, từ đó có thể tham vấn đề xuất bổ sung những tạp chí có uy tín mới/hoặc loại trừ các tạp chí dù đã được đưa vào danh sách nhưng không còn đủ uy tín.
Có cơ chế xử lý đích đáng những người không trung thực trong hồ sơ nghiên cứu, thậm chí công khai danh sách những cá nhân khai man hoặc gian dối trong nghiên cứu khoa học, ban hành quy chế cấm tham gia xét các chức danh, giải thưởng trong một thời gian nhất định. Thực tế cho thấy có ứng viên bị loại vì gian dối trong nghiên cứu khoa học của đợt xét đó  nhưng năm sau vẫn nộp hồ sơ bình thường, điều đó là không đúng với một chức danh đầy tính học thuật và đạo đức nhưphó giáo sư hay giáo sư.
Xây dựng quỹ nghiên cứu khoa học của từng trường và có cơ chế khen thưởng, hỗ trợ xứng đáng các bài viết, công trình có hàm lượng khoa học cao. Các trường đại học cần có hội đồng thẩm định bài viết đăng tạp chí quốc tế để từ đó có thể đánh giá khách quan từng công trình nhằm thực hiện cơ chế khen thưởng, hỗ trợ có hiệu quả.

TS Lê Hoàng Việt Lâm

TNO