10/01/2025

Lỗ hổng quản lý cơ sở giáo dục

Lỗ hổng quản lý cơ sở giáo dục

Từ thông tin Văn phòng UBND TP.HCM phải gửi công văn khẩn về việc Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng hoạt động không phép, bất ngờ đóng cửa, nhiều bạn đọc ngạc nhiên vì… “cấp cơ sở quản lý thế này thì chết thật”.
Một cơ sở đã đóng cửa của Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng /// Ảnh: Phạm Hữu
Một cơ sở đã đóng cửa của Trung tâm Anh ngữ Đại BàngẢNH: PHẠM HỮU
Như Thanh Niên đã đưa tin, Văn phòng UBND TP.HCM vừa gửi công văn khẩn đến Sở GD-ĐT TP.HCM, UBND các quận 1, 4, 5, 6, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh về việc Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng (Eagle Corp – gọi tắt là trung tâm) hoạt động không phép, đột ngột đóng cửa, trong đó yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo lập đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra, xác minh; đồng thời khẳng định sẽ có các biện pháp xử lý tiếp theo nhằm đảm bảo quyền lợi của học viên, giảng viên và người lao động tại trung tâm này.

Tiền mất bực mang

Bạn đọc (BĐ) Trần Ngọc Châu cho biết mình chính là một trong những học viên “vừa mất tiền vừa rước bực vào thân” khi đã “đóng 12 triệu, giờ trung tâm lấy cớ nghỉ dịch, hẹn học online, rồi cũng im lặng luôn”. Nhiều BĐ khác cũng rất bực mình vì “vừa mất tiền, vừa mất thời gian mà chẳng được gì” (BĐ Kim Cẩm); “đóng hơn 18 triệu đồng mà cũng học được mấy tháng trước tết và sau tết một tháng, rồi không thấy đâu nữa” (BĐ Đào Ngọc Huyền).

Trách nhiệm của cơ quan thanh tra Sở GD-ĐT. Cơ sở mở không phép chình ình nhiều năm, ngay ở một số quận mà địa phương, sở không biết, thật không hiểu nổi.

Tien Lieu

Thậm chí có BĐ còn khẳng định dù mình đã đóng đủ tiền học, nhưng chưa học được ngày nào, thì “đại bàng đã bay mất hút”: Tôi đóng 8 triệu cho con tôi học tại cơ sở trên đường Cao Thắng. Làm hợp đồng người ta bảo nếu không sắp được lịch học trong một tháng thì hoàn tiền. Nhưng đến 3 tháng sau, tôi đến đòi tiền thì nhân viên bảo chờ báo cáo lên trên mới giải quyết được, rồi đùng một cái họ đóng cửa.

Tình cảnh trên cũng tương tự với những chia sẻ của BĐ Đỗ Đức Tài: “Mình đóng đủ tiền khóa học. Nhưng đến bây giờ vẫn chưa được học buổi nào. Mình gọi bên đó rất nhiều lần để hẹn lớp nhưng bên đó cứ dời ngày và lấy đủ thứ lý do như dịch bệnh hay không đủ học viên để dời lịch học…”.

Rà soát quy trình quản lý

Trước nhiều bức xúc của các học viên, BĐ Trâm Trần đặt câu hỏi: “Vậy giờ học viên cần làm gì để lấy lại công bằng cho mình ạ?”. Một câu hỏi khiến BĐ Ngô Thế Hùng lại phải… hỏi tiếp: “Một trung tâm Anh ngữ hoạt động không phép mà vẫn tồn tại qua thời gian dài, trách nhiệm thuộc về ai?”. Câu chuyện quản lý các cơ sở giáo dục tại các địa bàn “còn nhiều lỗ hổng” đến mức phải để UBND TP.HCM ra văn bản khẩn?

Mong các cơ quan có thẩm quyền can thiệp sớm để đòi lại công bằng cho học viên chúng em. Mỗi mình em đã hơn 17 triệu tiền học phí mà chưa được học hành đàng hoàng.

Ngay trong văn bản khẩn, UBND TP.HCM cũng đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM rà soát lại quy trình quản lý các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn để có biện pháp phối hợp với các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương trong công tác giám sát, quản lý địa bàn, công tác hậu kiểm sau cấp phép hoạt động. BĐ Ngô Thế Hùng cũng cho rằng: “Trách nhiệm thuộc về khâu quản lý nhà nước, mà trong đó, Sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm trước tiên”. Từ chỉ đạo kịp thời của UBND TP.HCM, BĐ Nguyễn Thị Kim Hằng nêu ý kiến: “Mong là các cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra, xử lý nghiêm để đòi lại công bằng cho học viên, cả giáo viên, nhân viên bị trung tâm nợ lương”.

Nhiều BĐ góp ý TP.HCM “nhanh chóng xem xét kỹ và có thông báo ngay trên các phương tiện truyền thông đại chúng, không để học viên và giáo viên hoang mang, kể cả những người dân và phụ huynh”. Nói như BĐ GVC One, thì “Sở GD-ĐT TP.HCM nên công khai rộng rãi hơn nữa danh sách các trường, trung tâm chính quy, có phép” vì cũng chính BĐ này nhận xét, hiện các thông tin trên “dù đã có trên mạng nhưng rất khó tìm thấy”.
KIM LAN
TNO