10/01/2025

Ẩm thực Việt ra thế giới

Ẩm thực Việt ra thế giới

Đầu tháng 9.2020, sau 8 năm ròng rã tìm kiếm và tuyển chọn, Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) đã chính thức công bố 5 kỷ lục thế giới về ẩm thực cho Việt Nam – những quả ngọt đầu tiên cho hành trình đưa ẩm thực Việt vươn ra thế giới.
Nhiều món cuốn đặc sắc của Việt Nam được xếp vào hàng kỷ lục thế giới /// Ảnh: Shutterstock
Nhiều món cuốn đặc sắc của Việt Nam được xếp vào hàng kỷ lục thế giới ẢNH: SHUTTERSTOCK
Cầm trên tay tập tài liệu dày cộp Các địa phương trả lời về hành trình tìm kiếm và quảng bá đặc sản Việt Nam, Tổng giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) Lê Trần Trường An cho biết: “Hành trình tìm kiếm, quảng bá các giá trị đặc biệt của ẩm thực Việt Nam được VietKings bắt đầu thực hiện từ năm 2012. Dù tốn nhiều thời gian và công sức để đúng các thủ tục và tiêu chí của WorldKings nhưng chúng tôi không hề lo lắng vì luôn nhận được sự quan tâm ở khắp mọi miền đất nước. Các địa phương đề cử hàng ngàn món ăn, đặc sản phong phú, mang hương vị đặc trưng của từng vùng miền. Nhờ đó mà những kỷ lục mang tầm thế giới khi gửi hồ sơ đến WorldKings và Hiệp hội Kỷ lục thế giới (WRA) đều suôn sẻ. Lần đầu tiên, 5 kỷ lục thế giới về ẩm thực của Việt Nam được xác lập cùng lúc, thật sự là tin rất vui và tự hào”.
Ẩm thực Việt ra thế giới

Món mắm cá linh mang đậm hương vị ẩm thực Việt  ẢNH: VIETKINGS

Phong phú, đậm nét văn hóa vùng miền

Theo bà Võ Lưu Lan Uyên, Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu (VietWorld): “Món ăn Việt Nam không chỉ có sự cân bằng về các mùi vị như chua, cay, mặn, ngọt, đắng, chát, mà còn là sự cân bằng hoàn hảo về dinh dưỡng. Với nền nông nghiệp lúa nước, hạt lúa – hạt gạo giữ vai trò quan trọng và chủ đạo trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Gạo dù nếp hay tẻ cũng trở thành nguyên liệu để tạo nên vô vàn loại bánh với hương vị thơm ngon, độc đáo. Những món bánh có thành phần từ gạo thật giản dị nhưng lại có vị thế hết sức quan trọng và thiêng liêng. Theo thời gian, những loại bánh làm từ bột gạo càng trở nên đa dạng, phong phú cả về hình thức lẫn hương vị và ngày càng khẳng định giá trị ẩm thực Việt trong mắt khách quốc tế”.

Món ăn VN không chỉ có sự cân bằng về các mùi vị như chua, cay, mặn, ngọt, đắng, chát, mà còn là sự cân bằng hoàn hảo về dinh dưỡng

Bà Võ Lưu Lan Uyên,

Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu

Nhà giáo ưu tú – chuyên gia văn hóa ẩm thực Triệu Thị Chơi không bao giờ quên những chuyến đi Tây Bắc: “Nguồn nguyên liệu phục vụ cho ẩm thực ở nước ta nhiều vô kể, nhất là các tỉnh vùng cao. Tôi từng bất ngờ với những món ăn phong phú được chế biến chỉ từ rau rừng mà lại có thêm vị thuốc để chữa bệnh nữa. Thật tuyệt vời!”. Bà khẳng định: “Rất nhiều món ăn đặc sản Việt Nam cùng cách pha chế, nêm nếm gia vị đã tạo nên hương vị độc đáo, trở thành nét đặc trưng cho văn hóa ẩm thực của nước nhà. Đơn giản nhất như món chả giò, bánh mì kẹp thịt, một số nước cũng có nhưng qua bàn tay nghệ nhân Việt thì mọi thứ trở nên hoàn hảo, thậm chí ở nước ngoài họ vẫn để nguyên tên gọi bằng tiếng Việt; hay như món phở truyền thống thì cân bằng đầy đủ các loại dưỡng chất, vừa ăn no vừa đảm bảo sức khỏe, trở thành món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam hiện diện khắp nơi trên thế giới”.

Mắm là một trong những nét đặc trưng độc đáo của ẩm thực Việt Nam với sự đa dạng hiếm có. Trong mỗi mâm cơm của người Việt đều dễ dàng bắt gặp những bát nước chấm đậm đà này. Theo ông Lê Trần Trường An: “Với lợi thế có bờ biển trải dài, nguồn thủy – hải sản phong phú và cách thức dự trữ các loại thực phẩm theo thói quen “tích cốc phòng cơ”, từ lâu đời ông cha ta đã nghĩ ra cách lưu trữ thức ăn bằng biện pháp lên men, ủ muối… các loại cá tôm để tạo ra hàng trăm loại mắm khác nhau. Mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam đều có các loại mắm đặc trưng riêng. Hầu như tất cả được dùng như một loại nước chấm hoặc nêm trực tiếp vào món ăn để tăng hương vị và mang lại “hơi thở” riêng của từng vùng đất”.
Đặc biệt, WorldKings còn ngạc nhiên với cách người Việt sử dụng hoa làm nguyên liệu đưa vào ẩm thực với nhiều cách thức chế biến từ bình dị, dân dã đến cầu kỳ, sang trọng. Tùy vào đặc thù địa lý và tập quán ở từng nơi mà người dân có những món ăn làm từ hoa khác nhau.
Ẩm thực Việt ra thế giới

Những món bánh làm bằng bột gạo hấp dẫn và bắt mắt

Cần biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới

Ngày 27.8, WorldKings đã có văn bản do Phó chủ tịch tại khu vực châu Á Dr.Biswaroop Roy Chowdhury ký gửi VietKings thông báo: “Kể từ ngày 29.8.2020, Liên minh Kỷ lục thế giới chính thức công bố kỷ lục thế giới cho 5 hành trình ẩm thực của VN. Mọi thông tin liên quan đến các kỷ lục thế giới của ẩm thực VN sẽ được đăng tải trên các kênh truyền thông WorldKings thuộc toàn cầu vào đầu tháng 9.2020 nhằm giúp VietKings quảng bá các giá trị ẩm thực của VN ra thế giới”.

Dự kiến ngày 1.11.2021, nhân ngày thế giới ăn chay, lần đầu tiên VietKings sẽ tổ chức một đại tiệc chay quy tụ hơn 200 món chay ngon, được chế biến từ rau xanh và gia vị thuần Việt do chính các đầu bếp trong nước thực hiện. Việc chuẩn bị cho sự kiện này được VietKings thực hiện dần từ bây giờ. Theo ông Lê Trần Trường An: “VietKings liên tục tạo ra những sự kiện lớn để thu hút du khách, muốn tạo cơ hội cho những giá trị ẩm thực Việt nhanh chóng lan tỏa ra khỏi biên giới. Để làm được những điều này, rất cần sự chung tay của các bộ ngành, Tổng cục Du lịch, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước và cộng đồng người Việt trên toàn thế giới”.

Tuy nhiên để đưa nền ẩm thực đa dạng của Việt Nam bước ra thế giới, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Chuyên gia văn hóa ẩm thực Triệu Thị Chơi cho rằng: “Nguyên liệu, gia vị chúng ta dồi dào nhưng vẫn còn ở dạng thô nhiều quá, phải làm sao tiến hành sơ chế, đóng hộp bảo quản để khi nào cần là có, phải có tính đại chúng và dễ sử dụng. Một số thực phẩm trước khi hấp, nướng phải phi lê để tránh hóc xương…”. Chuyên gia ẩm thực Lý Sanh đề nghị: “Trước tiên, người đầu bếp cần được trang bị thêm nhiều kiến thức về món ăn Việt, xác định nguồn gốc món ăn để chuẩn hóa theo tiêu chuẩn Việt, chuẩn hóa tay nghề chuyên môn. Từ đó họ mới trở thành sứ giả văn hóa ẩm thực tự tin mang cái đẹp, sự tinh túy của ẩm thực Việt giới thiệu hoàn chỉnh cho thực khách”.
Ông Lê Trần Trường An kiến nghị: “Cần phải thông qua con đường du lịch để giới thiệu nhiều món ngon vật lạ, mời gọi bạn bè quốc tế đến thưởng thức, cần biến Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới và mỗi người dân là một sứ giả cho ẩm thực Việt”.

Kỷ lục thế giới về ẩm thực của Việt Nam

Đất nước sở hữu nhiều món sợi và nước hấp dẫn nhất thế giới;
Đất nước có nhiều món mắm với hương vị đặc trưng nhất thế giới;
Đất nước có nhiều món ăn được chế biến từ nhiều loài hoa nhất thế giới;
Đất nước có nhiều món cuốn đặc sắc nhất thế giới;
Đất nước có nhiều món bánh làm từ bột gạo hấp dẫn nhất thế giới.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Ngô Quang Xuân – Phó chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam, vừa có văn bản gửi cho Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để đề nghị phối hợp thực hiện việc quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới. Xung quanh vấn đề này, ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định với PV Thanh Niên: “Từ trước đến nay, công việc quảng bá ẩm thực của nước ta ra thế giới, đặc biệt là thông qua cộng đồng người Việt ở nước ngoài, luôn được cơ quan đại diện ngoại giao xem là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng lần này sẽ tiến hành quy mô và bài bản hơn. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ có cuộc gặp gỡ với VietKings để bàn bạc kỹ lưỡng thêm nhằm sớm tăng tốc việc quảng bá ẩm thực Việt ra toàn cầu, sau khi Việt Nam có 5 kỷ lục thế giới về ẩm thực được xác lập”.

LÊ CÔNG SƠN
TNO