27/12/2024

Vắc xin ngừa COVID-19 có thể ra đời chậm hơn vì… thiếu khỉ thử nghiệm

Vắc xin ngừa COVID-19 có thể ra đời chậm hơn vì… thiếu khỉ thử nghiệm

Khỉ dùng trong thử nghiệm đang thiếu trầm trọng ở Mỹ. Một số hãng dược phẩm đã nghĩ đến chuyện thử nghiệm trên người trước khi kết thúc nghiên cứu trên khỉ. Lợi bất cập hại là đây!

 

Vắc xin ngừa COVID-19 có thể ra đời chậm hơn vì… thiếu khỉ thử nghiệm - Ảnh 1.

Nuôi khỉ con tại Viện Y tế quốc gia Mỹ – Ảnh: SCIENCE

Muốn nghiên cứu phát triển vắcxin, phác đồ và thuốc điều trị COVID-19 đều phải có khỉ thử nghiệm.

Thế nhưng theo điều tra của trang web The Atlantic (Mỹ), các nhà khoa học Mỹ đang đối phó với tình hình không đủ khỉ thử nghiệm.

Ba lý do thiếu khỉ thử nghiệm

Chuyên gia bệnh nhiễm Koen Van Rompay tại Trung tâm Nghiên cứu linh trưởng quốc gia California ghi nhận: “Về cơ bản thiếu hụt lớn trên cả nước”.

Tuần nào, Van Rompay cũng nhận được đơn đặt hàng từ các công ty muốn thử nghiệm phương pháp điều trị COVID-19 nhưng anh đành phải xin lỗi.

Do thiếu khỉ, các nhà khoa học phải cạnh tranh nhau để có được số lượng khỉ hạn chế.

Có ba lý do thiếu khỉ: đại dịch COVID-19 tạo ra nhu cầu lớn đối với khỉ thử nghiệm, Trung Quốc ngừng xuất khẩu khỉ (nước này cung ứng 60% trong gần 35.000 khỉ nhập khẩu vào Mỹ năm ngoái) và nạn thiếu khỉ hiện tại càng trầm trọng thêm do COVID-19.

Từ năm 2018, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã dự báo các trung tâm linh trưởng quốc gia do NIH tài trợ sẽ không thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai và đã bàn đến chuyện xây dựng khu dự trữ khỉ chiến lược để đón đầu dịch bệnh có thể xảy ra.

Cuối cùng đại dịch COVID-19 bùng phát trong khi khu dự trữ khỉ chiến lược chưa có.

Ngoài ra, khỉ được cho nhiễm COVID-19 phải được nuôi trong các phòng thí nghiệm an toàn sinh học động vật cấp 3 (ABSL-3) trong khi số phòng ABSL-3 ở Mỹ rất ít.

Hiện nay, NIH phải chọn xem nghiên cứu nào có thể sử dụng bảy trung tâm linh trưởng quốc gia. Các nghiên cứu không liên quan đến COVID-19 đành để sang một bên.

Vắc xin ngừa COVID-19 có thể ra đời chậm hơn vì… thiếu khỉ thử nghiệm - Ảnh 2.

Nghiên cứu điều trị COVID-19 phải dùng đến khỉ. Trong ảnh là Trung tâm Nghiên cứu linh trưởng quốc gia Thái Lan tại Đại học Chulalongkorn ở Saraburi – Ảnh: AFP

Vì sao phải dùng đến khỉ?

Khỉ chỉ chiếm 0,5% số động vật sử dụng trong nghiên cứu y sinh của Mỹ, dù vậy phải dùng đến khỉ trong giai đoạn cuối của thử nghiệm tiền lâm sàng trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người.

Khỉ có nhiều điểm tương cận với người. Theo nhận xét của Skip Bohm – phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu linh trưởng quốc gia Tulane, hệ miễn dịch của khỉ và người giống nhau đến mức các nghiên cứu vắcxin có thể sử dụng cùng một xét nghiệm để đo lượng kháng thể của cả hai.

Nhà nghiên cứu vắcxin JoAnne Flynn ở Đại học Pittsburgh nhận xét: “Khỉ còn là mô hình tốt để thử nghiệm các tác nhân giúp gia tăng hiệu quả của vắc xin”.

Với tốc độ phát triển vắc xin ngừa COVID-19 chưa từng có, một số hãng dược bắt đầu thử nghiệm trên người trước khi kết thúc nghiên cứu trên khỉ.

Tổng giám đốc Linda Marbán ở Công ty công nghệ sinh học Capricor Therapeutics cho biết  công ty không vào được Trung tâm Nghiên cứu linh trưởng quốc gia California nên đang nghiên cứu thử nghiệm trực tiếp ứng viên vắc xin ngừa COVID-19 trên người.

Dù vậy, nghiên cứu trên khỉ vẫn mang lại nhiều ưu điểm. Khỉ có thể bị nhiễm COVID-19 sau khi được tiêm vắc xin thử nghiệm.

Sau đó, các nhà nghiên cứu có thể theo dõi khỉ bị nhiễm hay không bị nhiễm, theo dõi mức kháng thể tăng thế nào hoặc vắc xin có giảm thời gian khỉ loại bỏ virus hay không.

Những chi tiết này khó thu thập nếu thử nghiệm trên người vì không thể theo dõi người hàng ngày và người dễ nhiễm COVID-19 hơn.

Vắc xin ngừa COVID-19 có thể ra đời chậm hơn vì… thiếu khỉ thử nghiệm - Ảnh 3.

Khỉ rhesus macaque tại Trung tâm Nghiên cứu linh trưởng quốc gia California – Ảnh: CNPRC

Nghiên cứu khỉ con để tìm vắc xin cho trẻ em

Nhà nghiên cứu vắc xin Sallie Permar tại Đại học Duke giải thích khỉ còn được sử dụng để nghiên cứu an toàn nơi những người dễ bị tổn thương như trẻ em.

Trẻ em hiếm khi nhiễm COVID-19 nghiêm trọng nhưng có thể lây nhiễm, vì vậy phải thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên khỉ con để xem có an toàn và hiệu quả đối với trẻ không.

Song các thử nghiệm vắc xin hiện tại chủ yếu chỉ áp dụng cho người tình nguyện khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên.

Khỉ không phải lúc nào cũng là mô hình động vật tốt nhất cho nghiên cứu dịch bệnh.

Hầu hết các loài khỉ – kể cả khỉ rhesus macaque (khỉ vàng) và khỉ cynomolgus macaque (khỉ đuôi dài) là hai loài được thử nghiệm nhiều nhất – chỉ mắc COVID-19 thể nhẹ. Để nghiên cứu bệnh nặng phải dùng đến các động vật như chuột hamster.

Chuột hamster sinh sản nhiều, đủ nhỏ và dễ xử lý trong khi khỉ sinh sản ít, tương đối lớn và chăm sóc khá tốn kém.

Muốn nhân giống khỉ nhiều hơn phải mất nhiều năm với nguồn kinh phí ổn định trong khi Mỹ chỉ có một số cơ sở hạn chế bao gồm bảy trung tâm linh trưởng do NIH tài trợ.

Giám đốc Jay Rappaport ở Trung tâm Nghiên cứu linh trưởng quốc gia Tulane nhận xét: “Phải có nguồn đầu tư quốc gia thực sự để xây dựng cơ sở hạ tầng, không chỉ phục vụ cho đại dịch COVID-19 mà còn cho tương lai với đại dịch tiếp theo có thể xảy ra”.

HOÀNG DUY LONG
TTO