Nghiên cứu được công bố trên chuyên san The BMJ cho thấy bụi mịn có thể góp phần gây bệnh hen suyễn và thở khò khè ở trẻ em.
Trẻ em tiếp xúc với hàm lượng cao bụi mịn PM2.5 trong không khí có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và phát chứng thở khò khè dai dẳng nhiều hơn so với trẻ em không tiếp xúc ẢNH: SHUTTERSTOCK
Các nhà khoa học thuộc Đại học Aarhus (Đan Mạch) cho biết trẻ em tiếp xúc với hàm lượng cao bụi mịn PM2.5 trong không khí (hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micrometer) có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và phát chứng thở khò khè dai dẳng nhiều hơn so với trẻ em không tiếp xúc.
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và thở khò khè dai dẳng ở trẻ là có cha mẹ bị hen suyễn hoặc có mẹ hút thuốc lá trong thai kỳ.
Theo nghiên cứu, PM2.5 có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, như nhà máy điện, xe có động cơ, máy sưởi… Các hạt bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào phổi và một số thậm chí xâm nhập vào hệ tuần hoàn.
Nhóm chuyên gia cho hay phát hiện này hỗ trợ bằng chứng gần đây cho thấy tiếp xúc không khí ô nhiễm có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh giảm bụi mịn PM2.5 có thể giúp giảm số lượng trẻ em mắc bệnh hen suyễn và thở khò khè dai dẳng.