Tính mạng người dân bị đe doạ nên cán bộ sợ trách nhiệm thì phải thay
Tính mạng người dân bị đe doạ nên cán bộ sợ trách nhiệm thì phải thay
Tại buổi làm việc về công tác giải phóng mặt bằng hồ thuỷ lợi Krông Pách Thượng, bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk nói tính mạng người dân bị đe doạ nên cán bộ yếu, sợ trách nhiệm thì phải thay…
Liên quan đến vụ hồ thủy lợi 4.400 tỉ chậm tiến độ, chiều 3-9, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk đã đi thực tế, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho dự án.
Theo Bộ NN&PTNT, hai vấn đề mấu chốt, đáng lo ngại nhất hiện nay của dự án là mưa lũ đe dọa tài sản, tính mạng của gần 1.000 hộ dân vùng lòng hồ và khả năng mất vốn dự án do chậm giải ngân, chậm giải phóng mặt bằng.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho rằng công tác giải phóng mặt bằng quá chậm gây ảnh hưởng tiến độ, tính mạng người dân bị đe dọa nên cán bộ yếu, sợ trách nhiệm thì phải thay…
Theo kế hoạch, ngày 31-12-2020, toàn bộ khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pách thượng với diện tích khoảng 1.000ha với khoảng 800 hộ dân đang sinh sống sẽ chìm trong nước. Tuy nhiên, thực tế đến nay công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân vẫn ì ạch, đe dọa an toàn tính mạng người dân trong mùa mưa lũ tới.
Ông Hòa Quang Khiêm – chủ tịch UBND huyện M’Đrắk – cho biết trận mưa ngày 18-8 vừa qua đã khiến hơn 30ha cây trồng của người dân bị ngập, nhiều tuyến đường ở các khu dân cư bị chia cắt. Huyện đã có 6 cuộc làm việc để xử lý các vấn đề phức tạp, người dân vẫn chưa đồng tình cách khắc phục của dự án.
Theo ông Khiêm, giải pháp khơi kênh dẫn dòng vẫn không giải quyết được vấn đề bởi chỉ mới trận mưa lớn vào ngày 3-9, nước lại dâng cao, nhà dân tiếp tục ngập lụt, đường sá đi lại khó khăn.
“Phải sớm xây dựng phương án di dời dân khẩn cấp. Vấn đề tiếp theo là việc học của các cháu vì khu vực này có 1 trường và 3 điểm trường trong khi năm học mới đã chuẩn bị bắt đầu. Trước mắt, phải đưa dân về khu tái định cư để họ có chỗ ăn, chỗ ở trước rồi mới nói đến chuyện giải phóng mặt bằng và giải ngân”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho rằng công tác giải phóng mặt bằng dự án này chạm do “mỗi nơi một ý”. Vì vậy, ông Nghị yêu cầu chủ đầu tư, UBND các huyện nằm trên vùng dự án phải chủ động xây dựng phương án di dời dân khẩn cấp trong tình huống xấu nhất chứ không ngồi chờ.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Cường khẳng định những đơn vị, cá nhân nào chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng thì “mời đi chỗ khác”.
“Năng lực anh yếu, sợ trách nhiệm… đều phải thay chứ cứ để dân phàn nàn, khổ sở thì người cán bộ phải lấy làm áy náy, đừng đỗ lỗi cho dân nữa”, ông Cường quyết liệt.
Cũng theo ông Cường, các đơn vị liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa trong vùng lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng phải đưa ra một hạn mức cụ thể, không để kéo dài như lâu nay.
“Nếu đến hạn mức, thời gian đó mà không hoàn thành thì phải quy trách nhiệm, không để khơi khơi như trước đến giờ”, ông Cường chỉ đạo.
Cứ chậm mãi, dự án sẽ bị dừng
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết ông rất lo lắng cho tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân, hàng nghìn nhân khẩu nằm trong vùng lòng hồ đang bị đe dọa vì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân rất chậm.
Theo ông Hiệp, Thủ tướng rất quan tâm đến tiến độ dự án này.
“Bộ đã tính toán nhiều phương án tiêu nước nhưng đều không hiệu quả nên giải pháp duy nhất lúc này là đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời dân. Nếu tỉnh Đắk Lắk không làm quyết liệt, tài sản, tính mạng của dân bị đe dọa và dự án có nguy cơ bị dừng”, ông Hiệp khẳng định.