13 thói quen làm tăng nguy cơ đột quỵ
13 thói quen làm tăng nguy cơ đột quỵ
Bạn có biết không, đột quỵ đáng sợ như vậy, nhưng thực tế Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, có thể ngăn ngừa đến 80% cơn đột quỵ, chỉ bằng cách tránh một số thói quen xấu, theo Best Life.
Sau đây là những thói quen làm tăng nguy cơ đột quỵ.
1. Ăn mặn
Ăn mặn có thể làm tăng huyết áp, từ đó có thể làm hỏng và làm suy yếu các mạch máu não, khiến chúng bị thu hẹp, vỡ hoặc rò rỉ.
Ăn mặn cũng có thể gây ra các cục máu đông – chặn dòng máu đến não, gây ra đột quỵ, theo Mayo Clinic.
2. Ăn nhiều đồ ngọt
Ăn nhiều đường hoặc bánh ngọt có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy thường xuyên ăn sáng bằng ngũ cốc nguyên hạt hoặc nguyên cám ít có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
|
3. Không hấp thu đủ vitamin C
Một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Học viện Thần kinh Mỹ vào năm 2014 cho thấy 59% những người bị đột quỵ chảy máu não, bị thiếu vitamin C, theo Best Life.
4. Hấp thu không đủ vitamin D
Một phân tích tổng hợp năm 2012 được công bố trên tạp chí về đột quỵ Stroke, cho thấy những người có mức vitamin D thấp hơn, có nguy cơ đột quỵ cao hơn.
5. Không uống đủ nước
Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí về thần kinh Frontiers in Neurology cho thấy, 9% số bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc chảy máu não, đồng thời bị mất nước ngay lúc nhập viện hoặc 3 ngày sau khi bị đột quỵ.
Những người này hồi phục chậm hơn, khó cứu hơn.
6. Nín tiểu
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho thấy có đến 30% bệnh nhân bị đột quỵ, đã bị nhiễm trùng tiết niệu trong vòng 3 tháng trước đó, theo Best Life.
Và thủ phạm chính của nhiễm trùng tiết niệu thường là do nín tiểu và không uống đủ nước, theo Mayo Clinic.
7. “Yêu” quá ít
Điều này có vẻ khó tin! Theo một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Tạp chí Tim mạch Mỹ, nam giới “làm việc” ít nhất 2 lần một tuần, ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn so với mỗi tháng 1 lần.
8. Sống cô độc
Một đánh giá năm 2016 về 23 bài báo nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí về tim Heart của Hiệp hội Tim mạch Anh cho thấy sự cô đơn và cô lập với xã hội làm tăng 32% nguy cơ đột quỵ.
9. Lạm dụng thuốc giảm đau
Theo dữ liệu năm 2016 từ các thử nghiệm mang tên Coxib and Traditional NSAID Trialists’ Collaboration về tương tác của các loại thuốc giảm đau cho thấy, thuốc giảm đau loại Ibuprofen làm tăng 44% nguy cơ tử vong do đau tim, đột quỵ và bệnh về mạch máu. Loại này khác với Paracetamol.
10. Ngồi quá lâu
Nghiên cứu kéo dài 12 năm, do Trường Y Harvard (Mỹ) thực hiện, đã phát hiện phụ nữ ngồi từ 10 giờ trở lên mỗi ngày có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao hơn 18% so với những người chỉ ngồi từ 5 giờ trở xuống, theo Best Life.
11. Ăn quá nhiều thịt đỏ
Theo một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Stroke, nam giới ăn hơn 2 phần thịt đỏ mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn 28%. Và thay thế bằng thịt gà hoặc thịt heo nạc có thể giảm nguy cơ đột quỵ.
12. Uống quá ít sữa
Theo một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Y tế Dự phòng Quốc tế, những người bị đột quỵ đã uống ít sữa hơn những người không bị, theo Best Life.
13. Không ăn thực phẩm lên men
Chuyên gia dinh dưỡng người Canada, Lisa Richards, đề nghị: “Thói quen đơn giản để giảm nguy cơ đột quỵ nghiêm trọng là thêm một số thực phẩm chứa men vi sinh vào chế độ ăn uống, như kim chi, sữa chua, dưa chua, theo Best Life.
THIÊN LAN
TNO