17/11/2024

Giả cảnh sát hình sự Bộ Công an vào nhà dân đọc lệnh bắt người

Giả cảnh sát hình sự Bộ Công an vào nhà dân đọc lệnh bắt người

2 đối tượng liều lĩnh giả danh cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), đi ô tô gắn biển số xanh 80B, mang súng…, gần nửa đêm vào nhà dân yêu cầu khám xét nhà khẩn cấp, đọc lệnh bắt người, cưỡng đoạt tài sản…

 

Trần Văn Sơn (trái) và Trần Hồng Thái tại cơ quan công an /// ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP
Trần Văn Sơn (trái) và Trần Hồng Thái tại cơ quan công an ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP
Ngày 30.8, Công an Q.11 (TP.HCM) cho biết đang tạm giữ Trần Văn Sơn (41 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) và Trần Hồng Thái (37 tuổi, quê Hưng Yên) để mở rộng điều tra vụ việc giả danh cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nhằm thực hiện hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Thời điểm kiểm tra đưa về trụ sở làm việc, cả Sơn và Thái đều mặc đồng phục công an, trong đó Sơn có cầu vai quân hàm thiếu tá, Thái có cầu vai quân hàm thiếu úy.

Kẻ mạo danh sẽ bị truy cứu những tội gì ?

Luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng hành vi của Trần Văn Sơn và Trần Hồng Thái (2 kẻ mạo danh) có dấu hiệu của tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác, theo điều 339 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo LS Tuấn, cấu thành cơ bản của tội danh này là giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu động cơ của người giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác để chiếm đoạt tài sản thì hành vi phạm tội sẽ cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản”; động cơ nhằm lừa đảo chủ nhà thì người phạm tội đã có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; động cơ nhằm bắt người thì phạm vào tội “bắt giữ người trái pháp luật”; nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì hành vi có dấu hiệu của tội “cướp tài sản”.
“Vì vậy cần làm rõ động cơ, mục đích của người vi phạm có hành vi giả mạo nhằm mục đích gì để xác định tội danh phù hợp”, LS Tuấn nêu.
Ngoài ra, LS Khương Mạnh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng việc công an thu giữ tang vật của 2 đối tượng, trong đó có khẩu súng kim loại ngắn màu đen (không đạn), thì quá trình xác minh, cơ quan chức năng nếu xác minh được nguồn gốc của khẩu súng, nếu có căn cứ thì có thể xử lý thêm đối tượng vi phạm về tội “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Đối với xe gắn biển số xanh 80B-2547 (biển số giả), theo LS Khương Mạnh, xe này được các đối tượng liên quan dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, nên sẽ được xử lý theo điều 106 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng có thể tịch thu, nếu là tài sản của người phạm tội; nếu xác minh xe được mượn, thuê nhưng bên cho thuê, mượn không biết được mục đích thuê, mượn, thì cơ quan tố tụng sẽ trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Nếu không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ nhà nước.
Phan Thương

Trước đó, khoảng 22 giờ 45 ngày 28.8, bà L.H.T (54 tuổi, ngụ Q.11) đang ở nhà riêng trên đường Nhật Tảo (P.7, Q.11), thì có 2 người đàn ông mặc sắc phục công an đến gõ cửa. 2 người này tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, thuộc Bộ Công an, yêu cầu khám xét nhà và đọc lệnh bắt bà T.

Vụ việc tuy xảy ra bất ngờ nhưng đã nhanh chóng thu hút sự chứng kiến của nhiều người dân xung quanh. Thấy nghi ngờ, một số người dân gọi điện trình báo công an khu vực xuống hiện trường xác minh. Nhận được tin báo, Công an P.7 (Q.11) đã nhanh chóng cử tổ tuần tra xuống hiện trường xác minh. Nhận thấy có dấu hiệu khả nghi, Công an P.7 đã yêu cầu 2 người đàn ông này về trụ sở công an để làm việc.
Tại cơ quan công an, cả Trần Văn Sơn và Trần Hồng Thái thừa nhận giả lực lượng công an nhằm thực hiện hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Công an thu giữ nhiều tang vật liên quan của 2 đối tượng, trong đó có 1 giấy chứng minh CAND, 2 bộ đồng phục công an, 2 bộ cầu vai, 1 khẩu súng ngắn (không đạn); tất cả đều được Sơn đặt mua qua mạng. Ngoài ra, công an còn thu giữ 1 ô tô do Sơn thuê và gắn biển số xanh 80B-2547 (biển số giả).
Giả cảnh sát hình sự Bộ Công an vào nhà dân đọc lệnh bắt người

Ô tô Sơn khai nhận là thuê trước khi đi gây án ẢNH: TRẦN TIẾN

Chủ nhà hoảng hốt

Ngày 30.8, trao đổi với PV Thanh Niên, bà T. cho biết vào thời điểm xảy ra vụ việc, bà ở nhà một mình. Khi chuẩn bị đi ngủ thì nghe tiếng gọi cửa của 2 người mặc đồng phục công an. Sau khi vào nhà, 2 người này tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và yêu cầu khám xét nhà khẩn cấp.

Quy định về bắt giữ người và khám xét

Theo điều 195, bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khi lực lượng chức năng khám xét chỗ ở của công dân, thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn, thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 2 người chứng kiến. Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Tại các điều 110 đến 113, bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng nêu rõ về biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng đối với từng trường hợp bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người bị truy nã… Đối với trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam thì người thi hành phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.
Thái Sơn

“Tôi không biết họ là công an giả. Sau khi đưa tôi xem thẻ ngành màu đỏ, ông đó (Sơn – PV) nói tôi bị bắt vì cho vay nặng lãi và tổ chức đánh bạc. Lúc đó tôi cũng rất sợ, nhưng nghe lỗi này mình không có nên cũng bình tĩnh hơn. Tôi chỉ thắc mắc tại sao họ lại biết địa chỉ cụ thể và họ tên của tôi”, bà T. nói.

Bà T. lấy lý do lên phòng thay đồ rồi gọi điện cho người em để thông báo vụ việc. Khi xuống nhà nghe Sơn đọc lệnh bắt giữ một lúc, thì công an khu vực đến xử lý vụ việc. Bà T. chỉ biết 2 đối tượng này là công an giả mạo khi công an khu vực thông báo bà T. lên Công an P.7 lấy lời khai vào ngày hôm sau (29.8).
Qua sự việc trên, cơ quan công an cảnh báo người dân nên cảnh giác với những thủ đoạn tương tự. Bên cạnh đó, khi phát hiện những sự việc nghi vấn bất thường, người dân nên trình báo ngay cho công an khu vực để lực lượng địa phương có hướng xử lý kịp thời.

“Đây là vụ việc rất nghiêm trọng”

Trao đổi với Thanh Niên ngày 30.8, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Bộ Công an đã nhận được báo cáo ban đầu của Công an TP.HCM về vụ việc 2 người đàn ông giả danh cán bộ công an đến nhà dân đòi khám xét và bắt tạm giam. “Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, nhưng cũng có thể nói rất hy hữu và điều đáng hoan nghênh là tinh thần cảnh giác của người dân cũng như sự phản ứng của lực lượng công an phường đã rất nhanh chóng, kịp thời ngăn chặn”, ông Xô nói.
Theo thiếu tướng Tô Ân Xô, từ vụ việc này cho thấy khi người dân nắm vững quy định pháp luật, thì tội phạm không có cơ hội để gây án: “Họ có nắm luật thì mới biết được là khi công an đọc lệnh bắt người hay khám xét, thì luôn phải có người của công an phường, có chính quyền, có cán bộ Viện KSND, có đại diện tổ dân phố”.
Đáng chú ý, người phát ngôn Bộ Công an cho rằng vụ việc có những nguyên nhân sâu xa là việc mua bán, làm giả trang phục cảnh sát: “Điều tra sơ bộ ban đầu cho thấy trang phục, quân hàm quân hiệu, thậm chí biển số xe màu xanh mà các đối tượng sử dụng, đều là giả và được đặt mua trên mạng”.
Theo thiếu tướng Tô Ân Xô, đối với trang phục lực lượng công an, quân đội, thì chỉ cơ quan có thẩm quyền được phép sản xuất, cấp phát. Mọi hành vi sản xuất, mua bán trái phép quân trang, quân dụng đều được xem là mua bán hàng cấm.
TRẦN TIẾN – THÁI SƠN
TNO