23/01/2025

Đà Lạt một lịch sử hoài niệm: Thành phố hương xa và gây nhớ

Đà Lạt một lịch sử hoài niệm: Thành phố hương xa và gây nhớ

Không phải tự nhiên mà đến một ngày, người Đà Lạt bỗng ưa sống với hoài niệm. Và cũng không phải tự nhiên người nhập cư, du khách yêu Đà Lạt cũng bị nhiễm ít nhiều đặc điểm tâm lý này.
Giờ chơi ở Trường Grand Lycée Yersin thập niên 1920 /// Ảnh: Raymond Chagneau
Giờ chơi ở Trường Grand Lycée Yersin thập niên 1920 ẢNH: RAYMOND CHAGNEAU
Khí chất, tâm tính của con người một đô thị chịu tác động bởi môi trường phong thổ đã đành, mà còn được chi phối bởi những khúc quanh lịch sử xã hội và được quy hướng bởi các biểu tượng văn hóa của đô thị ấy.

Từ nơi chốn xoa dịu hoài niệm

Người Pháp kiến tạo đô thị Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20, trong một hoàn cảnh đặc biệt: Cuộc khủng hoảng sức khỏe của người Pháp ở Đông Dương đến hồi trầm trọng. Chính quyền thuộc địa phải tìm những vùng cao có khí hậu ôn hòa để cứu vãn sinh lực cho giống dân da trắng trước sự dễ tổn thương bởi các căn bệnh nhiệt đới.
Nhưng sức khỏe cư dân Pháp ở Đông Dương chỉ là một phần đáng quan ngại của công cuộc thuộc địa. Chính quyền thuộc địa lúc ấy cũng nhận thấy tính chất dễ tổn thương trong tinh thần người Pháp trong khung cảnh xứ nhiệt đới cũng là một vấn đề hệ trọng. Cần can thiệp và xoa dịu nỗi hoài nhớ nước Pháp xa xôi bằng một môi trường đô thị mô phỏng kiểu Pháp trên vùng cao nguyên.
Những cuộc khảo sát cao điểm ở Đông Dương được triển khai. Và Yersin, với cuộc chinh phục cao nguyên Lang Bian vào ngày 21 – 22.6.1893 đã đặt một thành tựu. Ít năm sau đó, những đề xuất của ông về việc xây dựng một trạm nghỉ dưỡng được toàn quyền Đông Dương Paul Doumer tán thành.
Đà Lạt, như thế, được hình thành để đáp ứng nhu cầu phục hồi sinh lực và tinh tế hơn – xoa dịu nỗi hoài tưởng quê nhà của người Pháp ở xứ nhiệt đới. Ngay cái năm 1898, khi Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer phác lên trên mặt giấy giấc mơ về một tuyến đường sắt lên Lang Bian thì bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin đã có một dự cảm thú vị: “Rồi đây, trên Lang Bian, người Âu sẽ tìm thấy một vùng khí hậu nhắc nhở họ về nước Pháp. Nó chỉ cách Sài Gòn vài giờ tàu hỏa” (Báo cáo của bác sĩ Yersin, 1898 – 1899, Le sanatorium du Lang-Bian, Eric T.Jennings dẫn lại trong cuốn Đỉnh cao đế quốc). Ít năm sau đó, nông trại Dankia và hai nông trại Pháp khác bên trong thành phố đã có thể cung cấp rau quả châu Âu cho các bữa ăn Pháp. Trong một bản báo cáo gửi về Pháp, tướng Pennequin đã lạc quan nhận định rằng Đà Lạt mô phỏng được nước Pháp ở cả hai phương diện: khí hậu lẫn chế độ ẩm thực.
Mặc dù quá trình xây dựng đô thị Đà Lạt qua 4 giai đoạn quy hoạch trong thời Pháp thuộc (Ernest Hébrard: 1923; Louis Georges Pineau: 1932; H.Mondet: 1940 và Jacques Lagisquet: 1943) thường gây ra tranh cãi, nhưng có một điều không thể phủ định: Người Pháp ở Đông Dương vẫn xem Đà Lạt là một thành phố có cuộc sống thư nhàn lý tưởng và vì thế cần phải tô điểm. Điều này được cô đọng trong lý tưởng của kiến trúc sư Louis Georges Pineau: “Cần bảo vệ Đà Lạt khỏi sự xấu xí”.

Khi Yersin cũng “nhớ đến thời xa xôi”

Từ thuở kiến tạo, các lữ khách Pháp đến Đà Lạt ngày càng đông và đây là một thành phố xinh đẹp đủ để gây nhớ. Ngay trong thập niên 1910 – 1920 tại Paris đã xuất hiện rất nhiều bút ký mang màu sắc hoài niệm da diết của các sĩ quan, du khách đã du ngoạn Đà Lạt. Một thứ “hương xa” (exotic) từ phương Đông mang về cho nước Pháp là những câu chuyện đậm màu hoài niệm, ly kỳ, từ cảnh quan cho đến các cuộc săn bắn. Có thể kể đến: Pierre Dru, Gabrielle M.Vassal… hay sau đó là những hồi ức, ghi chép của bác sĩ Yersin, tác giả P.Munier, A.Baudrit trên tờ tuần san Indochine từ khoảng 1940 – 1945…
Đến như một nhà vi trùng học, nhà thám hiểm nhiều vùng đất mới trên xứ Đông Dương như Alexandre Yersin, khi nhắc đến Đà Lạt, ông cũng “sa đà” trong hoài niệm, ngay cả khi ông đang ở… giữa Đà Lạt vào thời điểm thành phố bước vào đỉnh cao của xây dựng. Đó là lần tham dự buổi lễ khánh thành Trường Grand Lycée Yersin và phát thưởng cho học sinh ưu tú của niên học 1934 – 1935 (vào ngày 28.6.1935), bác sĩ Yersin đã có bài đáp từ đậm chất thơ của hồi ức cá nhân về cuộc khám phá cao nguyên Lang Bian 42 năm về trước, có đoạn: “Các em khiến tôi hồi tưởng lại sự phát hiện cao nguyên Lang Bian vào tháng 6 năm 1893 trong một chuyến đi khảo sát với mục đích thám hiểm vùng rừng núi Nam Trung kỳ lúc bấy giờ hoàn toàn không ai biết đến.
Ấn tượng của tôi thật sống động khi vừa ra khỏi rừng thông, tôi đứng trên bờ của một cao nguyên mênh mông, trơ trụi và mấp mô có ba đỉnh núi Lang Bian chế ngự. Mặt đất nhấp nhô khiến tôi liên tưởng đến biển cả xao động vì một ngọn sóng khổng lồ như thỉnh thoảng thường thấy trên bờ biển miền Trung vào lúc trời sắp giông bão”.
Nơi chốn của hoài niệm, điều này thực sự đã được khởi đi từ chính người khám phá ra thành phố cao nguyên này: bác sĩ Yersin.
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
TNO