22/12/2024

Bảo vệ trẻ em trên mạng: Giám sát hay tự phòng vệ ?

Bảo vệ trẻ em trên mạng: Giám sát hay tự phòng vệ ?

Nhiều nước trên thế giới đã phản ứng việc một số nền tảng mạng xã hội lớn như YouTube, TikTok… vi phạm quyền an toàn trẻ em.
Video “troll” cô giáo trên kênh YouTube Hành tinh đồ chơi /// Ảnh: Chụp màn hình
Video “troll” cô giáo trên kênh YouTube Hành tinh đồ chơi ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Để “né” các lệnh trừng phạt, cuối năm 2019, YouTube đã thêm vào nội dung “tất cả người sáng tạo phải cho biết nội dung có dành cho trẻ em hay không nhằm tuân thủ đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng (COPPA) và các luật hiện hành khác”. Theo đó, các YouTuber phải đánh dấu nội dung của mình là dành cho trẻ em hay không trong YouTube Studio. Ngoài ra từ tháng 1.2020, YouTube cũng giới hạn dữ liệu mà hệ thống thu thập từ nội dung dành cho trẻ em và cắt quảng cáo ở một số nội dung không phù hợp.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều cách để những người phát triển nội dung trên YouTube, TikTok… cài cắm các nội dung dung tục, độc hại để thu hút người xem, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên – đối tượng dễ bị “nghiện” internet và thiếu khả năng tự phòng chống, bảo vệ nhất.
Số liệu năm 2019 của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) cho biết, thế giới có hơn 2,2 tỉ người dưới 18 tuổi, và cứ 3 người truy cập internet thì có 1 trẻ em. VN hiện có hơn 24 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Bất kỳ trẻ em nào truy cập internet đều chịu những nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt, dụ dỗ, lừa đảo qua mạng, thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng.
Báo cáo của Bộ TT-TT cũng cho hay dù hoạt động bảo vệ trẻ em đã ghi nhận một số kết quả, song vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như thiếu quy định, hướng dẫn triển khai cụ thể như quy định việc nhận dạng, dẫn đến khó khăn trong quản lý trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Đặc biệt, còn nhiều thông tin, hình ảnh, video clip xấu, độc đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em trên mạng.
Bộ TT-TT đã chủ trì, phối hợp với các bộ: LĐ-TB-XH, GD-ĐT, Công an xây dựng đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng” giai đoạn 2020 – 2025 để trình Chính phủ. Theo ông Hoàng Minh Tiến, Cục phó Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) – đơn vị thường trực tổ soạn thảo, đề án đã đề xuất những giải pháp để bảo vệ trẻ em, trong đó trọng tâm là công nghệ với ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện, cảnh báo nội dung gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, không thể cấm trẻ em dùng máy tính, điện thoại, vì vậy để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật, như xây dựng, phát triển các phần mềm cài đặt vào điện thoại, máy tính để giám sát thời lượng sử dụng máy của trẻ, đồng thời báo cáo những trang web và ứng dụng nào mà trẻ truy cập, gửi email về cho phụ huynh. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng không có phần mềm nào cấm, chặn một cách tuyệt đối mà cần quan tâm đến xu hướng “tự phòng vệ”, cha mẹ dành thời gian đối thoại với con cái, chia sẻ và định hướng về mặt thông tin để giúp con có ý thức hơn trong việc chọn lọc thông tin trên mạng. Ngoài ra, có thể nhờ đến các cố vấn như giáo viên, đường dây nóng bảo vệ trẻ em…
MAI HÀ
TNO