Trẻ em không miễn nhiễm với COVID-19, chỉ là triệu chứng chậm bộc lộ
Trẻ em không miễn nhiễm với COVID-19, chỉ là triệu chứng chậm bộc lộ
Virus corona có thể ở trong mũi và họng của trẻ em nhiều tuần mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Điều này có thể giải thích vì sao COVID-19 lây lan âm thầm, khó xác định được nguồn lây.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics hôm 27-8, các chuyên gia tại Hàn Quốc cho biết nhiễm trùng không rõ ràng ở trẻ em trong thời gian gần đây có thể liên quan đến sự lây nhiễm COVID-19 thầm lặng trong cộng đồng.
Nhóm chuyên gia phân tích dữ liệu ở 91 trẻ em không có triệu chứng, ít triệu chứng và có triệu chứng COVID-19 từ ngày 18-2 đến ngày 31-3 tại 22 trung tâm trên khắp Hàn Quốc.
20 em trong số này không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào trong giai đoạn nghiên cứu. 71 em có các triệu chứng mắc COVID-19.
Đặc biệt trong số ấy, 18 em ban đầu không có nhưng về sau lại xuất hiện triệu chứng bao gồm sốt, ho, tiêu chảy, đau bụng và mất khứu giác hoặc vị giác, cùng các biểu hiện khác.
Thời gian của các triệu chứng xuất hiện rất khác nhau, từ 1 đến 36 ngày.
Kết quả phân tích cho thấy virus corona có thể tồn tại trong đường hô hấp ở trẻ em không có triệu chứng trong 14 – 17,6 ngày trước khi được chẩn đoán xác định.
Quãng thời gian virus sống trong cơ thể các em thậm chí lâu hơn nghiên cứu đưa ra vì ngày lây nhiễm ban đầu không được xác định.
Như vậy, một số lượng lớn trẻ em bị nhiễm bệnh có thể sẽ bị bỏ sót khi sử dụng chiến lược xét nghiệm chỉ tập trung vào những bệnh nhân có triệu chứng. Hoặc việc xét nghiệm sẽ không thể chính xác do triệu chứng COVID-19 quá nhẹ hoặc ít có.
Trẻ em thường có ít hoặc không có triệu chứng của COVID-19 nhưng các em không miễn dịch với virus và vẫn có thể bị bệnh nặng. Việc kiểm tra những người bị phơi nhiễm chưa xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 là rất quan trọng, giúp xác định và hỗ trợ những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Đặc biệt, ở nhiều quốc gia hiện nay, trẻ em và cả người lớn không có triệu chứng có thể không cần xét nghiệm, ngay cả khi họ đã tiếp xúc gần với người được biết là mắc COVID-19. Điều này sẽ làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng trẻ em là nguồn lây lan COVID-19 chính và cũng cần nghiên cứu thêm trên một nhóm lớn trẻ em từ các nơi khác trên thế giới để xác định điều tương tự có xuất hiện hay không.
Mặc dù nghiên cứu ở phạm vi quy mô nhỏ nhưng phát hiện này đã bổ sung thêm bằng chứng về lý do tại sao việc siết chặt công tác khoanh vùng, truy tìm người tiếp xúc để tìm nguồn lây là một chiến lược chính để giảm thiểu sự lây lan của COVID-19.