23/01/2025

Học: Học cái gì? Để làm gì? Tại sao?

“Học nhi bất tư tắc võng”, nghĩa là học mà không nghĩ tất (như) không. Và “tư nhi bất học tắc đãi”, nghĩa là nghĩ mà không học thì bấp bênh.

Học: Học cái gì? Để làm gì? Tại sao?

Tác giả: Phạm Phú Khải

Một tài liệu với thủ bút của nhà bác học Albert Einstein. Hình minh họa.

Bài này xin được bàn về khái niệm học. Về dạy thì đó là một bài khác.

Thế nào là học?

Theo một tự điển (Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ) thì học là nhận sự dạy dỗ của người; sự bắt chước.

Theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức thì học là theo lời thầy hay sách dạy mà bắt chước, luyện tập cho quen; và kể lại, đọc đi đọc lại cho thuộc.

Tra cứu trên Google thì có một trang mạng hiện ra có vẻ chi tiết hơn. Trang mạng Vieclam123 nói về khái niệm học rõ hơn: Học hay còn gọi là học tập, học hỏi, là quá trình chúng ta tiếp thu và tiếp xúc thêm các kiến thức mới, kỹ năng mới, bổ sung trau dồi các kiến thức nâng cao từ các kiến thức cơ bản mà bản thân đã được học từ trước.

Định nghĩa trên chi tiết hơn nhưng vẫn còn khá giới hạn.

Tiếng Anh, theo tự điển Ofxord, thì học là thu nhận hay lấy được kiến thức hoặc kỹ năng (về một cái gì đó) bằng cách nghiên cứu, kinh nghiệm hoặc bằng cách được dạy; trở nên hiểu biết (điều gì đó) bằng thông tin hoặc từ quan sát. (Learn: gain or acquire knowledge of or skill in (something) by study, experience or by being taught; become aware of (something) by information or from observation.)

Qua khái niệm, hay định nghĩa trên, chúng ta thấy tư duy “học” của người Việt trước đến nay chủ yếu mang tính từ chương, bắt chước.

Trong khi đó, tiếng Hán có câu: “Học nhi bất tư tắc võng”, nghĩa là học mà không nghĩ tất (như) không. Và “tư nhi bất học tắc đãi”, nghĩa là nghĩ mà không học thì bấp bênh.

Tại sao học?

Có thể nói phần lớn cha mẹ Việt Nam muốn cho con đi học với lý do chính yếu là để có được mảnh bằng. Mà mảnh bằng đó, ngày xưa, giúp người làm quan, và ngày nay vẫn tiếp tục làm quan nếu là con ông cháu cha hoặc, ít ra, kiếm được công ăn việc làm.

Nhưng có nhất thiết học thì mới có thể kiếm được việc làm không?

Bill Gates, lúc 20 tuổi, lúc đó đang học Harvard năm thứ hai, quyết định nghỉ học để thành lập công ty Micro-Soft (viết tắt cho chữ Microcomputer và Software, sau này bỏ dấu ngang ‘-‘, thành Microsoft). Bill Gates trở thành một trong những người giàu có nhất thế giới sau này qua các sản phẩm và dịch vụ của công ty Microsoft.

Thomas Edison, không được học hành bao nhiêu, mà được xem là một trong những nhà sáng chế lớn nhất của Hoa Kỳ và có lẽ trên thế giới.

Henry Ford, người sáng lập hãng xe Ford Motor Company, sau này có cộng tác với Thomas Edison, trở thành một trong những người giàu có nhất nước Hoa Kỳ thời đó. Ông thật ra cũng không có bằng cấp chính quy gì cả.

Paul Keating: Cựu thủ tướng Úc, rất thông minh, nhạy bén, nhưng ông rời nhà trường lúc chỉ 14 tuổi.

Andrew Carnegie, cũng không được học hành hay có nền giáo dục chính quy nào cả. Sau này ông trở thành người đứng đầu bên ngành thép (Steel Industry), và trở thành một trong những người giàu có nhất Hoa Kỳ thời của ông. Trong 18 năm còn lại, ông cống hiến số tiền khổng lồ 350 triệu đô la, tương đương với 65 tỷ đô la bây giờ, cho từ thiện, các cơ sở tổ chức hoạt động và đại học.

Bao nhiêu người khác cũng thành công rực rỡ, đầy trí tuệ, nhưng không có bằng cấp gì cả.

Nói vậy thì có nghĩa sao? Không cần học, nhất là không cần đến trường học?

Vẫn cần chứ. Những vĩ nhân nói trên có thể họ không cần qua trường lớp, đại học chính quy, nhưng họ rất hiếm và chỉ là thiểu số. Tuy nhiên điều cần nhớ là họ vẫn học hỏi không ngừng nghỉ trong suốt quá trình trải nghiệm làm việc. Họ luôn đi tìm cái mới khi lý thuyết hoặc kiến thức chưa hiện hữu. Họ không hài lòng với những gì đã đạt được và muốn đi đến tận cùng của sự hiểu biết.

Ngoài ra, học, nhất là học chính quy, vẫn cần thiết cho đại đa số. Đa số con người cần có một hệ thống kiến thức căn bản làm vốn liếng nền tảng. Trước khi chúng ta làm ra kiến thức mới, hoặc chế tạo ra một cái gì mới, chúng ta cần có nền tảng kiến thức, và cần biết người khác đã sáng chế ra những thứ đó chưa. Nếu không, người ta dễ rơi vào tình trạng chế tạo ra những thứ mà người khác đã đi cách mình hàng chục, nếu không phải hàng trăm năm rồi. Nhưng vì thiếu thông tin, như ếch ngồi đấy giếng, mà cứ nghĩ mình là “đỉnh cao trí tuệ”, “dân chủ mình gấp vạn lần người khác”, thì thật là một điều khôi hài.

Học thế nào?

Vâng, ai cũng biết tại sao cần học. Nhưng nên học như thế nào?

Chắc chắn không có một công thức học nào thích hợp cho tất cả mọi người. Học, như tự điển Oxford nói, có ba trụ cột chính: nghiên cứu, kinh nghiệm hoặc được dạy.

Chỉ nội chuyện học, tức tự học thôi, đã có bao nhiêu quan nhiệm khác nhau rồi. Nghiên cứu cũng có thể tự học hoặc có thêm được phần hướng dẫn. Và đây cũng là lĩnh vực bao la.

Còn qua việc dạy, tức học từ người khác, từ thầy cô giáo, thì có bao nhiêu trường phái khác nhau và bao quát mà không thể nào nói hết được.

Học qua kinh nghiệm lại là một lĩnh vực rộng lớn khác. John Locke, một trong các triết gia đi đầu về trường phái này, đã tuyên bố rằng, ý tưởng là chất liệu của kiến thức và tất cả các ý tưởng đều đến từ kinh nghiệm [1]. Kiến thức bao gồm việc nhìn ra được sự đồng ý hay không đồng ý của các ý tưởng của chúng ta. Đồng ý, hay không đồng ý, là động thái tư duy, cho nên học là cả một tiến trình ý thức trong đó, để tiếp thu hay phủ nhận. Nó mang tính gạn lọc.

Sau đây là một số suy nghĩ mang tính đột phá hay cách mạng liên quan đến việc học từ nhà trường [2].

Nhà bác học Albert Einstein quan niệm rằng, óc hiếu kỳ, nghi vấn, luôn đặt câu hỏi (curiosity of inquiry) là quan trọng nhất trong tiến trình học. Tinh thần học hỏi này, ngoài sự kích thích, cần có sự tự do; không có tự do thì cho dù không thất bại, nó cũng chỉ kết thúc và hủy hoại mà thôi. Thật là một lỗi lầm nghiêm trọng nếu nghĩ rằng sự thích thú được nhìn thấy và tìm tòi có thể được đề cao bằng việc ép buộc hoặc vì tinh thần trách nhiệm. Theo Einstein, thì ép buộc, cưỡng bách đưa đến hệ quả tai hại. Kinh nghiệm của ông là, sau khi thi đậu các môn học cuối cùng, ông cảm thấy sự cân nhắc của mình về các vấn đề liên quan đến khoa học trở nên nhạt nhẽo và nó kéo dài nguyên năm.

Đối với triết gia Plato, kiến thức mà thu thập được bằng sự ép buộc thì không đứng vững trong óc con người.

Oscar Wilde, một nhà văn nổi tiếng khác của Mỹ, có một quan niệm cũng rất khác thường. Ông nói: “Giáo dục là một điều rất đáng ngưỡng mộ, nhưng thỉnh thoảng cũng cần nên nhớ rằng không có gì đáng để biết mà có thể được dạy.” Nói cách khác, những gì đáng để biết thì không phải do dạy hay do giáo dục mà ra, mà thật ra phải do chính mình tự tìm tòi học hỏi, dùng óc phán xét, hoài nghi của mình.

Còn Winston Churchill nói như sau: “Tôi thật chán ghét trường học, và một đời sống đầy âu lo khi tôi ở đó. Tôi đếm từng giờ để đến hết học kỳ, khi mà tôi có thể về lại nhà. Tôi lúc nào cũng thích học, nhưng không phải lúc nào cũng muốn được dạy.”

Câu chuyện học của Thomas Edison thì buồn thảm hơn. Ông nói: “Tôi nhớ rằng tôi không bao giờ có thể hòa hợp ở trường. Tôi đã ở cuối lớp.”

Một câu nói vô danh nhưng cũng rất hay: “Người sáng tạo thường hay có tinh thần nổi loạn. Người ấy là người sống sót sau một chấn thương được gọi là giáo dục.”

Mark Twain, một nhà văn nổi tiếng của Hoa Kỳ, cho rằng giáo dục chủ yếu bao gồm những gì mình quên đi từ những gì đã học. Tức bỏ đi những thứ rác rưởi, nhồi nhét, tuyên truyền, không thực nghiệm v.v…

Quan niệm của Mark Twain có phần lý thú: học và không học (learn and unlearn, xóa đi những gì đã học). Học là cả một tiến trình tư duy, có ý thức. Khi đã vào đầu rồi, muốn xóa bỏ nó cũng là điều khó. Điều này nói lên được vì sao các chế độ độc tài cứ nhồi nhét vào đầu óc trẻ em từ nhỏ, khi các em chưa thể ý thức hoàn toàn để gạn lọc những gì mình tiếp thu. Muốn lấy ra, “unlearn”, thì cũng cả một tiến trình ý thức. Đó là nguyên do vì sao bao nhiêu người đã từng theo cộng sản, tin vào chủ thuyết nghe rất lý tưởng của họ, và sau bao nhiêu năm trời nhìn thấy được những sai lầm dối trá của chế độ, đi ngược lại hết tất cả những lý tưởng và giá trị họ rêu rao, nhưng vẫn chưa thức tỉnh. Vẫn tiếp tục mong đợi. Vẫn ảo tưởng y chang như họ từng ảo tưởng về chủ thuyết cộng sản. Khi tiếp thu chủ nghĩa cộng sản, họ không tiếp thu bằng não lý trí (Pre-frontal Cortex) mà bằng não quản lý cảm xúc và sống còn (Limbic system). Cho nên khi bỏ nó, mà nó đã ăn sâu vào tiềm thức, thì đây là cả một tiến trình đầy ý thức và lắm đau khổ.

Học cái gì?

Sau khi biết tại sao cần học, nên học như thế nào, thì câu hỏi kế tiếp là nên học cái gì?

Học để có kiến thức, có mảnh bằng, như cha mẹ chúng ta mong muốn, nhưng để làm gì, ngoài kiếm việc làm? Kiếm việc làm thì chỉ để phục vụ cho chính cá nhân mình. Phục vụ cho con người, cho đất nước là một vấn đề khác nữa.

Số người Việt Nam đỗ đạt cao, có bằng tiến sĩ, thì rất nhiều. Thật ra, nó trở nên lạm dụng và lạm phát quá mức. Còn số người có sáng kiến, canh tân kiến quốc, thì được có là bao! Những vị tiến sĩ này có làm nên tích sự gì không, nhìn vào tình trạng giáo dục và dân tình của Việt Nam thì chắc chúng ta cũng phần nào đoán được.

Đối với giới trẻ Việt Nam, muốn quyết định học cái gì hôm nay, các bạn cũng nên có sự hiểu biết môi trường chung quanh và xu hướng chung của thế giới trong thời gian tới. Việt Nam, muốn hay không, cũng sẽ bị tác động sâu xa bởi địa chính trị và địa kinh tế trong vùng và thế giới.

Các bạn đã nghe về cuộc cách mạng công nghệ 4 hoặc 4.0 rồi.

Nó sẽ thay đổi sâu sắc cách suy nghĩ và làm việc của chúng ta trong vòng một hai thập niên tới, về mọi mặt đời sống.

Cuộc Cách mạng Công nghệ thứ Tư (the Fourth Industrial Revolution) đang ở trong giai đoạn đầu, cho nên ngay cả những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng không dám chắc nó sẽ diễn ra như thế nào. Những đột phá trong lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, người máy, xe không người lái, in ấn ba chiều, công nghệ siêu nhỏ (nanotechnology), công nghệ sinh học, máy tính lượng tử (quantum computer), lưu trữ năng lượng, vân vân…, cùng với những khả năng mà khoa học kỹ thuật hiện đang phục vụ cho hàng tỷ người trên thế giới có thể nối kết nhau ở mọi nơi mọi lúc, sẽ có khả năng thay đổi toàn diện các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị [3].

Cuộc Cách mạng Công nghệ 4 sẽ tiếp tục gây xáo trộn thị trường nhân dụng một cách sâu sắc. Lấy kỹ nghệ xe không người lái làm thí dụ. Tại Hoa Kỳ, dự đoán là đến năm 2030, 50% các loại xe thương mại như taxis, truck và bus sẽ hoàn toàn tự động không người lái, và đến năm 2040 thì tỷ lệ gia tăng lên 100%. Xe không người lái cho cá nhân thì phát triển chậm hơn, đến năm 2050 có thể chiếm 50% tổng số thị trường xe. Các loại xe thương mại không người lái tại Hoa Kỳ có thể làm mất bốn triệu công việc, trong đó có ba triệu tài xế xe truck (một công việc được xem là có thu nhập tốt nhất cho người không có bằng đại học), chưa kể bao nhiêu các dịch vụ và cơ sở thương mại để dừng chân ăn uống, nghỉ ngơi, vân vân, dọc các tuyến đường này [4].

Kỹ nghệ tự động (automation) qua người máy, qua trí tuệ nhân tạo, sẽ thay thế con người, phần lớn là các việc lao động hoặc không đòi hỏi tay nghề cao. Ước đoán có đến 30% công việc tại Anh có nguy cơ bị thay thế bởi tự động vào năm 2030, 38% tại Hoa Kỳ, 35% tại Đức và 21% tại Nhật. Cũng có có nghiên cứu khác ước đoán tỷ lệ thấp hơn.

Có nghiên cứu dự đoán hơn một nửa tất cả các công việc mà con người đang làm hiện nay có thể được tự động vào năm 2055 do những kỹ thuật sẵn có, và nó trị giá khoảng 15 ngàn tỷ đô la Mỹ lương bổng.

Vài kết luận

Có thể có người cho rằng 10 năm, 20 năm nữa mà, hơi đâu lo. Tới đâu tính tới đó. Tính xa quá bước không khỏi.

Đó là suy nghĩ chung của nhiều người hiện nay. Tư duy phổ biến của người Việt.

Đành vậy. Nhưng chọn con đường nào mang tính lâu dài cho mình và cho đất nước thì vẫn tốt hơn phải không ạ?

Nếu không có tư duy, viễn kiến, để đặt ra kế hoạch lâu dài, thì sau này chúng ta cũng có thể ân hận.

Mấu chốt của vấn đề là: Học để sống, hay để sống còn?

Sống cho có văn minh thì khác với sống còn.

Chúng ta nên đặt câu hỏi này ngay từ ban đầu, trước khi lấy quyết định quan trọng này.

Nguồn: Blog – VOA tiếng Việt (voatiengviet.com)


Tài liệu tham khảo:

1. “John Locke”, Stanford Encyclopedia of Philosophy; Accessed on 23 August 2020.

2. Peter Gray, “What Einstein, Twain, & Forty Eight Others Said About School”, Psychology Today, 26 July 2011.

3. Klaus Schwab, “The Fourth Industrial Revolution” – What It Means and How to Respond – Foreign Affairs, December 12, 2015. Theo Schwab thì cuộc Cách mạng Công nghệ Nhất dùng hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; cuộc Cách mạng Hai dùng điện để sản xuất hàng loạt; cuộc Cách mạng Ba dùng điện tử và kỹ nghệ tin học để tự động hoá sản xuất; còn cuộc Cách mạng Bốn dựa trên những thành tựu của thứ ba – cuộc cách mạng điện tử từ giữa thế kỷ trước – nhưng dung hợp các kỹ thuật sẵn có và làm nhoà đi lằn ranh giữa các khu vực vật lý, điện tử và sinh lý.

4. Jonathan Masters, “The Driverless Future” – Autopia or Dystopia? – Foreign Affairs, 17 August 2017; 4. The Economist, “Here, there and everywhere: Quantum technology is beginning to come into its own”, 9 March 2017.