23/01/2025

Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Đánh giá thông qua con số dễ nguỵ tạo

Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Đánh giá thông qua con số dễ nguỵ tạo

Trong kinh tế, không nước nào muốn “nhập siêu”. Nhưng hiện nay, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài trong việc đánh giá nghiên cứu khoa học.
Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Đánh giá thông qua con số dễ ngụy tạo
Phụ thuộc vào nước ngoài
Khoảng 10 năm trở lại đây đã có những thay đổi lớn trong hệ thống đại học (ĐH) ở Việt Nam. Các trường ĐH thuộc tốp đầu đều quan tâm nhiều hơn đến nghiên cứu khoa học, coi nghiên cứu khoa học như một nhiệm vụ của giảng viên. Nhà nước cũng có các chương trình đầu tư cho nghiên cứu khoa học thông qua Quỹ phát triển khoa học – công nghệ quốc gia (Nafosted). Gần đây đã bắt đầu xuất hiện quỹ tư nhân, như Vinif của Vingroup. Nguyên tắc làm việc của các quỹ này là tài trợ phi vụ lợi cho những nghiên cứu khoa học có ích cho sự phát triển kinh tế, xã hội và đất nước.

Nhà khoa học cần được trả lương xứng đáng

Việc nhà khoa học phải bươn chải kiếm sống là một điểm khác biệt rất lớn giữa Việt Nam so với thế giới. Ở Việt Nam, lương giảng viên căn bản là không đủ sống. Theo tôi, việc các trường ĐH trả lương cho nhà khoa học với giá rẻ mạt chính là hành vi bóc lột chất xám nghiêm trọng. Đây mới là nguồn gốc của vấn đề. Nếu được trả lương xứng đáng, mỗi nhà khoa học sẽ trân trọng nơi làm việc của mình và sẽ có rất ít nhu cầu ký thêm hợp đồng bên ngoài.
GS Phan Thành Nam (ĐH Ludwig-Maximlians, Đức)

Việc tài trợ nghiên cứu khoa học tất yếu dẫn tới yêu cầu đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học. Rõ ràng, bất kỳ đơn vị tài trợ nào cũng cần đánh giá được hiệu quả của các chương trình tài trợ. Đến đây, Việt Nam gặp bài toán khó, cũng như tất cả các nước đang phát triển khác, nền khoa học của chúng ta chưa tự đánh giá được mình! Đây không phải điều bất thường mà là thực tế của tất cả các nước chưa phát triển.

Để giải quyết bài toán tự đánh giá, cách chúng ta làm là sử dụng hệ tiêu chuẩn sẵn có ở nước ngoài. Điều này vừa hợp lý, vừa không hợp lý. Nó cũng giống như việc chúng ta nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài thì tự khắc sẽ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu đó. Trong kinh tế, không nước nào muốn “nhập siêu”. Nhưng hiện nay, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài trong việc đánh giá khoa học. Có thể đơn cử các hệ thống đánh giá khoa học thông qua chỉ số ảnh hưởng IF của WoS của Scopus hay các hệ thống đánh giá ĐH THE, QS, ARWU… Về cơ bản, các hệ thống này đều đánh giá chất lượng nghiên cứu hay đào tạo thông qua những con số. Mới nghe có vẻ khách quan, nhưng không phải lúc nào cũng chính xác và rất dễ ngụy tạo.

“Dây chuyền sản xuất” giữa “3 nhà”

Từ 200 năm nay, các nhà xuất bản (NXB) có đóng góp rất nhiều cho nhân loại qua việc quảng bá khoa học. Nhà khoa học tất nhiên là những người tạo ra khoa học, còn nhà trường là những nơi đào tạo ra nhà khoa học và cũng là nơi làm việc của họ. Đó là mô hình của xã hội phương Tây, về sau lan ra cả thế giới. Các trường ĐH tốt tại các nước tiên tiến đều có điểm chung là phi lợi nhuận và coi trọng nghiên cứu khoa học.
Nhưng ở Việt Nam, điều gì đã xảy ra xoay quanh “3 nhà” này?

Làm thế nào để các nhà khoa học ở Việt Nam có đủ thu nhập ?

Một câu hỏi lớn hơn, từ trước đến nay vẫn tồn tại, và càng trở nên nhức nhối hơn sau những ồn ào gần đây về việc “mua bán” bài báo khoa học, là: làm thế nào để các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, ở Việt Nam có đủ thu nhập và cảm nhận được sức lao động của mình được trân trọng, để họ không bao giờ phải dằn vặt trước lựa chọn mà họ biết là có thể vi phạm đạo đức khoa học. Một chiến lược đầu tư vào khoa học và con người đúng đắn không chỉ có tác dụng ngăn chặn các hành vi gian dối trong nghiên cứu, mà còn có ảnh hưởng dài hạn trong phát triển khoa học và phát triển đất nước.
GS Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago, Mỹ)

Các giảng viên, nhà khoa học cần phải có công bố khoa học, nhằm nghiệm thu đề tài nghiên cứu để được cấp nguồn tài chính khá quan trọng, giúp họ tồn tại và làm việc như một nhà khoa học. Lý do là lương cơ bản của họ không đủ sống, hoặc chỉ đủ để tồn tại. Đây là khác biệt quan trọng giữa Việt Nam và các nước phát triển. Ở các nước phát triển, lương trả cho một giảng viên ĐH luôn đủ để sống một cách sung túc, cho dù không giàu có. Kinh phí nghiên cứu khoa học nếu có là để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, không phải trả lương. Ở Việt Nam thì sử dụng mô hình “bù quỹ vào lương”, nhưng mô hình này đang bị lạm dụng.

Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Đánh giá thông qua con số dễ ngụy tạo - ảnh 1
Một cách “lách luật” trong mô hình “bù quỹ vào lương” là tìm cách công bố trên những tạp chí chất lượng thấp. Đây không phải thực tế của riêng Việt Nam mà của tất cả các nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ… Trong cơ chế thị trường, một số NXB đánh hơi được nhu cầu “xuất bản dễ” từ giới khoa học, nên họ xây dựng các tạp chí đáp ứng nhu cầu này. Với nhiều mẹo mực, các NXB này không khó khăn gì để đáp ứng tiêu chí về chỉ số trích dẫn để có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng Web of Science (WoS), Scopus. Sau khi đã có được thứ hạng, họ thu lợi bằng cách “bán bài”. Giá đăng bài trên một tạp chí như vậy dao động từ 500 – 2.000 USD, phụ thuộc vào chỉ số trích dẫn – thứ hạng của tạp chí.
Một số trường ĐH cũng muốn thăng hạng nhanh chóng. Để phục vụ cho mục tiêu thăng hạng đó, họ “mua bài”. Họ ký “hợp đồng làm việc” với các nhà khoa học không hề liên quan gì đến mình, không nghiên cứu, không giảng dạy, chỉ với một điều kiện: ghi địa chỉ của trường vào trong công bố. Có trường còn “sát ván” hơn, không chỉ muốn thăng hạng mà còn “rút ruột đối thủ” – chỉ trả tiền cho những công bố mà tác giả chính ghi duy nhất địa chỉ nhà trường. Đến mức này thì rõ ràng là cạnh tranh rất không lành mạnh.
Chúng ta thấy đang có một “dây chuyền sản xuất” bao gồm các trường “mua bài” để có thành tích ảo, các NXB vụ lợi tạo ra các tạp chí dễ dãi về chất lượng để “bán bài” và các nhà khoa học tiếp tay, hưởng lợi từ những hoạt động trên.

Lỗi ở đâu ?

Chìa khóa cho sự trỗi dậy của dân tộc Việt Nam nằm ở đào tạo ĐH. Chất lượng đào tạo ĐH nằm ở trình độ và đạo đức của các giảng viên ĐH. Mà giảng viên thì phải nghiên cứu khoa học, bởi tinh thần của giáo dục ĐH là khai phóng. Sinh viên không chỉ học kiến thức mà quan trọng hơn là học cách tư duy, sáng tạo. Nếu người thầy không nghiên cứu, không suy nghĩ sáng tạo mỗi ngày thì không thể truyền đạt cho người học tinh thần sáng tạo được.
Nhiệm vụ của trường ĐH là đào tạo học sinh sau khi rời ghế nhà trường phổ thông trở thành những người nắm được các kiến thức khoa học để phục vụ xã hội, để họ là động lực chính đưa xã hội phát triển. Trách nhiệm xã hội của người thầy vì thế càng cao hơn, nếu anh không muốn gánh trách nhiệm đó, đừng làm thầy nữa. Nếu ai đó muốn trở nên giàu có, anh ta có nhiều nghề để chọn, chứ không nên chọn nghề tạo ra và truyền bá tri thức.
Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Đánh giá thông qua con số dễ ngụy tạo - ảnh 2

Nhiều báo khoa học của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là sự “hợp tác”, mua bán từ các tác giả người nước ngoài  ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Nhưng để xảy ra điều này, tôi cho rằng lỗi chính nằm ở các cơ quan quản lý cấp bộ, rồi đến cấp quản lý các trường ĐH, viện nghiên cứu. Lỗi của các cơ quan này là chưa tạo được môi trường khoa học lành mạnh, có cơ chế đánh giá công bằng, khiến thật giả lẫn lộn; người làm khoa học một cách có trách nhiệm (không chỉ với chuyên môn mà còn với xã hội) không có động lực phấn đấu. Vì vậy, rất cần các cơ quan quản lý như Bộ GD-ĐT, Bộ KHCN gấp rút xây dựng quy định pháp lý để ngăn chặn triệt để các hành vi mua bán bài để có thành tích ảo, loại bỏ các NXB không có chất lượng và chạy theo lợi nhuận trong bất cứ quy định nghiệm thu, đánh giá khoa học nào. Có như thế mới động viên được những lao động khoa học nghiêm túc, làm khoa học với tinh thần đóng góp cho xã hội, chứ không phải chỉ để có lợi cho bản thân.
Mặt khác, trong khi chưa xây dựng được cơ chế tiền lương hợp lý cho nhà khoa học, nhà nước cần đầu tư nhiều hơn vào quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đồng thời tiếp tục cải tổ hoạt động của quỹ theo hướng đánh giá khoa học thực chất hơn, thông qua chuyên gia cùng lĩnh vực; làm sao để những nhà khoa học có thể sống tốt nhờ lao động khoa học đích thực của mình.

GS Phùng Hồ Hải

TNO