23/01/2025

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1: Các thành phố lớn gặp khó

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1: Các thành phố lớn gặp khó

Sĩ số học sinh tăng mạnh không đảm bảo theo quy định, thiếu giáo viên… là những vấn đề các thành phố lớn gặp phải khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ lớp 1.
Năm học mới 2020 - 2021 bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ lớp 1 /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Năm học mới 2020 – 2021 bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ lớp 1 ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ngày 25.8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai nhiệm vụ năm học mới với giáo dục tiểu học. Các ý kiến tại hội nghị tập trung bàn về điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1.

Học sinh tăng cơ học quá nhiều

Tại hội nghị, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho biết các địa phương đã tăng tỷ lệ học sinh (HS) được học 2 buổi/ngày, hiện nay tỷ lệ này đạt 80,1% (năm học trước đạt 74,8%). Về sĩ số HS/lớp, tỷ lệ bình quân là 31. Tuy nhiên, ông Tài cũng cho rằng việc quy hoạch mạng lưới trường lớp còn gặp nhiều khó khăn, sĩ số HS chưa đảm bảo theo quy định, đặc biệt là ở các TP đông dân.
Năm học mới, nhiều quận tại TP.HCM tăng sĩ số học sinh tiểu học/lớp khiến việc áp dụng chương trình mới không thuận lợi ẢNH: NGUYỄN LOAN

Năm học mới, nhiều quận tại TP.HCM tăng sĩ số học sinh tiểu học/lớp khiến việc áp dụng chương trình mới không thuận lợi  ẢNH: NGUYỄN LOAN

 

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nêu khó khăn là dân số tăng cơ học rất nhanh, trường lớp không đáp ứng kịp. Do vậy, sĩ số HS tiểu học không thực hiện được 35 HS/lớp theo quy định. Để học 2 buổi/ngày, Hà Nội phải “ép” sĩ số xuống dưới 50 HS/lớp. Tuy nhiên, năm học vừa qua, Hà Nội vẫn có gần 1.000 lớp ở tiểu học có 55 HS/lớp trở lên, hơn 2.000 lớp có sĩ số từ 50 HS/lớp trở lên. “Đây là một trong những khó khăn mà chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT tham mưu với Chính phủ để có chỉ đạo, quan tâm đầu tư các nguồn lực, đất đai, cơ sở vật chất cho trường lớp để có thể đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện các quy định về sĩ số HS/lớp của điều lệ trường tiểu học”, ông Tiến nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đang rất trông chờ Bộ ban hành điều lệ trường tiểu học. Nêu vấn đề sĩ số, cơ sở vật chất trường lớp, đại diện TP.HCM dẫn chứng việc quá tải HS vào lớp 1 ở Q.12 khiến thành phố chỉ đạo quyết liệt phải giải quyết chỗ học cho tất cả HS lớp 1. “Do vậy, phải có yêu cầu từ phía Bộ GD-ĐT, để địa phương quyết liệt hơn nữa trong công tác quy hoạch trường lớp”, ông Hoàng nói.

Thiếu gần 10.000 giáo viên

Ông Thái Văn Tài cho biết kết thúc năm học 2019 – 2020, toàn quốc có 403.000 giáo viên (GV) tiểu học, tăng so với năm học trước gần 5.000 GV, tỷ lệ trung bình GV/lớp ở cấp tiểu học là 1,41 (năm học trước là 1,38), cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ GV/lớp không đồng đều giữa các vùng miền, ở những “vùng trũng” chỉ khoảng hơn 1,3 GV/lớp.

Chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT tham mưu với Chính phủ để có chỉ đạo, quan tâm đầu tư các nguồn lực, đất đai, cơ sở vật chất cho trường lớp để có thể đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện các quy định về sĩ số HS/lớp của điều lệ trường tiểu học

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội
Ông Phạm Xuân Tiến chỉ ra rằng chương trình mới bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày, trung bình mỗi ngày sẽ có 7 tiết học, 1 tuần là 35 tiết, cộng với công tác chủ nhiệm 2 buổi/ngày thì số lượng tiết dạy theo tuần sẽ là 41 tiết.
Nếu chia theo định mức mỗi GV không dạy quá 21 tiết/tuần thì cần tới 1,8 GV/lớp. Tuy nhiên, thông tư về định mức GV hiện nay mới chỉ có tối đa là 1,5 GV/lớp. Lâu nay, Hà Nội vẫn cho phép thu hỗ trợ việc học 2 buổi/ngày với HS tiểu học là 100.000 đồng/tháng/HS. Vậy nếu chương trình mới quy định việc dạy học 2 buổi/ngày là bắt buộc thì phải xem xét lại thông tư về định mức GV/lớp với tiểu học để làm sao cho đủ đội ngũ GV dạy học 2 buổi/ngày mà không thu hỗ trợ của HS, nếu không ngân sách nhà nước sẽ phải hỗ trợ để đảm bảo định mức như hiện nay.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết tăng 5.000 GV rồi nhưng cấp tiểu học còn thiếu khoảng gần 10.000 GV nữa. Bộ sẽ tiếp tục cùng Bộ Nội vụ để tham mưu thêm về biên chế GV.
Tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng vấn đề GV phải có “chùm giải pháp”, nhìn vào tổng thể mới khắc phục được tình trạng thiếu GV chứ không chỉ sửa thông tư về định mức GV. Rà soát căn cứ nội dung và yêu cầu của chương trình theo lộ trình đổi mới giáo dục để xây dựng đề án phát triển đội ngũ GV và cán bộ quản lý của địa phương ổn định trong 5 năm.

“Phải thắng trận lớp 1” !

Ông Trần Văn Hòa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, có phát biểu gây chú ý tại hội nghị khi quyết liệt nói đổi mới chương trình SGK lớp 1: “Trận này là phải thắng. Lớp 1 là nền, là tảng, nếu nền không xong, tảng không vững thì xây ngôi nhà giáo dục được vài lớp là sụp đổ. Do vậy, trận này là phải thắng”.
“Đường đổi mới chương trình SGK còn rất dài, hơn chục năm nữa. Đây là việc rất khó nhưng bắt buộc chúng ta phải đổi mới, không có con đường lùi để hơn 10 năm nữa chúng ta có một thế hệ HS đáp ứng yêu cầu 4.0”, ông Hòa chia sẻ.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Bậc nền tảng mà không làm tốt để càng lên cao càng chắp vá thì nguy hiểm. Bậc tiểu học rất cần chi tiết; chỉ đạo thực hiện tốt được bậc học này thì mới có thể yên tâm với cấp học tiếp theo. Do đó, đề nghị địa phương rất quan tâm cấp học này, đặc biệt là cấp tiểu học”.
Ông Nhạ nhận định đến nay chỉ có vấn đề ở việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày mà một số nơi còn khó khăn, và tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng đến một số địa phương khiến chúng ta có thể phải dạy học trực tuyến, còn lại cơ bản chúng ta đã chuẩn bị rất chu đáo.
Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng áp lực trường lớp, thiết bị là vấn đề rất lớn đối với bậc tiểu học, nhất là ở những thành phố lớn khi tình trạng HS đông và tăng nhanh. “Một số địa phương do áp lực dân số cơ học tăng nhanh rất khó dự đoán được số lượng HS để lên kế hoạch xây dựng trường lớp nên gặp áp lực rất lớn. Nhưng HS đã đến độ tuổi là phải được vào lớp 1, không được để em nào đến tuổi đi học không có lớp, có trường”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Sĩ số lớp đông, chất lượng giáo dục sẽ giảm

Là một trong những địa phương có dân số đứng đầu cả nước, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết vấn đề trường lớp, sắp xếp chỗ học cho HS lớp 1 đang rất nóng ở TP.HCM trong những ngày gần đây, nhất là sau vụ hàng ngàn học sinh ở Q.12 có nguy cơ không được vào lớp 1 vì thiếu trường lớp. Hiện UBND TP đã chỉ đạo nhận hết số HS này, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.
Nhiệm vụ sắp tới của bậc tiểu học là sẽ tiếp tục triển khai chương trình mới ở lớp 2. Năm nay với số lượng HS lớp 1 đông như hiện tại thì những năm tới ngành giáo dục thành phố sẽ tiếp tục gặp áp lực lớn trong bài toán về trường, lớp.
“Đối với những trường không đủ điều kiện tổ chức 2 buổi/ngày thì cũng đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ thời lượng như nội dung bắt buộc. Những nội dung mang tính tự chọn thì có thể cân nhắc thực hiện”, ông Hoàng chia sẻ.
Theo ông Hoàng, năm học này TP.HCM có 3.734 lớp 1. Đến thời điểm này, có thể khẳng định 100% HS trong độ tuổi ở thành phố sẽ được học lớp 1, tuy nhiên ở nhiều nơi sĩ số HS trên mỗi lớp rất đông, có nơi từ 50 em/lớp.
Trước thực tế này, ông Phùng Xuân Nhạ cũng nhìn nhận: “Theo quy định trong điều lệ tiểu học, mỗi lớp tối đa chỉ 35 em thì GV mới nắm bắt được tình hình của HS. Nhưng vì áp lực dân số, có những nơi có trên 50, thậm chí tới 60 em/lớp nên chất lượng giáo dục giảm rất nhiều, GV cũng rất vất vả khi phải dạy học với sĩ số đông như thế này”.
Nguyễn Loan
TUỆ NGUYỄN
TNO