24/01/2025

Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Dán nhãn mác giả trong công bố khoa học

Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Dán nhãn mác giả trong công bố khoa học

Hoạt động nghiên cứu khoa học không phải là chi tiền mua các công trình nghiên cứu của người khác về làm ‘vốn’ của mình. 

 

 /// MINH HỌA: DAD
MINH HỌA: DAD
Đó là cách làm của bệnh thành tích ảo, cần phải được ngăn chặn tận gốc để nghiên cứu khoa học phát triển lành mạnh và bền vững…

Chi tiền mua danh hão

Việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng trả tiền cho các cán bộ không phải của trường để họ ghi vào trong công bố khoa học của họ địa chỉ tác giả ở trường này chẳng khác gì mua hàng ở Trung Quốc về rồi gắn mác Việt Nam.
Những năm gần đây, hoa quả Trung Quốc thường vô tư đội lốt hàng Việt Nam để bán được hàng. Chuyện này có thể bị phạt hành chính vì tội lừa dối người tiêu dùng.
Tinh vi hơn là bán hàng loạt đồ điện tử có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng lại gắn mác “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Những vụ việc này đã bị cáo buộc gian lận thương mại. Để tránh tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, nhà nước đã ban hành Nghị định về nhãn hàng hóa quy định hàng hóa phải gắn nhãn mác ghi rõ xuất xứ nơi sản xuất.
Rất tiếc là trong công bố khoa học gần đây cũng xảy ra những chuyện tương tự việc giả mạo nhãn mác.

“Mua bài” của các nhà khoa học trong và ngoài nước

Công bố khoa học được xem là một trong những thước đo trình độ phát triển khoa học công nghệ của một quốc gia. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam hằng năm đã tăng gần 5 lần, từ 1.764 năm 2009 lên đến 8.234 năm 2018. Đến năm 2019 thì con số này đã là 11.461 bài báo, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2018. Một trong những nguyên nhân cơ bản là Chính phủ và xã hội đã dần coi công bố khoa học là tiêu chuẩn đánh giá trình độ các nhà khoa học (cấp học vị, phong học hàm, xét duyệt đề tài…).
Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Dán nhãn mác giả trong công bố khoa học - ảnh 1

Bài báo gần đây đăng trên MDPI có ghi địa chỉ tác giả ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng đều là người nước ngoài  ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Tuy nhiên, có những hiện tượng không thể giải thích được. Ví dụ như Trường ĐH Tôn Đức Thắng có số công bố quốc tế vượt hẳn Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, là cơ quan bao gồm rất nhiều viện nghiên cứu khoa học cơ bản hàng đầu trong nước. Tìm hiểu sự việc thì thấy hầu hết tác giả người Việt của các công bố quốc tế của Trường ĐH Tôn Đức Thắng lại không phải là cán bộ của trường ĐH này. Các tác giả đó là cán bộ cơ hữu của nhiều trường ĐH và viện nghiên cứu trong cả nước. Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã trả tiền cho các cán bộ đó để họ ghi vào trong công bố khoa học của họ địa chỉ tác giả ở trường. Chuyện này chẳng khác gì anh mua hàng ở Trung Quốc về rồi gắn mác ở Việt Nam. Vì công bố khoa học không phải là hàng hóa, nên việc này được tiến hành thông qua các hợp đồng làm việc, trong đó nghĩa vụ duy nhất là công bố quốc tế có ghi địa chỉ ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thậm chí còn chỉ dẫn cách ghi địa chỉ thế nào để có vẻ là cán bộ của một nhóm nghiên cứu của họ. Các tác giả này cũng chẳng cần thiết phải đến giảng dạy hay nghiên cứu ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Lẽ ra phải ghi xuất xứ bài báo là địa chỉ cơ quan công tác của tác giả.
Nếu chỉ “mua bài” của các nhà khoa học trong nước không thôi, cách làm này cũng không thể đem lại cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng một số lượng công bố lớn như vậy. Vấn đề là phần lớn các công bố khoa học của Trường ĐH Tôn Đức Thắng có tác giả ở nước ngoài, nhưng vẫn ghi địa chỉ ở trường. Hầu hết các tác giả nước ngoài đều đang làm việc ở các nước Bắc Phi, Ả Rập, Trung cận Đông, Nam Á và Đông Nam Á, thậm chí ở cả những đất nước còn đang bất ổn như Iraq hay Iran nên khó lòng đến Việt Nam được.

Giá trị ảo

Như vậy, số lượng công bố quốc tế của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là con số ảo, bao gồm cả những công bố quốc tế không được thực hiện tại Việt Nam. Thành tích công bố quốc tế của Việt Nam cũng vì thế cần phải đánh giá lại. Nếu chấp nhận kiểu làm này của Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì Chính phủ chỉ cần bỏ tiền mua công bố khoa học của các tác giả nước ngoài là Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về khoa học ngay. Tiền của bỏ ra chỉ để mua về cái danh hão.
Bài báo gần đây đăng trên MDPI có ghi địa chỉ tác giả ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng đều là người nước ngoài ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Danh sách các tác giả bài báo khoa học quốc tế của Trường ĐH Tôn Đức Thắng có nhiều người nước ngoài dưới danh nghĩa là của trường này  ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Chưa kể chất lượng công bố khoa học của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng có vấn đề. Gần đây, có hàng loạt tạp chí khoa học ra đời theo trào lưu truy cập mở, có nghĩa là các ấn phẩm chỉ tồn tại trên mạng, ai cũng đọc được, nhưng tác giả phải trả tiền mới được đăng. Có một số nhà xuất bản lợi dụng trào lưu này để kiếm tiền nên được quốc tế gọi là “xôi thịt” (dịch thoát nghĩa của từ predatory tiếng Anh). Đặc điểm chung phần lớn tạp chí của các nhà xuất bản này là quá trình xét duyệt bản thảo rất nhanh và rất dễ được đăng. Càng đăng nhiều bài thì họ thu được càng nhiều tiền. Có thể thấy ngay là chất lượng các công bố ở đây không được đảm bảo. Có nhà xuất bản MDPI mới ra đời năm 2010 nhưng đã có 262 tạp chí. Nó đã từng lọt vào một danh sách những nhà xuất bản “xôi thịt” của quốc tế và bị tố cáo là việc xét duyệt đăng bài được quản lý bởi những người không có chuyên môn ở Trung Quốc. Về chất lượng các công bố trên MDPI, có thể tham khảo wikipedia: https://en.wikipedia.org/wiki/MDPI.
Nếu tra cứu trang mạng của MDPI sẽ thấy Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 705 công bố ở đây từ năm 2016, trung bình hơn 150 bài mỗi năm, riêng từ đầu năm 2020 đến nay là 272 bài.
Để minh chứng chuyện này, hãy xem bài báo mới gần đây đăng trên MDPI có ghi địa chỉ tác giả ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng: https://www.mdpi.com/2073-4441/12/8/2294.
Bài báo này gửi đăng ngày 10.7.2020, chữa ngày 4.8.2020, nhận đăng ngày 7.8.2020, cho thấy thời gian phản biện rất ngắn. Bài báo có 6 tác giả đều ở nước ngoài: 4 người ở Iran (trong đó có 2 người ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, 1 người ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân), 1 người ở Iraq, 1 người ở Pháp.
Người đọc có thể tự hỏi tại sao Trường ĐH Tôn Đức Thắng lại làm như vậy? Việc này có giúp gì cho việc giảng dạy đâu? Chỉ có thể đoán là nó sẽ giúp Trường Tôn Đức Thắng có thêm chỉ tiêu tuyển sinh và thu hút được nhiều sinh viên hơn. Nhưng như vậy chả khác gì chuyện giả mạo nhãn mác để bán hàng kém chất lượng. Đấy là chưa kể tội lãng phí tiền bạc của Việt Nam đem trả cho các tác giả ở nước ngoài. Bộ GD-ĐT cần xem xét chuyện này một cách nghiêm túc, không để cho con vi rút này lan ra nhiều trường ĐH khác. (còn tiếp)

Không thấy tác giả của các nước phát triển

Theo một giáo sư Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, tìm hiểu về các tác giả quốc tế đã viết bài về công nghệ thông tin cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ông nhận thấy rất nhiều bài ghi địa chỉ trường này gồm 4 hoặc 5 tác giả nước ngoài, không có tác giả Việt Nam, trong đó có một vài người chỉ ghi địa chỉ Trường Tôn Đức Thắng. Có bài ghi nhận tài trợ của Trường Tôn Đức Thắng, có bài ghi nhận tài trợ của trường ĐH nước khác. Điều đặc biệt, ông không thấy tác giả từ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng mà toàn là từ các nước đang phát triển…
Quý Hiên

Giáo sư Ngô Việt Trung

(Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam)

TNO