Bạn có đang mắc kẹt với mối quan hệ gia đình, tình bạn hời hợt?
Bạn có đang mắc kẹt với mối quan hệ gia đình, tình bạn hời hợt?
Nhiều mối quan hệ của chúng ta được xây dựng trên nền tảng những cuộc trò chuyện hời hợt dù chúng ta đều khao khát tình bạn, tình thân sâu sắc.
Thử nhớ lại xem bao nhiêu lần chúng ta duy trì đối thoại bằng cách tìm và nói về người thứ ba nào đó, hay thời tiết, hay huyên thuyên về những thứ không ý nghĩa? Chúng ta làm điều này vì mối quan hệ đó về cơ bản là không ổn định và khi thấy cả hai ghét hoặc thích cùng một đối tượng có vẻ sẽ làm nó bớt căng thẳng.
Tiến sĩ Kathleen Smith, nhà trị liệu, giảng viên Trung tâm Bowen về Nghiên cứu Gia đình ở Washington (Mỹ), viết trên PT rằng hầu hết chúng ta không muốn mối quan hệ chỉ toàn các cuộc trò chuyện hời hợt trên bề mặt.
Chúng ta khao khát những mối quan hệ chúng ta có thể nói về niềm tin và trải nghiệm của mình, ngay cả khi chúng ta cực kỳ khác biệt. Chúng ta muốn được thành thật về việc chúng ta đang thật sự ra sao, những gì chúng ta mong mỏi, mà không khiến người khác căng thẳng, cố gắng điều chỉnh hoặc dần xa chúng ta.
Kathleen Smith đưa ra quan điểm của cha đẻ tâm lý trị liệu gia đình – tiến sĩ Murray Bowen, cho thấy, phát triển mối quan hệ trong đó ta được là chính bản thân mình sẽ khiến ta trưởng thành hơn.
|
Nhưng làm thế nào để biết liệu ta có những mối quan hệ tốt đẹp như vậy không? Hãy thử kiểm tra xem trong mối quan hệ đó bạn có làm được những điều dưới đây hay không, theo PT:
– Có thể nói về niềm tin và trải nghiệm của bạn.
– Không tập trung vào tin đồn hoặc quan tâm về một người thứ ba.
– Không dựa vào các chủ đề bâng quơ, không cảm xúc để duy trì cuộc trò chuyện.
Chẳng có gì sai khi bình luận về thể thao, “nói xấu” giáo viên, nhắc đến chính trị… Nhưng khi chúng ta sử dụng những chủ đề trò chuyện này để cảm thấy bớt nhạt, bớt bối rối trong mối quan hệ thì có lẽ chúng ta đang bỏ lỡ những điều làm nên mối quan hệ mật thiết hơn.
Vậy có bao nhiêu mối quan hệ của bạn đang thiếu chiều sâu như thế? Hãy xem xét những câu hỏi sau:
– Có bao nhiêu mối quan hệ gia đình của bạn dựa trên các chủ đề hời hợt, hoặc lo lắng về một thành viên khác trong gia đình?
– Có bao nhiêu mối quan hệ công việc của bạn được xây dựng dựa trên việc phàn nàn về sếp hoặc đồng nghiệp?
– Có bao nhiêu tình bạn của bạn được duy trì bằng cách buôn chuyện về những người quen cũ hoặc người nổi tiếng?
– Hôn nhân của bạn tập trung vào con cái bao nhiêu phần?
Suy cho cùng, phát triển mối quan hệ sâu sắc như mong muốn là định rõ chính mình trước người khác.
Càng được là chính bản thân mình trong các mối quan hệ, ta càng dễ dàng tham gia vào cuộc trò chuyện thân mật, có ý nghĩa mà không cảm thấy bị đe dọa hoặc trở nên phòng thủ.
Thật buồn vì gia đình có thể là nơi khó khăn nhất để phát triển các loại mối quan hệ này. Chúng ta thường chia sẻ được chỉ với bố hoặc mẹ nhưng không như thế với người còn lại. Nhiều mối quan hệ anh chị em được xây dựng dựa trên việc nói về cha mẹ hoặc lo lắng về một thành viên khác trong gia đình, theo PT.
Đọc đến đây, hãy nghĩ về ai đó mà bạn muốn phát triển mối quan hệ sâu sắc này cùng họ. Tưởng tượng sẽ như thế nào nếu bạn chia sẻ về bản thân bạn với họ (không phải về bạn của bạn, con của bạn, không phải thời tiết…)? Và hành động. Lưu ý, chia sẻ suy nghĩ với người khác có thể tạo ra sự căng thẳng. Nhưng đây là sự lo lắng liên quan đến con đường để ta trưởng thành hơn, và nó là cần thiết trong xây dựng các mối quan hệ bền lâu, gắn bó, chân thành, có thể vượt qua khác biệt và bất đồng.
TẠ BAN
TNO