ĐTC Phanxicô: Giáo lý: “Chữa lành thế giới”
Bài 3: Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo và nhân đức bác ái
Đại dịch đã phơi bày số phận của người nghèo và sự bất bình đẳng lớn lao đang thống trị thế giới. Và virút, trong khi không biệt ai với ai, đã tìm thấy nhiều bất công và phân biệt đối xử lớn lao, trong cuộc tấn công tàn phá của nó. Và nó đã làm chúng trở nên tồi tệ hơn!
POPE FRANCIS
GENERAL AUDIENCE
Library of the Apostolic Palace
Wednesday, 19 August 2020
ĐTC Phanxicô: Giáo lý: “Chữa lành thế giới”
Bài 3: Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo và nhân đức bác ái
Theo tin Tòa Thánh, sáng thứ Tư, 19 tháng 8 năm 2020, lúc 9 giờ 30, từ Thư Viện của Tông Điện Vatican, Đức Phanxicô đã đọc bài giáo lý thứ ba của ngài thuộc đợt Giáo Lý Chữa Lành Thế Giới nhân mùa đại dịch Covid-19, nhấn mạnh tới nguyên lý “ưu tiên chọn người nghèo và đức ái”:
Anh chị em thân mến,
Chúc một ngày tốt lành!
Đại dịch đã phơi bày số phận của người nghèo và sự bất bình đẳng lớn lao đang thống trị thế giới. Và virút, trong khi không biệt ai với ai, đã tìm thấy nhiều bất công và phân biệt đối xử lớn lao, trong cuộc tấn công tàn phá của nó. Và nó đã làm chúng trở nên tồi tệ hơn!
Do đó, có hai phản ứng đối với đại dịch. Một mặt, điều cần thiết là tìm ra phương pháp chữa trị cho loại virus nhỏ bé nhưng khủng khiếp này, thứ đã khiến cả thế giới phải quỳ gối. Mặt khác, chúng ta cũng phải chữa trị một loại virut lớn hơn, tức sự bất công xã hội, bất bình đẳng về cơ hội, bị gạt ra ngoài lề xã hội và việc thiếu bảo vệ cho những người yếu nhất. Trong phản ứng kép này để chữa lành, có một lựa chọn mà theo Tin Mừng, không thể nào thiếu được: đó là ưu tiên chọn người nghèo (xem Tông huấn Evangelii gaudium [EG], 195). Và đây không phải là một lựa chọn chính trị; cũng không phải là một lựa chọn ý thức hệ, một lựa chọn đảng phái… không. Ưu tiên chọn người nghèo nằm ở tâm điểm Tin Mừng. Và người đầu tiên làm điều này là Chúa Giêsu; chúng ta đã nghe điều này trong Thư gửi tín hữu Côrintô được đọc lúc khởi đầu. Vì Người giàu có, nhưng Người đã làm cho chính Người trở nên nghèo khó để làm cho chúng ta trở nên giàu có. Người đã biến chính Người thành một người trong chúng ta và vì lý do này, ở tâm điểm Tin Mừng, ở tâm điểm việc công bố của Chúa Giêsu, có sự lựa chọn này.
Chính Chúa Kitô, Đấng là Thiên Chúa, đã tự tước bỏ Người, biến Mình trở nên tương tự như loài người; và Người không chọn một cuộc sống đặc ân, nhưng Người chọn thân phận một tôi tớ (x. Pl 2: 6-7). Người tự hủy chính Người bằng cách biến Mình thành một tôi tớ.
Người sinh ra trong một gia đình khiêm tốn và làm nghề thủ công. Khi bắt đầu rao giảng, Người đã loan báo rằng trong Nước Thiên Chúa, những người nghèo được chúc phúc (x. Mt 5: 3; Lc 6:20; EG, 197). Người đứng giữa những người bệnh tật, nghèo khó, bị loại trừ, cho họ thấy tình yêu thương xót của Thiên Chúa (x. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2444). Và nhiều lần Người bị tuyên bố là một người dơ bẩn vì Người đã đến với những người bệnh tật, những người phong cùi… và điều này, theo luật của thời đại, vốn làm người ta ra dơ bẩn. Và Người đã chấp nhận rủi ro để được gần gũi người nghèo.
Vì thế, những người theo Chúa Giêsu được nhận diện bằng việc họ gần gũi với người nghèo, người bé mọn, người bệnh tật và bị tù đày, người bị loại trừ và bị lãng quên, người không có cơm ăn áo mặc (x. Mt 25: 31-36; Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2443). Chúng ta có thể đọc giao thức nổi tiếng ấy mà theo đó, tất cả chúng ta sẽ bị phán xét, tất cả chúng ta không trừ ai. Đó là Tin Mừng Mátthêu, chương 25. Đó là tiêu chuẩn chủ chốt chứng thực tính chân chính của Kitô hữu (xem Gl 2:10; EG, 195). Một số người lầm tưởng nghĩ rằng tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo này là trách vụ dành cho một số ít người, nhưng thực ra, đó là sứ mệnh của toàn thể Giáo hội nói chung, như Thánh Gioan Phaolô II đã nói (xem Thánh Gioan Phaolô II, Sollicitudo rei socialis, 42). “Mỗi cá nhân Kitô hữu và mọi cộng đồng được kêu gọi trở thành khí cụ của Thiên Chúa để giải phóng và thăng tiến xã hội nghèo khó” (EG, 187).
Đức tin, đức cậy và đức mến nhất thiết thúc đẩy chúng ta hướng tới việc ưa thích này đối với những người thiếu thốn nhất, một sự ưa thích vượt quá sự trợ giúp cần thiết (xem EG, 198). Thật vậy, nó ngụ hàm việc cùng nhau bước đi, để chúng ta được họ truyền bá Tin Mừng, những người vốn biết rõ sự đau khổ của Chúa Kitô, để chúng ta bị “lây nhiễm” bởi kinh nghiệm cứu độ, bởi sự khôn ngoan và sự sáng tạo của họ (xem đd). Chia sẻ với người nghèo nghĩa là cùng làm giàu lẫn nhau. Và, nếu có những cơ cấu xã hội không lành mạnh ngăn cản họ mơ về tương lai, thì chúng ta phải cùng nhau làm việc để chữa lành chúng, để thay đổi chúng (xem đd, 195). Và chúng ta được dẫn đến điều này bởi tình yêu Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương chúng ta cho đến cùng (x. Ga 13: 1), và đạt tới những ranh giới, những biên tế, những tuyến đầu của hiện sinh. Đưa những vùng ngoại vi vào trung tâm có nghĩa là tập chú đời sống ta vào Chúa Kitô, Đấng đã “làm nghèo chính mình Người” vì chúng ta, để làm giàu cho chúng ta “bằng sự nghèo khó của Người” (2Cr 8: 9), như chúng ta đã nghe.
Tất cả chúng ta đều lo lắng về những hậu quả xã hội của đại dịch. Tất cả chúng ta. Nhiều người muốn trở lại trạng thái bình thường và tiếp tục các hoạt động kinh tế. Chắc chắn là như tế, nhưng “trạng thái bình thường” này không nên bao gồm các bất công xã hội và sự suy thoái của môi trường. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng, và chúng ta không thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng giống như trước đây: hoặc chúng ta thoát ra khỏi nó tốt hơn, hoặc chúng ta thoát ra khỏi nó tồi tệ hơn. Chúng ta phải thoát khỏi nó tốt hơn, để chống lại bất công xã hội và hủy hoại môi trường. Ngày nay, chúng ta có cơ hội xây dựng một điều gì đó khác hơn. Thí dụ, chúng ta có thể nuôi dưỡng một nền kinh tế phát triển toàn diện cho người nghèo, chứ không chỉ hỗ trợ họ. Qua điều này, tôi không muốn lên án sự hỗ trợ: trợ giúp luôn là điều quan trọng. Tôi nghĩ tới lĩnh vực tình nguyện, là một trong những cơ cấu tốt nhất của Giáo hội Ý. Vâng, hỗ trợ đang thực hiện điều này, nhưng chúng ta phải vượt quá điều này, để giải quyết các vấn đề khiến chúng ta phải cung cấp sự hỗ trợ. Một nền kinh tế không cần phải dùng tới các biện pháp khắc phục mà thực tế là đầu độc xã hội, chẳng hạn như lợi nhuận không liên kết với việc tạo ra các công việc tôn trọng nhân phẩm (xem EG, 204). Loại lợi nhuận này tách biệt khỏi nền kinh tế có thực chất, một nền kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho người dân thường (xem Thông điệp Laudato si’ [LS], 109), và ngoài ra, đôi khi còn thờ ơ với những thiệt hại gây ra cho ngôi nhà chung của chúng ta. Ưu tiên chọn người nghèo, nhu cầu đạo đức – xã hội xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa này (xem LS, 158), truyền cảm hứng cho chúng ta trong việc quan niệm và thiết kế một nền kinh tế trong đó, mọi người, nhất là những người nghèo nhất, nằm ở trung tâm. Và nó cũng khuyến khích chúng ta lập kế hoạch điều trị virút bằng cách dành ưu tiên cho những người thiếu thốn nhất. Quả là đáng buồn nếu, đối với vắcxin ngừa Covid-19, ưu tiên được dành cho những người giàu có nhất! Quả là đáng buồn nếu vắcxin này trở thành tài sản của quốc gia này hay quốc gia nọ, thay vì phổ biến và dành cho mọi người. Và quả là một tai tiếng nếu tất cả các khoản hỗ trợ kinh tế mà chúng ta đang quan sát – hầu hết là bằng tiền công – đều tập trung vào việc giải cứu những ngành kỹ nghệ không góp phần vào việc bao gồm những người bị loại trừ, cổ vũ những người bé nhỏ nhất, thiện ích chung hoặc việc chăm sóc sáng thế (đd). Có những tiêu chuẩn để lựa chọn ngành kỹ nghệ nào cần được giúp đỡ: những ngành góp phần vào việc bao gồm những người bị loại trừ, cổ vũ những người bé nhỏ nhất, thiện ích chung hoặc việc chăm sóc sáng thế. Bốn tiêu chuẩn tất cả.
Nếu virút bùng phát mạnh mẽ trở lại trong một thế giới bất công với người nghèo và người dễ bị tổn thương, thì chúng ta phải thay đổi thế giới này. Theo gương Chúa Giêsu, vị thầy thuốc của tình yêu thần thiêng toàn diện, nghĩa là chữa lành thể xác, xã hội và tâm linh (x. Ga 5: 6-9) – giống như việc chữa lành của Chúa Giêsu – chúng ta phải hành động ngay bây giờ, để chữa lành các bệnh dịch gây ra bởi những virút nhỏ, vô hình, và để chữa lành những bệnh dịch gây ra bởi các bất công xã hội to lớn và hữu hình. Tôi đề nghị làm điều này bằng cách khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa, đặt các vùng ngoại vi ở trung tâm và người cuối hết lên làm người trước nhất. Đừng quên giao thức ấy mà căn cứ vào đó, chúng ta sẽ bị phán xét, Mátthêu, chương 25. Chúng ta hãy đem nó ra thực hành khi sống thoát cơn dịch bệnh này. Và khởi từ tình yêu hữu hình này – như Tin Mừng nói, – bám chặt vào đức cậy và đặt nền tảng trong đức tin, một thế giới lành mạnh hơn sẽ là điều có thể. Nếu không, chúng ta sẽ tồi tệ hơn sau cuộc khủng hoảng này. Cầu xin Chúa giúp chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để vượt qua nó tốt hơn, đáp ứng các nhu cầu của thế giới ngày nay. Cám ơn anh chị em.
Biên dịch: Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholicnews.org/
________________________________
Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, khi suy ngẫm về đại dịch toàn cầu hiện nay, chúng tôi thấy rằng nó đã khiến chúng tôi nhạy cảm với một loại vi rút thậm chí còn ảnh hưởng đến thế giới của chúng tôi: đó là sự bất công xã hội, thiếu cơ hội bình đẳng và bị gạt ra ngoài lề của người nghèo và những người trong nhu cầu lớn nhất. Gương và sự dạy dỗ của Chúa Kitô cho chúng ta thấy rằng một lựa chọn ưu tiên cho người nghèo là tiêu chí thiết yếu về tính xác thực của chúng ta với tư cách là môn đồ của Ngài. Tổ chức bác ái Kitô giáo đòi hỏi rằng, ngoài trợ giúp xã hội, chúng tôi còn lắng nghe tiếng nói của họ và nỗ lực khắc phục tất cả những gì cản trở sự phát triển vật chất và tinh thần của họ. Mong muốn trở lại bình thường của chúng ta không có nghĩa là quay trở lại những bất công xã hội hoặc trì hoãn các cải cách quá hạn kéo dài. Ngày nay, chúng ta có cơ hội tạo ra một điều gì đó khác biệt: một nền kinh tế lành mạnh về mặt đạo đức, tập trung vào con người, đặc biệt là người nghèo, để công nhận phẩm giá con người bẩm sinh của họ. Thật đáng buồn biết bao nếu chẳng hạn, việc tiếp cận với vắcxin Covid-19 chỉ dành cho những người giàu có chứ không phải những người khác có nhu cầu tương đương hoặc cao hơn! Ước gì Tin Mừng truyền cảm hứng cho chúng ta để tìm ra những cách thức sáng tạo hơn nữa để thực hiện lòng bác ái đó, dựa trên đức tin và hy vọng, có thể chữa lành thế giới bị thương của chúng ta và thúc đẩy phúc lợi thực sự của toàn thể gia đình nhân loại chúng ta.