26/12/2024

Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế

Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế

Để có được hạng này, hạng kia ‘đẳng cấp quốc tế’, một số trường đại học Việt Nam đã dùng chiêu mua bán các bài báo khoa học thật nhiều, nhằm ‘khẳng định’… dẫn đầu cả nước về thành tích nghiên cứu.
 /// MINH HỌA: DAD
MINH HỌA: DAD

“Bứt phá” nhờ mua bán bài báo khoa học?

Giai đoạn 10 năm qua, cả nước có sự bứt phá về số lượng bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín (là những tạp chí nằm trong các danh mục ISI, Scopus) của các đơn vị có địa chỉ từ Việt Nam.
Đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng này gồm nhiều viện, đại học (ĐH) và một số trường ĐH Việt Nam. Riêng Trường ĐH Tôn Đức Thắng không chỉ vượt lên dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế mà số lượng công bố còn gấp đôi đơn vị thứ 2 (là Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, nơi tập trung mật độ cao các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam).
Theo dõi số liệu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2008 – 2012, số công bố quốc tế trên tạp chí danh mục ISI của trường chỉ dăm bảy bài/năm, năm nhiều nhất cả trường cũng chỉ 12 bài. Sau đó, số lượng công bố có ghi địa chỉ trường tăng theo chiều dựng đứng: 26 bài (2013), 53 (2014), 185 (2015), 411 (2016), 735 (2017), 1.289 (2018), 2.134 (2019).
Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế - ảnh 1

Hợp đồng “làm việc” này thực chất là hợp đồng mua bán bài báo  ẢNH: CHỤP TỪ TÀI LIỆU

Theo Bộ KH-CN, công bố ISI của Việt Nam năm 2019 ước đạt 7.705. Như vậy riêng công bố của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chiếm gần 28% công bố của cả nước. Nhờ thành tích công bố này, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã được lọt vào nhiều bảng xếp hạng ĐH. Gần đây (16.8), trường này là cơ sở ĐH duy nhất của Việt Nam nằm trong nhóm 701 – 800 trường ĐH hàng đầu thế giới năm 2020 theo bảng xếp hạng ARWU của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Đây là năm thứ 2 trường được lọt vào bảng xếp hạng này. Từ đó mà trên trang chủ của mình, trường cũng giới thiệu “là ĐH số 1 Việt Nam và top 1.000 ĐH tốt nhất thế giới về mọi mặt”.
Ở bình diện chung, công bố quốc tế gia tăng nhờ một số thay đổi từ chính sách của nhà nước; ở một số đơn vị là nhờ chính sách thưởng với cá nhân nhà khoa học có bài báo quốc tế, việc thưởng chỉ dành cho cán bộ, giảng viên cơ hữu của trường. Nhưng riêng với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, việc “thưởng” được dành cho bất kỳ ai, làm việc ở bất kỳ đâu trên thế giới, miễn là trên công trình được công bố ghi địa chỉ làm việc của tác giả bài báo là Trường ĐH Tôn Đức Thắng (về sau một số trường ĐH cũng học tập “chính sách” này và đều trở thành “ngôi sao” trong việc tăng số lượng công bố).
Trong những năm đầu mới thực hiện chính sách “thưởng”, thực chất là mua bài, hầu hết các công bố quốc tế ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng (và một số trường học theo “sáng kiến” này) đều là của những nhà khoa học chưa làm việc chung với cán bộ cơ hữu của trường, và được trường gọi là “cán bộ bán cơ hữu”. Vài năm gần đây, nhờ uy tín mà chủ yếu tạo được từ số bài báo quốc tế, trường tuyển được nhiều cán bộ nghiên cứu có năng suất nghiên cứu cao, nên tỷ lệ bài báo quốc tế của cán bộ cơ hữu của trường tăng lên.
Một cán bộ làm việc ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ: “Định mức năm nay của trường dành cho đơn vị tôi là 400 bài báo, trong đó hơn 200 bài là của cán bộ cơ hữu, số còn lại của cán bộ bán cơ hữu”.
Một nhà khoa học cho biết mới đây khi tìm một tư liệu trên hệ thống dữ liệu của Hội Toán học Mỹ, ông tình cờ truy cập vào một tạp chí toán học, tìm những bài báo có địa chỉ từ Việt Nam. Kết quả tìm kiếm khiến ông sửng sốt vì số lượng bài báo là rất nhiều, mà hầu hết là ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng và một trường ĐH khác; còn các tác giả, theo như họ tên của họ thì có thể suy đoán là người đến từ các nước Đông Nam Á, Tây Nam Á. Thỉnh thoảng bắt gặp một tên người Việt, truy vết tiếp thì thấy họ thực chất là người của trường khác.
Phóng viên Thanh Niên cũng mở xem một số trang liệt kê tên bài báo quốc tế của trường, ở mục năm 2017 có đề tài, tạm dịch tiếng Việt là “Phân khúc thị trường khách du lịch theo động cơ mua sắm: Một nghiên cứu điển hình về Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ” của một tác giả ở Rumani (!?).

Tạo giá trị ảo cho trường

Việc mua bán này, về mặt pháp lý, trường mua cũng như người bán không phạm luật nhưng trái đạo đức khoa học và xung đột về mặt lợi ích. Chưa kể việc mua bài này là tạo giá trị ảo cho trường, không chỉ lừa dối các tổ chức xếp hạng mà còn là lừa dối người học. Chưa kể đến tác hại khác, đó là khuyến khích các nhà khoa học chạy theo số lượng bài báo mà không ưu tiên nghiên cứu khoa học chất lượng.
Một nhà khoa học đặt vấn đề: “Tôi không biết Bộ GD-ĐT và Bộ KH-CN, Quỹ Nafosted có biết các hợp đồng mua đứt công bố của Trường ĐH Tôn Đức Thắng hay không? Nếu sang năm cộng đồng khoa học thế giới có một điều tra về sự liêm chính và loại trường này ra khỏi những bảng xếp hạng mà trường này đã được lọt vào thì Bộ GD-ĐT với tư cách cơ quan quản lý chuyên môn về giáo dục ĐH có chịu trách nhiệm gì không?”.

Một bài báo quốc tế được mua với giá bao nhiêu?

Chia sẻ với Thanh Niên, nhiều nhà khoa học cho biết họ cũng như các đồng nghiệp đã nhận được lời mời từ Trường ĐH Tôn Đức Thắng và một số trường khác về việc mua bài báo bằng một hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học, nếu đương sự đồng ý.
Những năm 2015 – 2017, hợp đồng còn ghi rõ số tiền được trả cho từng bài báo theo các tiêu chí phân loại. Nhưng với mẫu hợp đồng của những năm về sau, phần quyền lợi chỉ ghi “theo quy định của trường và theo nội dung thỏa thuận với viên chức”. Còn phần nghĩa vụ của “viên chức” thì ghi rất chi tiết như: “công bố ít nhất 1 bài báo ISI tác giả chính”, “cách ghi địa chỉ và email của (…) cụ thể như sau: (…). Không chấp nhận bất kỳ địa chỉ và email nào khác”, “tạp chí ISI chỉ bao gồm SCIE, SSCI, AHCI, không xem xét các loại khác”, “bài báo ISI không được liệt kê trong cơ sở dữ liệu Scopus sẽ không được nhận kinh phí từ nhà trường”… Nghĩa vụ của nhà trường có câu “thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn các chế độ và quyền lợi cho viên chức theo hợp đồng này”.
Theo một mẫu hợp đồng được Trường ĐH Tôn Đức Thắng mời chào các nhà khoa học được soạn vào tháng 12.2015, kinh phí nghiên cứu (trước thuế) được trường thanh toán cho nhà khoa học hằng năm dựa trên kết quả nghiên cứu (các ấn phẩm ISI đã xuất bản hoặc được chấp nhận). Cụ thể là 3.780 USD/bài báo ISI xếp hạng 1, hoặc 2.670 USD/bài báo ISI xếp hạng 2. Kinh phí nghiên cứu sẽ được thanh toán sau khi bài báo của cá nhân được chấp nhận hoặc được xuất bản.
Còn theo một số nguồn tin của Báo Thanh Niên, hiện tại giá mua một bài ISI hạng Q1 hạng 2 (tác giả chính) của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là 105 triệu đồng. Bài ngoại hạng (được đăng trong tạp chí thuộc top 3%) thì có giá cao gấp đôi. Giá tiền sẽ tụt dần nếu bài được đăng ở tạp chí thứ hạng thấp hơn, mức thấp nhất là Q4 thì khoảng 50 triệu đồng/bài.
Nhưng sau khi trong giới khoa học bắt đầu rộ lên những dư luận xấu về việc mua bài để được danh tiếng “đẳng cấp quốc tế”, Trường ĐH Tôn Đức Thắng bắt đầu hạn chế việc mua bài của các nhà khoa học trong nước. “Từ năm ngoái, trường chủ trương chỉ ký với Tây, vì vừa không bị điều tiếng lại vừa hiệu quả. Với người Việt, trường chỉ giữ lại một số mối thân thiết”, một nguồn tin chia sẻ.

Vấn nạn của các nước đang phát triển

Theo các nhà khoa học, mua bán bài báo để có thứ hạng trong các bảng xếp hạng ĐH là một vấn nạn của các nước đang phát triển, do muốn đốt cháy giai đoạn.
Theo GS Lê Tự Quốc Thắng, Học viện Công nghệ Georgia (Mỹ), King Abdulaziz University, Saudi Arabia (KAU) là một trường hợp điển hình. Năm 2011, trường này dù chưa có chương trình tiến sĩ về toán, nhưng 4 năm sau đã được AWRU (chính bảng xếp hạng mà mới đây Trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp vào nhóm 701 – 800 thế giới), xếp thứ 6 thế giới về toán, cao hơn cả Cambridge, Oxford, MIT, UC Berkeley. Xung quanh bước tiến thần kỳ này của KAU là các lời cáo buộc KAU mua các tác giả có chỉ số trích dẫn cao.
Nhiều người trong số này được đề nghị làm giáo sư thỉnh giảng mà về thực chất làm rất ít và chỉ cần qua KAU mỗi năm 1 – 2 tuần nhưng được trả lương 72.000 USD/năm và chỉ ghi địa chỉ nơi làm việc thành KAU, hoặc thêm KAU vào như là địa chỉ 2 của mình.
QUÝ HIÊN
TNO