28/12/2024

Theo dõi tình hình dịch bệnh do vi rút Chikungunya

Theo dõi tình hình dịch bệnh do vi rút Chikungunya

Cùng với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, các tỉnh giáp biên giới Campuchia của Việt Nam đang tích cực công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh do vi rút Chikungunya đang lây lan tại Campuchia.
Đoàn thanh niên khu vực biên giới của tỉnh Long An phát hoang bụi rậm để loại bỏ môi trường sống của muỗi Aedes /// ẢNH: BẮC BÌNH
Đoàn thanh niên khu vực biên giới của tỉnh Long An phát hoang bụi rậm để loại bỏ môi trường sống của muỗi Aedes  ẢNH: BẮC BÌNH
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ Công an, tính đến đầu tháng 8.2020, tại 12 tỉnh thành của Campuchia đã xuất hiện 1.020 người dân mắc bệnh do vi rút Chikungunya gây ra, lây truyền từ muỗi Aedes. Triệu chứng phổ biến là sốt, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi và phát ban. Trong số đó, có 3 tỉnh thành giáp biên giới với Việt Nam có người mắc bệnh này là Tbong Khmum, Ta Keo và Kampot.
Ngày 15.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết vừa ký ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, TP và TX.Kiến Tường tăng cường công tác phòng, chống bệnh Chikungunya, sốt xuất huyết và Zika kết hợp phòng chống dịch Covid-19.
Bác sĩ Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An, cho biết vi rút Chikungunya lây truyền từ vật chủ sang người qua trung gian là muỗi Aedes nhiễm bệnh. Đặc điểm chung của 3 bệnh này (Chikungunya, sốt xuất huyết và Zika) là có cùng tác nhân gây bệnh do muỗi Aedes gây ra. “Hiện nay, ngành y tế vẫn đang “dàn quân” ở khắp các trạm kiểm soát biên phòng cặp biên giới Việt Nam – Campuchia để phối hợp với lực lượng khác kiểm tra, tiến hành cách ly y tế phòng dịch Covid-19, bệnh do vi rút Chikungunya gây ra”, bác sĩ Phúc nói.
Là địa bàn có gần 50 km đường biên giới với Campuchia, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đã chỉ đạo Sở Y tế theo dõi tình hình dịch bệnh, phối hợp các huyện tăng cường truyền thông về cơ chế lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút Chikungunya để người dân biết, thực hiện. Nếu phát sinh tình huống vượt quá thẩm quyền giải quyết, thì báo cáo lãnh đạo tỉnh cho ý kiến.
Trong khi đó, bác sĩ Dương Ân Hận, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, thông tin đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh do vi rút Chikungunya gây ra. Theo bác sĩ Hận, hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa và không có thuốc đặc trị vi rút này nên chỉ điều trị triệu chứng của bệnh. Người bệnh phải đến cơ sở y tế, cần được nghỉ ngơi nhiều, uống nước nhiều để tránh mất nước và dùng thuốc giảm sốt, giảm đau. Để phòng ngừa bệnh, cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thông thoáng, loại bỏ các dụng cụ chứa lăng quăng và sự phát triển của muỗi…
BẮC BÌNH – TRẦN NGỌC
TNO