23/01/2025

Khi giấy khen được ‘phân loại’

Khi giấy khen được ‘phân loại’

Câu chuyện giấy khen không chỉ nóng ở thời điểm kết thúc năm học mà vẫn là mối bận tâm của nhiều người ở thời điểm này. Nhiều cơ quan, đoàn thể tiến hành trao thưởng cho trẻ em.

 

Khi giấy khen được phân loại - Ảnh 1.

Trong nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học, thể hiện ở các thông tư 30 và thông tư 22/TT-BGDĐT theo hướng nhân văn hơn: không chạy theo điểm số, danh hiệu.

Cuối học kỳ, năm học, không xét danh hiệu “học sinh giỏi xuất sắc” mà thay vào đó hiệu trưởng các nhà trường sẽ chọn những mặt tích cực của học sinh để khen: khen học toán, tiếng Việt tốt, khen vẽ đẹp, tích cực hoạt động, giúp đỡ bạn bè, thực hiện nề nếp, kỷ luật tốt…

Thậm chí những học sinh có kết quả học tập chưa cao nhưng các em lại tiến bộ vượt bậc so với bản thân ở học kỳ, năm học trước đó thì cũng được nhận giấy khen. Cách khen mới này cũng phù hợp với quan điểm giáo dục hiện đại theo đuổi mô hình cá nhân hóa giáo dục, phát huy những năng lực khác nhau của mỗi cá nhân. Và vì thế, việc “khen” sẽ thực chất hơn là chạy theo các danh hiệu.

Nhưng cũng vì thế mà nhiều người bị gợn khi “giấy khen nhiều như lá rụng mùa thu”. Và câu chuyện chỉ trở nên đáng buồn khi nhiều cơ quan đang áp dụng một cách cứng nhắc quy định khen thưởng đối với con em cán bộ, công nhân viên: chỉ khen những trẻ có danh hiệu “Học sinh giỏi xuất sắc”, “Học sinh giỏi toàn diện”.

Những giấy khen “Con học vượt trội môn toán, tiếng Việt”, trẻ có thành tích trong hoạt động của trường, thực hiện nề nếp học tập tốt đã bị loại ngay từ “vòng gửi xe” vì không đúng quy định.

Giấy khen được “phân loại”. Có những phụ huynh quay về nhà động viên con bằng cách “tự khen”, an ủi mình rằng “cơ quan cứng nhắc thì bố mẹ biết, con có biết đâu mà buồn”. Nhưng cũng có người vô tình dội vào con trẻ áp lực khi lại ra sức hò hét bắt con học, đăng ký cho con học thêm để đạt danh hiệu “Học sinh giỏi xuất sắc”.

Thước đo giỏi là phải giỏi văn, giỏi toán tưởng đã là vấn đề lịch sử trong hệ thống giáo dục Việt Nam nhưng vẫn không phải. Cản trở của sự đổi mới lại có “góp sức” của nhiều quy định, nhiều quan điểm sai lầm trong ứng xử với con trẻ.

Nhìn từ quy định của Bộ GD-ĐT đến cách hành xử dựa trên các quy định lạc hậu, chậm đổi mới ở nhiều cơ quan, đoàn thể, thấy buồn làm sao. Khi quan điểm đánh giá trẻ con lạc hậu, thiếu nhân văn chưa thấm vào đời sống thì sẽ khó có thể tạo nên những thay đổi thực sự trong các nhà trường.

VĨNH HÀ
TTO