Cân bằng tâm lý trong đại dịch
Cân bằng tâm lý trong đại dịch
Khi thời gian cách ly xã hội diễn ra dài, tình hình dịch Covid-19 ngày một phức tạp… thì cân bằng tâm lý trở thành vấn đề đáng được lưu tâm.
Câu chuyện cân bằng tâm lý cho người đang phải cách ly tập trung, người dân, lẫn y, bác sĩ trong tâm dịch dần hiện rõ và trở thành vấn đề đáng được lưu tâm, khi thời gian cách ly xã hội diễn ra dài, tình hình dịch ngày một phức tạp…
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 13.8, bác sĩ (BS) Trương Huyền Trường, Giám đốc Bệnh viện (BV) chuyên khoa lao và bệnh phổi Quảng Trị – đơn vị điều trị cách ly bệnh nhân (BN) Covid-19 tại Quảng Trị, cho biết các y, BS ở khu cách ly Covid-19 đang khá vất vả với BN 862 (nữ, dân tộc Vân Kiều, 66 tuổi; mẹ ruột của BN 832) vì người này không hợp tác, tuyệt thực và một mực… đòi về nhà. Dù các y, BS đã động viên nhưng BN 862 đã bỏ ăn nhiều bữa, chỉ uống một ít sữa. “Do BN là người dân tộc thiểu số, hạn chế trong giao tiếp, không quen sống ở TP lại thêm bị cách ly nhiều ngày trong BV”, BS Trường lý giải nguyên nhân.
Chống lại cảm giác cô đơn
Hoang mang, lo lắng, suy sụp, thậm chí trầm cảm…, tương tự như trường hợp BN 862 không phải là hiếm. BS Trần Thị Hải Vân, phụ trách Nhóm các vấn đề tư vấn tâm lý cộng đồng theo các kênh online, đường dây nóng tại BV Tâm thần Đà Nẵng, cho biết do những tác động vùng tâm dịch mà nhiều ngày qua, nhóm đã nhận được khá nhiều cuộc gọi xin hỗ trợ; nhiều BN lo âu, trầm cảm gọi đến xin tư vấn. Có cả những trường hợp F1 đang cách ly tập trung lẫn các F2 cách ly tại cộng đồng hay những người sống trong khu dân cư bị phong tỏa; thậm chí có nhiều người ở tận Quảng Bình, Quảng Trị… cũng tha thiết kết nối, để được hỗ trợ trong đợt này. Theo BS Vân, tùy mức độ rối loạn, các BS sẽ có tư vấn phù hợp với từng người. Nhưng trước tiên, BS phải chia sẻ với người có nhu cầu tư vấn, để hiểu họ đang rơi vào trạng thái nào. Từ đó mới có thể đưa ra lời khuyên, phương pháp hỗ trợ, hoặc trị liệu hợp lý.
Cùng quan điểm, BS Bùi Duy Phi, nguyên Trưởng khoa Tâm thần BV đa khoa tỉnh Quảng Trị, cho rằng những sang chấn tâm lý của BN Covid-19 và trường hợp F1, F2 đang được cách ly là không thể tránh khỏi. Họ lo lắng, mất ngủ, trầm cảm thậm chí có những suy nghĩ, hành động tiêu cực… Vì vậy, vai trò của y, BS đang trực tiếp điều trị là rất quan trọng. “Tâm lý người bệnh rất tin BS. Nếu các y, BS nắm bắt tâm lý BN tốt, có những lời khuyên bổ ích để tạo sự ổn định cho BN thì đó là sự hỗ trợ tuyệt vời cho các BN bước qua sang chấn”, BS Phi nói.
Để chống lại cảm giác cô đơn, cũng như cảm giác nhàm chán ở những khu cách ly tập trung, BS Nguyễn Thành Dũng, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, kiêm Giám đốc BV dã chiến Củ Chi, cho biết ngoài cung cấp cho người cách ly những vật dụng, đồ dùng sinh hoạt cần thiết để họ yên tâm, BV còn trang bị wifi mạnh, có ti vi cho BN giải trí, gọi trực tuyến cho gia đình, bạn bè… Bên cạnh đó, BV có 2 số điện thoại cho BN gọi thắc mắc, hỏi thăm. BV còn có loa phát ngoài trời, để thông báo giờ giấc và nhắc nhở người cách ly ngủ sớm giữ sức khỏe để hôm sau thức sớm tập thể dục. “Tại BV cũng cách ly một người về từ Singapore có mẹ mất. Biết được hoàn cảnh này, khi thăm khám, các y, BS đã giải thích, động viên tinh thần người đang được cách ly. Đối với những người có tâm lý hơi phức tạp, lo lắng như: liên tục gọi điện hỏi thăm tình trạng sức khỏe của mình, hỏi thăm thời gian lấy mẫu xét nghiệm, thời gian được ra khỏi khu vực cách ly tập trung (dù trong phòng cách ly có dán rõ thông báo – PV)…, cán bộ y tế cũng phải giải thích, trấn an họ”, BS Nguyễn Thành Dũng kể.
Trò chuyện với những người đang cảm thấy vô vọng
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, việc cách ly hay những biến cố gặp phải do dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Do vậy, nếu một người biết ai đó đang cảm thấy vô vọng và có ý nghĩ tự làm hại bản thân do tác động của Covid-19 nên trò chuyện với người đó. Nói chuyện về chủ đề tự tử sẽ không làm tăng nguy cơ tự tử, ngược lại, có thể giúp những người đang gặp khủng hoảng xử lý được cảm xúc và giảm bớt căng thẳng.
L.C – M.T
Hỗ trợ tâm lý người được cách ly
BS nội trú Bùi Văn San (Khoa Tâm thần, BV Bạch Mai), thành viên của Tổ BS tâm lý tại TP.Đà Nẵng, cho rằng do dịch bệnh xảy ra bất ngờ, mọi người phải cách ly; tâm lý lo lắng căng thẳng sợ lây lan xảy ra đối với người dân, cũng như với các y, BS. Lo lắng dẫn đến tâm lý căng thẳng, nếu không giải tỏa được sẽ rất nguy hiểm…
|
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc tham gia của chuyên gia tâm lý trong phòng chống dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp là rất cần thiết, vì khi tinh thần hoảng loạn sẽ tạo sự hoang mang cho xã hội. Nếu ổn định được tâm lý cá nhân, cộng đồng, sẽ giảm bớt ảnh hưởng có hại cho xã hội. Do vậy, bên cạnh công tác truyền thông thì việc ổn định tâm lý người dân cũng hết sức quan trọng, không chỉ với sự hỗ trợ của các BS, mà còn từ các thông tin, cũng như các hành động để làm người dân an tâm và tin tưởng hơn trong công tác phòng chống dịch.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (BV Bạch Mai), dịch bệnh Covid-19 gây lo lắng cho con người – đó chính là stress. Stress cũng có mức độ khác nhau, khi nhẹ con người có thể đối phó được nhưng trường hợp nặng là stress mạnh, sốc có thể gây hậu quả lớn.
TS tâm lý Nguyễn Hằng Phương, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, cho biết thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm sẽ rất căng thẳng. Nỗi sợ có thể bị nhiễm bệnh Covid-19 và nguy cơ cho những người liên quan… là thường trực. Áp dụng “nguyên tắc” thay đổi suy nghĩ và thay đổi hành động, những người đang ở khu cách ly có thể tư duy tích cực rằng mình đang ở nơi an toàn, và ít nhất, nếu có nhiễm Covid-19, thì không lây cho người khác; tin tưởng rằng đội ngũ y BS Việt Nam đang là những “chiến binh” tuyệt vời nhất.
Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần lưu ý, người bị cách ly có thể cảm thấy bị cô đơn, đặc biệt với người phải sống một mình. Tình trạng đó khiến họ suy sụp thể chất và tinh thần. Do đó, người đang cách ly nên chủ động kết nối với những người khác qua mạng xã hội, điện thoại và cộng đồng trực tuyến để giữ tinh thần lạc quan. Chính quyền địa phương, người thân, cộng đồng cần có hỗ trợ tâm lý, chia sẻ, không kỳ thị người được cách ly chống dịch.
Y, bác sĩ cũng cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần
Không phải ngẫu nhiên mà trong các đội công tác đặc biệt được Bộ Y tế cử về tăng cường cho tâm dịch Đà Nẵng có sự tham gia của 2 BS tâm lý, với nhiệm vụ hỗ trợ tâm lý bằng các cuộc trò chuyện, tâm tình… với các thầy thuốc nơi tuyến đầu. BS Bùi Duy Phi cho rằng các y, BS là một trong những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, làm việc trong một môi trường đặc biệt và ai cũng có những nỗi sợ hãi. Nhưng đáng ghi nhận, hầu hết các cán bộ y tế đều vượt qua được những sang chấn tâm lý – phần nhiều vì ý thức trách nhiệm của mình với xã hội, cộng đồng.
Một trong những niềm vui có thể giúp các y, BS nỗ lực, hy sinh hơn trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 chính là “đặt bút ký tờ giấy ra viện cho BN Covid-19”, như tâm sự của BS Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc BV dã chiến Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). “Sáng nay (13.8), tôi là người hạnh phúc nhất!”, BS Vĩnh hào hứng khi có đến 10 BN Covid-19 chữa trị tại BV dã chiến Hòa Vang khỏi bệnh. BS Vĩnh chia sẻ, bên cạnh “súng ống, đạn dược” chính là những thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19, có lẽ thứ mà các BS đã, đang và sẽ phải trang bị chính là liều thuốc tinh thần. “Cuộc chiến có thể kéo dài, nhưng nhất định chúng ta sẽ thắng lợi!”, BS Vĩnh tự tin.
Cũng chính vì lời động viên và chia sẻ từ tâm dịch luôn có “sức nặng ngàn cân” nên ngay khi BV C Đà Nẵng vừa bị phong tỏa do xuất hiện ca mắc Covid-19 (24.7), một BS ở Khoa Cấp cứu BV C Đà Nẵng đã đi đến phòng các BN lớn tuổi, cùng hát, trấn an BN trước tình trạng phong tỏa toàn BV và chúc BN ngủ ngon. Cũng ngay hôm sau đó (25.7), BS Nguyễn Quý Thiện, Khoa Nội tiêu hóa BV C, cùng đồng nghiệp ôm đàn hát ca khúc Đà Nẵng ngày bão giông. Một món quà tinh thần đầy ý nghĩa được gửi đi từ tâm dịch, hơn mọi lời động viên, chính là “Vitamin tinh thần”.
Miễn phí sử dụng kho sách online
Nhằm góp phần hỗ trợ đời sống tinh thần cho người dân và những người đang thực hiện cách ly tập trung trên địa bàn TP.Đà Nẵng trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng chủ trương miễn phí sử dụng kho sách online của Thư viện Khoa học Tổng hợp để mọi người dân trên địa bàn có thể tiếp cận. Địa chỉ truy cập kho sách online miễn phí: thuviendientu.thuvien.danang.gov.vn (user: tvkhthfree, password: tvkhth43).
H.Sơn
THANH NIÊN
TNO