Chúa Nhật XX TN A: Mọi người tin đều được Thiên Chúa đón nhận

Đứng trước niềm tin kiên vững, chân thành và hết sức khiêm tốn của người phụ nữ, Chúa Giêsu không thể từ chối bà. Bà không xin bánh của con cái Israel, không xin một vị thế ngang bằng với con cái được Thiên Chúa tuyển chọn, bà chỉ xin “những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”.

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN A

Is 56,1.6-7; Rm 11,13-15.29-32; Mt 15,21-28

MỌI NGƯỜI TIN ĐỀU ĐƯỢC THIÊN CHÚA ĐÓN NHẬN

“Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,7)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1

Tác giả Isaia đệ tam (Is 56-66), vốn phản ánh khung cảnh của dân Chúa tại Giêrusalem thời hậu lưu đày, mở đầu bằng lời mời gọi quen thuộc dành cho dân Chúa, đồng thời cho thấy những tư tưởng tiến bộ về những người ngoại bang.

Trước hết, Isaia đệ tam mời gọi dân Chúa hãy “tuân giữ điều chính thực, thực hành điều công minh” (Is 56,1). Công minh chính trực là chuẩn mực mà Thiên Chúa đã truyền lại cho Abraham và cho con cháu ông phải tuân giữ, như là điều kiện để Người thực hiện lời hứa của Người (St 18,19). Chính Thiên Chúa là Đấng công minh chính trực (Tv 7,18; Đn 9,14), là Đấng yêu thích điều công minh chính trực (Tv 33,5), là Đấng ngự trên bệ ngai rồng là công minh chính trực (Tv 97,2), và là Đấng cai trị theo lẽ công minh chính trực (Dcr 8,8). Vì thế, ai sống công minh chính trực sẽ được thấy mặt Chúa (Tv 17,15) và “thực thi điều công minh chính trực thì đẹp lòng Đức Chúa hơn là dâng hy lễ” (Cn 21,3).

Có thể nói công minh chính trực là tiêu chuẩn mà dân Chúa phải ghi nhớ và thực hành. Có lẽ sau thời lưu đày, dân Chúa đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của lối sống ngoại bang mà đi xa đường lối của Thiên Chúa. Vì thế, điều đầu tiên mà Isaia đệ tam kêu gọi dân Chúa sau thời lưu đày là trở về với điều cơ bản nhất, là sống công minh chính trực.

Sau nữa, Isaia đệ tam còn quan tâm đến những người ngoại bang vốn giờ đây sống gần bên dân Chúa. Họ không phải là những người bị ghét bỏ, hay bị loại trừ. Nếu họ biết gắn bó với Chúa, để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, giữ ngày sabát cùng tuân thủ giao ước của Thiên Chúa, thì đều được Thiên Chúa dẫn lên núi thánh của Người (Is 56,6). Thiên Chúa sẽ cho họ được hoan hỷ, sẽ ưng nhận lễ tế của họ trên bàn thờ, “vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,7). Đây thật sự là tư tưởng rất tiến bộ của Isaia đệ tam, nếu so với những đoạn nói về người nước ngoài một cách tiêu cực (Đnl 14,21; 15,3; 22,21; Ed 44,7-9).

Có hai điểm đáng lưu tâm ở đây. Thứ nhất, Thiên Chúa hai lần nhấn mạnh rằng nhà của Người, đền thờ Giêrusalem, là nhà cầu nguyện (Is 56,7). Đối với dân Israel, đền thờ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của họ, cách riêng là nơi họ đến để dâng lễ tế. Nhưng ở đây, sấm ngôn của Thiên Chúa nhắm đề cao một chiều kích quan trọng khác: đền thờ, nhà Thiên Chúa, là nơi được đặc biệt dành riêng cho việc cầu nguyện. Thứ hai, đền thờ, nhà Thiên Chúa, không chỉ là nơi cầu nguyện dành riêng cho dân Do Thái nữa, mà được mở rộng ra cho “muôn dân”, nghĩa là tất cả mọi dân tộc đều được mời gọi vào việc thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện với Người tại nhà Thiên Chúa là đền thờ Giêrusalem.

2. Bài đọc 2

Thánh Phaolô ngỏ lời với những người gốc dân ngoại trong cộng đoàn tín hữu Rôma. Là vị tông đồ dân ngoại, thánh Phaolô nhiệt thành với sứ mạng được trao phó và ngài tự hào vì được trao trọng trách loan báo Tin Mừng cho những người dân ngoại. Thế nhưng sứ mạng đến với dân ngoại của thánh Phaolô cũng gặp không ít khó khăn, trắc trở, chống đối, mà phần nhiều trong số đó lại do chính đồng bào của ngài, những người Do Thái gây nên (Cv 18,6; 28,19).

Tuy nhiên, không vì thế mà thánh Phaolô tỏ ra căm ghét, thù hận những người đồng bào của mình. Trái lại, dù là tông đồ dân ngoại, thánh nhân vẫn mong mỏi “cứu được một số anh em đó”, những người Do Thái đồng bào của ngài (Rm 11,14). Thánh nhân coi việc các anh em đồng bào của mình được thâu nhận lại, như là “từ cõi chết bước vào cõi sống” (Rm 11,15). Đối với thánh Phaolô, bất cứ ai, dù là Do Thái hay dân ngoại, ủng hộ hay chống đối ngài, đều nhận được sự quan tâm của ngài, với mong mỏi tất cả đều được cứu độ nhờ tin vào Đức Giêsu (Gl 2,16).

Thánh Phaolô dùng cấu trúc song đối, để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho cả dân ngoại lẫn dân Israel. Trước kia dân ngoại đã từng không vâng phục, nhưng nay đã được lòng xót thương của Thiên Chúa; cũng vậy ngày nay dân Israel có không vâng phục, thì trong tương lai cũng sẽ nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa (Rm 11,30-31). Quả vậy, kinh nghiệm của các Kitô hữu gốc dân ngoại cho thấy rằng: trước kia họ đã không tin (không vâng phục) vào Thiên Chúa, nhưng nay đã được Thiên Chúa thương xót mà ban ơn đức tin. Cũng vậy, nếu như ngày nay dân Israel chưa tin (không vâng phục), thì sau này họ cũng vẫn xứng đáng nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa là ân huệ đức tin. Vậy nên cả dân ngoại lẫn dân Israel, dù đã từng “ở trong tội không vâng phục” vì đã không tin vào Đức Kitô, thì đó lại là cơ may, để Thiên Chúa bày tỏ lòng thương xót của Người là ơn đức tin, ơn ban không phải chỉ cho dân ngoại hay dân Israel mà thôi, mà là cho “mọi người” (Rm 11,32).

3. Bài Tin Mừng

Bài Tin Mừng mô tả cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ dân ngoại. Có vẻ như theo cái nhìn của Tin Mừng Matthêu, đây là cuộc gặp gỡ không mong đợi của Chúa Giêsu và dường như Chúa Giêsu không hề được chuẩn bị, không hề có một đáp án sẵn cho người phụ nữ này. Tuy nhiên, khi bị thuyết phục bởi lòng tin mạnh mẽ của người phụ nữ dân ngoại, Chúa Giêsu đã thay đổi và ban cho người phụ nữ dân ngoại điều bà cầu xin.

Đứng trước lời cầu khẩn tha thiết của người phụ nữ dân ngoại, dù Chúa Giêsu “không đáp lại một lời” (Mt 15,23), nhưng việc người phụ nữ này biết tuyên xưng Chúa Giêsu là Con vua David có thể là ngụ ý của thánh Matthêu rằng: người phụ nữ dân ngoại này không hẳn là người hoàn toàn ở ngoài. Sự im lặng của Chúa Giêsu ở đây không hẳn là một sự khước từ hoàn toàn, dứt khoát, khi mà người phụ nữ dân ngoại ít nhiều hiểu biết và nhìn nhận Đức Giêsu. Sự im lặng của Chúa Giêsu còn có thể là cơ hội để người phụ nữ tiến xa hơn, tuyên xưng mạnh mẽ hơn niềm tin của mình.

Phản ứng của các môn đệ xin Chúa Giêsu xua đuổi người phụ nữ, khi bà “cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi”, cho thấy sự khó chịu của các ông khi bị người phụ nữ quấy rầy; không chỉ quấy rầy mà còn là quấy rầy dai dẳng. Và câu trả lời của Chúa Giêsu phản ánh quan niệm đương thời, ít ra là theo nhãn quan của Tin Mừng Matthêu về sứ mạng của Đức Giêsu rằng: Người chỉ được sai đến để rao giảng cho người Do Thái. Ngoài ra, thái độ xem ra đóng kín của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ ngoại giáo, lại là cơ hội cho bà thể hiện niềm tin vững mạnh của mình.

Dù như bị chối từ, người phụ nữ ngoại giáo tiếp tục tỏ ra kiên nhẫn và thành khẩn trong lời cầu xin của mình. Cử chỉ “bái lạy” và tiếp tục “xin cứu giúp” (Mt 15,25) cách nào đó cho thấy niềm tin sâu sắc của bà nơi quyền năng của Chúa Giêsu và tha thiết chờ mong sự thi ân giáng phúc của Người. Chính sự chân thành, tha thiết, và tin tưởng mạnh mẽ của người phụ nữ đã giúp bà kiên vững trước thử thách cuối cùng: “Không được lấy bánh dành cho con cái, mà ném cho lũ chó con” (Mt 15,26). Câu nói xem ra có vẻ xúc phạm của Chúa Giêsu, là cách nói quen thuộc của người đương thời nhằm phân biệt con cái với người ngoài. Người phụ nữ không những không tức giận hay cảm thấy bị xúc phạm, mà đáp lại cách đầy tin tưởng và khiêm tốn: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,27).

Đứng trước niềm tin kiên vững, chân thành và hết sức khiêm tốn của người phụ nữ, Chúa Giêsu không thể từ chối bà. Bà không xin bánh của con cái Israel, không xin một vị thế ngang bằng với con cái được Thiên Chúa tuyển chọn, bà chỉ xin “những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Nếu đọc đoạn Tin Mừng này trong bối cảnh của phép lạ Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều ở chương trước, với số bánh còn dư là mười hai thúng đầy (Mt 14,13-21) và một phép lạ hoá bánh khác ngay sau đoạn Tin Mừng này, với số bánh dư là bảy thúng đầy (Mt 15,29-39), thì lòng tin mạnh mẽ thể hiện qua lời cầu xin tha thiết được “ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống” của người phụ nữ ngoại giáo ý nghĩa hơn biết chừng nào. Bà hoàn toàn xứng đáng nhận được lòng thương xót của Chúa Giêsu: “Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy” (Mt 15,28).

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1/ Sách ngôn sứ Isaia cho thấy rằng một đàng dân Thiên Chúa được mời gọi sống công minh chính trực, đàng khác cả người ngoại cũng được đón nhận vào nhà Chúa, nếu họ tin tưởng, phụng thờ và giữ các giới răn của Người. Tôi có thể hiện mình là dân Thiên Chúa qua cách sống công minh chính trực? Hay tôi là dân Thiên Chúa mà lại sống không bằng những người, dù bị coi là dân ngoại nhưng lại biết tin, thờ phượng và giữ giới răn của Thiên Chúa?

2/ Thánh Phaolô gặp không ít khó khăn với những người Do Thái đồng bào của ngài, nhưng thánh nhân không những không ghét bỏ, mà con kiên nhẫn chờ đợi lòng thương xót của Chúa dành cho họ. Đối với thánh nhân, bất kỳ ai, dù là Do Thái hay dân ngoại, nếu biết bày tỏ niềm tin vào Đức Giêsu Kitô đều được cứu độ. Tôi có biết khoan dung, độ lượng với những người chưa tin? Tôi có sẵn sàng giới thiệu đức tin của mình cho người khác thông qua đời sống của tôi? Tôi cần phải làm gì để Tin Mừng Đức Giêsu được giới thiệu cho những người sống quanh tôi chưa nghe biết về Người?

3/ Đức tin chân thành, kiên vững và khiêm tốn của người phụ nữ ngoại giáo trong bài Tin Mừng thật đáng khâm phục. Tôi học được gì khi chiêm ngắm đức tin mạnh mẽ của người phụ nữ ngoại giáo? Phải chăng đức tin của tôi còn nông cạn, hời hợt, bấp bênh trước bao nhiêu thử thách của cuộc sống thường nhật? Tôi cần phải làm gì để củng cố đức tin của tôi, để có thể trợ giúp cho những người khác xung quanh tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là cha rất nhân từ và hay thương xót, Người sẽ ban muôn ơn lành cho tất cả những ai khiêm tốn kêu xin Người với lòng tin tưởng chân thành. Theo gương người phụ nữ xứ Canaan trong Tin Mừng, cộng đoàn chúng ta hãy chạy đến với Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:

1. Sứ mạng của Hội Thánh là trở nên dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, cách riêng cho các vị chủ chăn, luôn nhạy bén trước nhu cầu của anh chị em chung quanh và sẵn sàng trở nên khí cụ phân phát ân huệ của Chúa cho mọi người.

2. Bạo lực, chiến tranh và dịch bệnh tại nhiều nơi trên thế giới là dấu hiệu gia tăng của sự dữ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới biết quan tâm đến lợi ích của người dân, luôn có những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an ninh, duy trì hoà bình, và mưu cầu điều thiện hảo cho dân chúng.

3. Chăm sóc và giáo dục con cái là trách nhiệm hàng đầu của các phụ huynh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các bậc làm cha mẹ Công giáo biết tin tưởng và phó thác con cái mình cho Thiên Chúa; đồng thời, luôn ý thức hướng dẫn các em đến gần Chúa bằng việc nêu gương sáng trong đời sống đức tin và thực thi bác ái.

4. Lòng tin mạnh mẽ chân thành của người phụ nữ Canaan đã được Chúa đoái thương. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn vững tin vào quyền năng và lòng Chúa thương xót, biết siêng năng chạy đến với Người, qua các cử hành phụng vụ của cộng đoàn và giờ kinh tối trong gia đình.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng và hay thương xót, xin lắng nghe những ước nguyện chân thành của chúng con và rộng tay chúc phúc, để chúng con thêm vững tin và luôn can đảm làm chứng cho lòng thương xót của Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ban MVPT TGP.