Sông Mê Kông vẫn ‘đói’ nước, chưa thấy tín hiệu mùa nước nổi

Sông Mê Kông vẫn ‘đói’ nước, chưa thấy tín hiệu mùa nước nổi

Theo Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam, trong tháng 7, lượng mưa trên hạ lưu con sông này chỉ đạt khoảng 51% so với trung bình nhiều năm, tình trạng thiếu nước vẫn chưa được cải thiện.
Một phụ lưu sông Mê Kông tại Campuchia khô hạn nghiêm trọng /// Ảnh Reuters
Một phụ lưu sông Mê Kông tại Campuchia khô hạn nghiêm trọng ẢNH REUTERS
Ngày 6.8, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, tiếp diễn tình hình mưa ít hơn so với trung bình nhiều năm kéo dài suốt mùa không 2019 – 2020, từ cuối tháng 5, trên lưu vực sông Mê Kông đã xuất hiện một số đợt mưa lớn. Dù vậy, tổng lượng mưa ở vùng hạ lưu sông Mê Kông vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm.
Do mưa ít, trong khi vùng thượng lưu mới trải qua một mùa khô hạn lịch sử, nên khả năng các hồ chứa thượng nguồn vẫn tiếp tục tăng cường tích nước đầu mùa lũ, dẫn đến dòng chảy trên dòng chính vẫn ở mức rất thấp.
Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông dẫn số liệu quan trắc tại Chiềng Sẻn (Thái Lan) cho thấy, mực nước tháng 7 vừa qua hầu như không tăng, duy trì ở khoảng 3 m, thấp hơn trung bình nhiều năm tới 2 m và mức lũ cấp 1 gần 9 m. Mực nước thực đo tuần cuối tháng 7 thậm chí có lúc xuống thấp hơn mực nước cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, tổng lượng dòng chảy trong tháng 7 chỉ đạt khoảng 75% so với trung bình nhiều năm và lớn hơn so với cùng kỳ năm 2019 khoảng 29%, nhưng tuần cuối tháng 7 lại thấp hơn so với năm 2019.
Nguyên nhân, theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, là do trên lưu vực sông thuộc địa phận Lào, Thái Lan mưa ít, kết hợp với tình trạng dòng chảy từ Trung Quốc cũng ít hơn trung bình nhiều năm, nên mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông vẫn ở mức thấp.
Sông Mê Kông vẫn ‘đói’ nước, chưa thấy tín hiệu mùa nước nổi - ảnh 1

Chênh lệch % lượng mưa so với trung bình nhiều năm, tháng 7 vừa qua VĂN PHÒNG THƯỜNG TRỰC ỦY BAN SÔNG MÊ KÔNG VIỆT NAM

 

Cũng theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, số liệu quan trắc tại trạm Kra-chê (Campuchia) cũng cho thấy tình trạng tương tự.
Do trên hạ lưu vực sông Mê Kông mưa ít nên tổng lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 7 chỉ đạt khoảng 54% của trung bình nhiều năm. Diễn biến dòng chảy qua 2 trạm này hầu như không tăng, tuy nhiên, vẫn lớn hơn dòng chảy cùng kỳ năm 2019.
Qua quan trắc và dự báo, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam nhận định, mưa trên lưu vực sông này nửa đầu tháng 8 sẽ duy trì ở mức xấp xỉ giá trị trung bình nhiều năm.
Tuy nhiên, do lưu vực vừa trải qua một mùa hạn lịch sử, các hồ chứa vẫn tăng cường tích nước nên dòng chảy tới đồng bằng sông Cửu Long qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc dự báo hầu như không tăng, duy trì ở mức 5000 m3/s.
Tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông qua 2 trạm này trong nửa đầu tháng 8 cũng dự báo vẫn sẽ ở mức rất thấp, dự kiến chỉ đạt khoảng 30% giá trị cùng kỳ của trung bình nhiều năm và thậm chí còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 khoảng 44% nên chưa có tín hiệu của mùa nước nổi.
LÊ QUÂN
TNO