23/01/2025

Đại dịch và khủng hoảng kinh tế ở Thánh Địa

Đại dịch và khủng hoảng kinh tế ở Thánh Địa

Vương cung Thánh đường Chúa Giáng Sinh

Ông Vincenzo Bellomo, người đứng đầu Hiệp hội Trợ giúp Đất Thánh ở Bêlem mô tả tình hình kinh tế suy thoái của các gia đình Palestine do việc ngăn chặn du lịch tôn giáo và các dự án của Giáo hội hỗ trợ người dân.

Tại Thánh Địa, làn sóng đại dịch thứ hai bắt đầu vào cuối tháng 6. Tầm ảnh hưởng của nó mạnh mẽ hơn lần đầu, tiếp tục tạo ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng, đặc biệt ở Palestine. Kinh tế của cộng đoàn Kitô hữu Bêlem chủ yếu dựa vào du lịch tôn giáo, bị ảnh hưởng do việc ngăn chặn các cuộc hành hương từ đầu tháng ba. Tình hình càng trầm trọng hơn do hệ thống y tế không đầy đủ, khủng hoảng kinh tế và việc làm. Các gia đình gặp nhiều khó khăn do thiếu hỗ trợ xã hội. Tất cả những điều này đã được ông Vincenzo Bellomo, người đứng đầu Hiệp hội trợ giúp Đất Thánh ở Bêlem, một cơ cấu phục vụ sứ mệnh của Dòng Phanxicô xác nhận trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News.

Ông Bellomo nói: “Trên khắp Thánh Địa, vào những ngày đầu tháng 3, chúng tôi đã có một cảnh báo đầu tiên về virus corona. Trong những ngày đó, tại Bêlem số người nhiễm bệnh đã được ghi nhận là rất cao. Giai đoạn sợ hãi ban đầu giống ở Ý và các quốc gia Châu Âu khác. Sau đó, vào cuối tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, tình trạng khẩn cấp dường như đã quay trở lại. Nhưng từ cuối tháng 6, các ca nhiễm virus corona đã tăng mạnh trên khắp Israel và ngay cả ở Palestine. Hiện nay, chúng tôi lại bị coi là một “vùng đỏ”. Mọi người nghĩ rằng các chuyến bay đầu tiên đã bắt đầu lại, đã có những dấu hiệu tốt giữa tháng 5 và tháng 6… Nhưng bây giờ chúng tôi đang ở giữa làn sóng thứ hai, trong tình trạng khẩn cấp: ở Israel, với khoảng 2.000 người nhiễm mỗi ngày, trong khi ở Palestine, trung bình là khoảng 600 trường hợp mỗi ngày. Thật không may, tình hình vẫn còn khá nghiêm trọng.”

Tình hình sức khoẻ của người dân ở Palestine

Đề cập đến tình hình sức khoẻ của người dân hiện nay ở Palestine, ông Vincenzo Bellomo cho biết ban đầu chính quyền cảm thấy hơi khó chịu với đại dịch. Trước hết, vì ở Palestine, sức khoẻ là điều đã từng bị chỉ trích ngay cả khi chưa có đại dịch. Thực tế, hoạt động quản lý y tế của đất nước luôn ở trong tình trạng khẩn cấp. Trong 3 hoặc 4 tháng gần đây, chính quyền Palestine đã cố gắng làm mọi thứ có thể để thiết lập các trung tâm ở các thành phố quan trọng bị ảnh hưởng virus. Một trung tâm Covid nhỏ với 50 giường cũng đã được thiết lập tại Bêlem. Nhưng nó là một trung tâm phải lo cho dân số gần 200.000 người, vì vậy mối bận tâm là rất cao. Hơn nữa, gần một nửa trong số 50 giường này đã dành cho các trường hợp cần phải chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, mọi người rất lo lắng, ngay cả khi sự khó chịu do khủng hoảng kinh tế hiện đang mạnh hơn so với sức khoẻ.

Những hậu quả kinh tế và xã hội đối với người dân Palestine

Thực vậy, liên quan đến du lịch tôn giáo cho khách hành hương, khu vực Bêlem là nơi thúc đẩy nền kinh tế cho khắp Palestine. Tại Bêlem, nơi kinh tế chủ yếu liên quan đến việc tiếp đón khách hành hương và quản lý du lịch tôn giáo, tình hình kinh tế của cộng đoàn Kitô bị ảnh hưởng đặc biệt. Từ ngày 5/3, ở đây mọi thứ đã bị ngưng lại và không có an sinh xã hội, không có hệ thống hỗ trợ. Trong những trường hợp này, các gia đình là phương thức hỗ trợ duy nhất. Chính gia đình là nơi để các các thành viên khác hy vọng. Nhưng tình hình tài chính rất nghiêm trọng và hoàn cảnh càng khó khăn hơn khi mọi người không biết cuộc khủng hoảng này kéo dài trong bao lâu. Điều chắc chắn là cho đến khi các cuộc hành hương tiếp tục, kinh tế của các gia đình ở đây mới thực sự cân bằng, nhưng phải mất nhiều năm.

Vương cung Thánh đường Chúa Giáng Sinh và các Đền thánh khác

Trong cuộc phỏng vấn, Vatican News cũng đề cập đến tình hình của Vương cung Thánh đường Chúa Giáng Sinh và các Đền thánh khác. Về điều này, ông Vincenzo Bellomo cho biết, Vương cung Thánh đường Chúa Giáng Sinh cũng là một giáo xứ, do đó là trung tâm của cộng đoàn Kitô Bêlem. Giáo xứ đã bị đóng cửa trong ba tuần qua nhưng hiện đã mở cửa trở lại từ Chúa Nhật 26/7. Giống như tất cả các nơi cầu nguyện, Vương cung Thánh đường đóng cửa vào cuối tuần, nhưng trong tuần, tất nhiên, với việc tuân thủ các biện pháp an toàn sức khỏe, các tín hữu có thể đến nhà thờ. Các cha Dòng Phanxicô đang coi sóc Vương cung Thánh đường sử dụng các nhà nguyện cho một nhóm nhỏ các tu sĩ hoặc giáo dân muốn tham dự Thánh lễ. Các Đền thánh khác như Nhà thờ “Hang động sữa” và Nhà thờ “Cánh đồng các mục đồng” ở Bêlem thì vẫn bị đóng cửa. Các Đền thánh bị đóng cửa cũng do không có người hành hương, mọi thứ hoàn toàn dừng lại. Người đứng đầu Hiệp hội trợ giúp Đất Thánh ở Bêlem bày tỏ: “Chúng tôi thật bất ngờ vì từ thời điểm có nhiều du khách, nhiều người hành hương đến tình hình hiện nay. Giờ đây, khi nhìn thấy cỏ mọc cao ở các khu vực khác nhau trong thành phố tôi phải thú nhận rằng trông khá buồn.”

Nhiều người Palestine trở thành con nợ

Ông Bellomo xác nhận rằng hậu quả của việc đóng cửa này làm cho nhiều người Palestine đã đầu tư vào ngành du lịch rơi vào tình trạng nợ nần. Đây là điều thực tế vì trong hai năm qua, đã có một sự “bùng nổ” con số khánh hành hương, do tình hình chính trị đã ổn định so với những năm trước. Do đó, nhiều người mong muốn được đến Thánh Địa, đến nỗi có những thời điểm khách hành hương rất khó tìm một nơi để ngủ. Tình hình kinh tế này đã khuyến khích các gia đình đầu tư nhỏ, ghi danh cho con cái vào đại học, vay nợ để thực hiện một số kế hoạch cho tương lai. Vấn đề là bây giờ mọi thứ đã dừng lại và ở đây, chính quyền Palestine không có bất kỳ loại “phúc lợi” xã hội nào, vì vậy đối với các gia đình, tình hình khá bi thảm.

Tình cảnh của người dân Bêlem đi làm ở Giêrusalem

Đối với tình cảnh của những người dân có gia đình ở Bêlem nhưng làm việc ở nơi khác, những người đã quen với việc vượt qua trạm kiểm soát của Israel để đi làm trong và xung quanh Giêrusalem, họ là một phần nhỏ của nền kinh tế còn có thể bám trụ, vì trong những tháng gần đây, các giấy phép đã được Israel bảo đảm. Nhưng hiện này, chính quyền Palestine đã cố gắng kiềm chế sự di chuyển giữa các trạm kiểm soát vì số người bị nhiễm đại dịch ở Israel cao hơn nhiều so với ở Palestine. Do đó, có mối lo ngại rằng những công nhân này sẽ trở thành kênh truyền virut khi họ về với gia đình, trong bối cảnh sức khỏe cộng đồng không được đảm bảo. Đây là mối quan tâm chính, nhưng nhu cầu làm việc để hỗ trợ gia đình cao hơn. Vì vậy, nhiều người tiếp tục đi qua trạm kiểm soát và trong khoảng một tháng, chính quyền Israel và Palestine đã đồng ý rằng những người vượt qua trạm kiểm soát để đi làm ở Israel phải có một nơi để ngủ ở đó ít nhất mười bốn ngày. Sau đó, khi trở về Palestine, theo lý thuyết, họ phải thực hiện các phân tích, hoặc một vài ngày cách ly. Về vấn đề này ông Vincenzo Bellomo nói: “Tôi phải nói rằng đại dịch cũng đã làm cho hệ thống kiểm soát, biên giới bị khủng hoảng. Bởi vì đó là một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không chỉ là một phần. Vì vậy, có những quy tắc nhưng cũng có rất nhiều lộn xộn.”

Các dự án của Giáo hội hỗ trợ người dân

Với hoàn cảnh khó khăn này, Hiệp hội trợ giúp Đất Thánh đã có những việc làm cụ thể để hỗ trợ người dân. Ông Vincenzo Bellomo nói trong cuộc phỏng vấn: “Tôi đã sống và làm việc tại Bêlem trong 13 năm, phục vụ sứ mệnh của các cha dòng Phanxicô ở Đất Thánh. Trong những năm này, chúng tôi luôn chăm sóc mọi người. Một mặt, nhu cầu cơ bản của con người và mặt khác, để loan truyền vẻ đẹp của những nơi này. Chúng tôi chăm sóc người già, đặc biệt là vào thời điểm này. Trước đây, chúng tôi cũng đã làm điều này bởi vì ở đây không có “phúc lợi”, không có hệ thống lương hưu vì thế người già là thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chúng tôi cũng làm việc với người khuyết tật, những người gặp khó khăn. Chúng tôi có một trung tâm lắng nghe do tôi trực tiếp quản lý với một nhân viên xã hội khác. Tại đây, chúng tôi tiếp nhận những người cần chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi luôn chú ý đến việc làm, đặc biệt là đối với những người trẻ. Trong những tuần gần đây, chúng tôi tiếp tục kích hoạt một dự án quan trọng, là ước mơ của chúng tôi trước khi xảy ra đại dịch và chúng tôi kiên quyết theo đuổi. Dự án mang tên “Ngôi nhà của Ba Vua”, muốn trở thành trung tâm việc làm đầu tiên ở Palestine. Mục đích cung cấp việc làm cho tất cả mọi người, đặc biệt tập trung vào những người gặp khó khăn. Trong số các quốc gia Ả Rập, Palestine là quốc gia có số người trẻ có vấn đề về khuyết tật tâm thần cao nhất và nhiều người bị trầm cảm. Điều này là do các vấn đề liên quan đến xung đột. Với những người trẻ này, chúng tôi muốn cung cấp cho họ một cơ hội việc làm. Làm việc ở đây cũng là phương thế để tránh di cư, để giữ gia đình ở đây. Nếu họ có một công việc và một mức lương xứng đáng, họ sẽ không tìm cách di cư, không rời khỏi nhà, vùng đất của họ. Trong những tuần này, khi nhiều người bị mất việc, chúng tôi cũng đang cố gắng nghĩ ra các dự án và hoạt động. Ví dụ, việc sản xuất khẩu trang với một nhóm phụ nữ đang học may. Hoặc xây dựng các dự án cải tạo. Chúng tôi đang cố gắng hết sức có thể để gần gũi với cộng đoàn địa phương, cung cấp các cơ hội, trợ giúp và sự gần gũi.”

Ngọc Yến