Thiếu rạp diễn sân khấu sẽ chết dần
Thiếu rạp diễn sân khấu sẽ chết dần
Đó là trăn trở của chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM Trần Ngọc Giàu và nhiều người làm nghề tại đại hội đại biểu Hội Sân khấu TP.HCM nhiệm kỳ VIII (2020-2025) diễn ra ngày 30 và 31-7 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát TP.HCM.
Trong buổi thảo luận của đại hội, nghệ sĩ Cát Tường cho biết nhiều nghệ sĩ trẻ lớp sau chị có tên tuổi ở TP.HCM đã bắt đầu bỏ sân khấu, làm kênh YouTube riêng, bản thân chị cũng đang sống rất tốt với việc làm kênh YouTube riêng, web drama, các chương trình truyền hình, nhưng đó không phải là đam mê.
Nghệ sĩ Cát Tường đau đáu: “Đam mê và ngọn lửa nghệ thuật của tôi chính là thánh đường sân khấu. Và tôi biết nhiều em trẻ cũng còn mê lắm.
Nhưng vấn đề của chúng tôi – cụ thể là của tôi khi hoạt động cùng nhóm kịch Buffalo mấy năm trước – là khi muốn biểu diễn, chúng tôi phải đi thuê rạp đến 30-40 triệu đồng/ đêm, với giá vé 200.000 đồng/vé thì dù bán được 3/4 số ghế chúng tôi vẫn không đủ trả tiền thuê rạp, phải liên tục bù lỗ.
Chúng tôi chỉ mong Nhà nước hỗ trợ cho một cái rạp vừa phải tạo điều kiện cho các nhóm xã hội hóa còn đang lêu bêu đâu đó trong TP được tập hợp lại, thay phiên nhau để biểu diễn”.
Không có rạp để biểu diễn, hoặc có rạp nhưng tiền thuê quá mắc cũng là nỗi lòng của nghệ sĩ Kim Tử Long. Vì thuê rạp đắt nên anh không thể mở màn với giá vé trung bình 200.000 – 300.000 đồng mà tiền vé đội lên đến 1 – 1,5 triệu đồng/vé khiến khán giả ngán ngại.
Câu chuyện thiếu rạp biểu diễn là thực trạng bấy lâu nay của sân khấu. Và theo ông Trần Ngọc Giàu, có những cách mà Nhà nước có thể tháo gỡ và hỗ trợ để các đơn vị xã hội hóa sáng đèn.
Ông kể vừa rồi ông ra Hà Nội chấm thi, thấy rạp Đại Nam là rạp được sửa chữa lại trên nền rạp hát cũ nhưng khang trang và sân khấu có điều kiện biểu diễn hơn Nhà hát Trần Hữu Trang (được xây từ rạp Hưng Đạo cũ).
“Vụ Nhà hát Trần Hữu Trang chúng ta nhận thấy rằng chúng ta sai khi cố xây hẳn một nhà hát hiện đại nhưng trên diện tích nhỏ và xung quanh vướng các chung cư nên đã không có một nhà hát đáp ứng đủ điều kiện biểu diễn. Lẽ ra chúng ta chỉ nên cải tạo lại” – ông Giàu nhấn mạnh.
Thống kê từ Nhà hát TP đến Chợ Lớn khoảng 15km trước đây có khoảng 30 rạp hát, ông Giàu nói: “Giờ chúng ta đang có kế hoạch cho một nhà hát 1.500 chỗ ngồi hay nhà hát đa năng. Đó là điều cần phải có trong tương lai nhưng chờ đến tương lai đó thì sân khấu sẽ chết dần.
Tôi đề nghị TP nên khôi phục một số rạp hát cũ, sửa chữa để chúng ta có những nhà hát khang trang dành cho hát bội, cải lương, kịch nói…”.
Theo ông Giàu, khi đã cải tạo rạp hát, chúng ta sẽ giao cho các đơn vị xã hội hóa trên phương thức đấu thầu.
Các đơn vị sẽ phải chuẩn bị cho mình một tiềm lực về nhân sự và kinh tế để đảm bảo có đủ đạo diễn, nghệ sĩ khi vào nhận rạp, đảm bảo đủ bao nhiêu suất diễn một tuần, bảo đảm đủ doanh thu để chi phí cho hoạt động biểu diễn, duy tu, bảo quản rạp, tái sản xuất, trình làng với công chúng những sản phẩm văn hóa có đầy đủ tính giải trí, thẩm mỹ, định hướng và giáo dục.
Theo ông, nếu không làm như thế thì chúng ta cứ loay hoay vì các đơn vị xã hội hóa hiện vẫn trong tình trạng thuê mướn rạp từng ngày, không biết đầu tư ra sao vì đầu tư rồi lỡ bị đuổi ra thì mất trắng.
Sau hai ngày làm việc, đại hội đại biểu Hội Sân khấu TP.HCM nhiệm kỳ VIII (2020-2025) đã bầu ra ban chấp hành mới gồm 11 người. Trong đó, ông Trần Ngọc Giàu tiếp tục giữ vai trò chủ tịch hội, hai phó chủ tịch gồm đạo diễn Tôn Thất Cần và nghệ sĩ Trịnh Kim Chi.
Các ủy viên gồm: đạo diễn Hồng Dung, đạo diễn Võ Trọng Nam, đạo diễn Nguyễn Anh Kiệt, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, đạo diễn Phan Quốc Kiệt, đạo diễn Lê Mỹ Phượng, đạo diễn Thanh Hiệp, nghệ sĩ Mỹ Uyên.