23/12/2024

Phải bàn kỹ phương án thi tốt nghiệp THPT

Phải bàn kỹ phương án thi tốt nghiệp THPT

Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương về chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết ngành giáo dục đã chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh lớp 12 năm nay đang chịu áp lực rất lớn do dịch Covid-19 /// Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Học sinh lớp 12 năm nay đang chịu áp lực rất lớn do dịch Covid-19 ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Chiều 2.8, tại phiên họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương về chống dịch Covid-19, Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ và lãnh đạo địa phương bàn kỹ về phương án thi tốt nghiệp THPT.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết ngành giáo dục đã chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi. Về cơ bản, việc chuẩn bị đã hoàn tất, từ ban hành quy chế, đề thi (đã giao đề đến tận hội đồng thi các địa phương, đang đi sao), phần mềm chấm thi, tập huấn cho cán bộ coi thi…

Bộ GD-ĐT đề nghị thi làm 2 đợt

“Mọi việc đã sẵn sàng, nhưng Covid-19 xuất hiện lại. Trước tình hình này, mục tiêu tổ chức kỳ thi phải an toàn tuyệt đối, không chỉ về chuyên môn mà cả về sức khỏe. Chúng tôi đã họp trực tuyến, hầu hết các địa phương đều báo cáo đã chuẩn bị chu đáo. Có 2 địa phương đề nghị xin dừng thi và xét tuyển đặc cách, là Đà Nẵng và Quảng Nam”, ông Nhạ cho biết.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT “đề xuất phương án chia làm 2 đợt thi”. Đợt 1, các địa phương không có nguy cơ cao về dịch bệnh sẽ tổ chức thi. Các địa phương chưa an toàn như Đà Nẵng, Quảng Nam thì thi đợt 2. Các thí sinh thuộc diện F1, F2 cũng được tổ chức thi đợt 2.
Dù phương án này là “rất khó khăn” nhưng ông Nhạ nhấn mạnh: “Bộ cố gắng chọn vất vả để làm sao kỳ thi được an toàn, đảm bảo chất lượng không chỉ tốt nghiệp phổ thông mà còn phân loại cho đại học, đảm bảo công bằng, minh bạch cho các em”. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chỉ đạo các trường đại học xét tuyển sinh phù hợp với tinh thần tự chủ và đảm bảo lợi ích tối đa cho học sinh, để các em thi sau vẫn được xét vào đại học, chứ không mất cơ hội.

Dịch rất phức tạp, chưa hình dung sẽ diễn biến ra sao

Cũng phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng tình hình dịch rất phức tạp và chưa hình dung được sẽ diễn biến tiếp theo ra sao, nên cần tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội, “không nên có những tiếng nói khác trong hệ thống chính trị”.
“Thủ tướng hỏi đi hỏi lại là dư luận xã hội hiện nay ra sao, nên cần tuyên truyền và chuẩn bị thật tốt. Hiện dư luận và báo chí có ý kiến đặt đi đặt lại về vấn đề này, nên đề nghị nếu đã chọn phương án rồi thì thống nhất trong trao đổi. Các địa phương nếu đã cam đoan thi an toàn, thì đề nghị cần chăm chút, tập trung cho kỳ thi không kém phòng ngừa, chống Covid-19”, ông Bình nói.

Sức khỏe và an toàn tính mạng phải được đặt lên hàng đầu

Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng việc thi tốt nghiệp THPT đã được quy định ở luật Giáo dục nên nếu không thi trên toàn quốc thì chỉ có Quốc hội có thẩm quyền quyết định dựa trên đề xuất của Chính phủ…
Theo ông Thắng, Bộ GD-ĐT phải liên tục theo dõi và tham mưu cho Chính phủ quyết sách phù hợp với từng thời điểm vì dịch bệnh diễn biến khó lường. Bộ GD-ĐT không nên đưa ra một quyết định cứng nhắc mà cần căn cứ vào thực tiễn từ nay đến khi diễn ra kỳ thi. “Sức khỏe và an toàn tính mạng của thí sinh, giáo viên và cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu trong bất kỳ quyết định nào liên quan đến kỳ thi”, ông Thắng đề nghị.
Tuệ Nguyễn 
Cũng theo ông Bình, việc bảo đảm an toàn với học sinh thì tương đối dễ vì trong địa phương với nhau, biết F0, F1, nhưng cái khó là lực lượng giáo viên của các trường đại học đến giám sát và hỗ trợ thi.
“Những người này sẽ di chuyển ra khỏi địa phương, phải chuẩn bị thế nào đây, tâm lý của họ thế nào. Chúng ta có 2 đợt thi, vậy tiêu chí là gì? Khi nào thi đợt 1, khi nào thi đợt 2 cần rất rõ ràng. Mấy ngày tới, có thể 1, 2 địa phương có xuất hiện dịch chẳng hạn, thì ta dựa vào tiêu chí nào để làm?”, ông Bình khuyến nghị.
Theo ông Bình, luật Giáo dục đại học không bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT quốc gia, việc thi do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định và hằng năm có thông tư hướng dẫn. Luật cũng không quy định đặc cách tốt nghiệp nên vấn đề đặc cách là không thể được, nhưng Bộ trưởng có thể quyết định nội dung và phương thức thi.
Phải bàn kỹ phương án thi tốt nghiệp THPT - ảnh 1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu giao cho Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế rà soát tất cả mọi tình huống, đảm bảo thi là phải an toàn  ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

“Không phải vì dịch mà lại tranh luận về thi”

Phát biểu về việc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: “Không vì câu chuyện dịch mà lại tranh luận về thi”. “Lúc này chúng ta bàn về thi là bàn về phòng dịch, bởi thi là một cuộc tập trung đông người, chứ không bàn về câu chuyện có cần thi hay không, tốt nghiệp hết thì thi làm gì? Chỗ nào cách ly xã hội, ai ở đâu ở yên đó, thì đương nhiên không thể đi thi được. Chỗ nào F1, đang cách ly tập trung theo quy định thì đương nhiên không đến phòng thi được. Còn các nơi khác thi là theo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của T.Ư theo lộ trình đổi mới giáo dục. Chúng ta làm tinh thần là tuyệt đối an toàn. Giao cho Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế, rà tất cả mọi tình huống, đảm bảo thi là phải an toàn”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Ông Đam cho hay: “Trong kỳ thi có một tỷ lệ các cháu chỉ muốn lấy chứng chỉ tốt nghiệp, không tham gia xét tuyển vào đại học, thì xử lý rất đơn giản. Số thứ hai là các cháu có trường đại học theo tự chủ đã xét học bạ và đủ tiêu chuẩn vào trường rồi, nhưng theo quy định là phải có bằng tốt nghiệp THPT thì mới vào được, cũng liệt vào nhóm thứ nhất”.
“Cái quan trọng là nhóm thứ ba, các cháu muốn vào đại học theo trường mình thích nhưng trường đó lại yêu cầu thi, thì số này chúng ta sẽ tổ chức thi. Đề nghị Thủ tướng không kết luận 2 đợt, vì có thể 3 đợt, tùy vào tình hình. Đương nhiên, xã hội sẽ có một luồng dư luận là không đảm bảo tuyệt đối công bằng, vì các cháu này có thời gian ôn thi dài hơn. Nhưng đây là sự động viên của toàn xã hội đối với các cháu không may ở vào vùng dịch. Các trường đại học đã có số lượng các năm trước bao nhiêu cháu ở vùng này rồi, thì để lại một phần chỉ tiêu, cần thiết thì tăng chỉ tiêu để hỗ trợ các cháu”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng giao cho Bộ GD-ĐT căn cứ thực tiễn để chỉ đạo các địa phương phương án đảm bảo an toàn, có phương án chặt chẽ với các địa phương được cách ly. Những khu vực giãn cách xã hội, có ổ dịch thì chưa thi. Đảm bảo việc thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học theo đúng quy định.

Ý kiến:

Phải bàn kỹ phương án thi tốt nghiệp THPT

Học sinh lớp 12 năm nay chịu áp lực rất lớn, ảnh hưởng việc học, thi do dịch Covid-19 ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 

Hãy thí điểm xét tốt nghiệp, không tổ chức thi

Trong tình huống dịch bệnh đang lây lan nghiêm trọng mà chúng ta còn chưa tìm ra nguồn lây nhiễm ban đầu thì không nên và không nhất thiết phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Mọi hoạt động tập trung đông người cần phải hạn chế. Nếu vẫn quyết định thi, liệu Bộ GD-ĐT có đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối cho thí sinh và phụ huynh cũng như những người tham gia vào công tác tổ chức thi hay không? Nhân năm nay dịch Covid-19 thì Bộ GD-ĐT hãy thí điểm việc xét tốt nghiệp để thấy được điều này rất nên làm, không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi mang tính toàn quốc chỉ để loại ra mấy phần trăm thí sinh. Hãy xét tốt nghiệp căn cứ vào kết quả học tập THPT. Còn việc xét tuyển ĐH, CĐ, các trường chắc chắn sẽ có phương án phù hợp và chắc chắn cũng không gặp phải khó khăn gì. Trường tốp dưới họ chỉ cần thí sinh tốt nghiệp THPT. Còn trường tốp trên có thể tổ chức một kỳ thi riêng, không tập trung thi trực tiếp được do dịch Covid-19 thì có thể thi qua mạng, hoặc họ xét thêm các tiêu chí khác…
Gs Nguyễn Minh Thuyết
(Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Sao câu nệ mãi một kỳ thi !

Nếu cho rằng có thi thì học sinh mới học để nhằm giữ cho bằng được kỳ thi, tôi cho rằng không ổn và không chính đáng. Thực tế học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình trước ngày 15.7. Trong những năm gần đây, kỳ thi THPT quốc gia, tỷ lệ đậu trên 95%, năm nay kỳ thi chỉ còn mục đích là tốt nghiệp THPT, yêu cầu đề thi chắc chắn sẽ giảm nhẹ để phù hợp với việc học sinh phải nghỉ học kéo dài thì tỷ lệ đậu chắc sẽ còn cao hơn. Vậy chúng ta cứ câu nệ mãi một kỳ thi để làm gì khi tình hình dịch bệnh diễn ra khá phức tạp.
Nguyễn Văn Ngai
(Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Bỏ thi sẽ không ảnh hưởng nhiều

Với tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT cao như mọi năm, nếu bỏ thi sẽ không ảnh hưởng nhiều. Nếu tổ chức thi thì việc kiểm tra nhiệt độ, mang khẩu trang, ngồi cách xa để giảm thiểu nguy cơ truyền nhiễm… không phức tạp lắm. Nhưng sẽ tốn kém hơn vì cần nhiều không gian, nhiều giám thị…
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ
(Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope – Mỹ)

Dù thi 1 hay 2 đợt đều có nhiều vấn đề

Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay cần được cân nhắc kỹ trên tình hình thực tế dịch bệnh. Tuy nhiên, nhìn vào mục tiêu kỳ thi có thể thấy trong tình huống bất khả kháng có thể không tổ chức kỳ thi này.
Mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, việc không tổ chức thi sẽ không ảnh hưởng nhiều. Mục tiêu phục vụ tuyển sinh cho các trường ĐH, nếu không có kỳ thi này, mọi việc sẽ khó khăn hơn nhưng không phải không có cách. Dù chưa có quyết định chính thức nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các trường ĐH phải tính đến phương án dự phòng.
Trong khi đó, nếu quyết định tổ chức kỳ thi dù 1 hay 2 đợt, cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Cụ thể, nếu thi 1 đợt và xét đặc cách tốt nghiệp cho các thí sinh vùng dịch, các thí sinh này sẽ khó khăn hơn khi xét tuyển vào các trường khi không có điểm thi. Nếu thi 2 đợt, có thể xảy ra tình huống kết quả đánh giá thí sinh khác nhau. Chưa kể, 2 lần thi nếu tổ chức xa nhau cũng vẫn làm xáo trộn lịch tuyển sinh và lịch học năm mới của các trường.
Pgs-Ts Bùi Hoài Thắng
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Như tham gia một trò chơi mạo hiểm

Dù mong muốn thi tốt nghiệp để lấy điểm xét tuyển vào một trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng thi tốt nghiệp trong thời điểm này giống như mạo hiểm làm một việc gì đó mà tụi em bắt buộc phải tham gia vì không còn lựa chọn nào khác. Ba mẹ em cũng lo lắng bảo thà để năm sau học lại chứ vẫn không dám để con mạo hiểm thi trong năm nay.
Lưu Hải Phong
(Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Đi thi phải chịu áp lực rất lớn

Bố mẹ em đang rất lo lắng vì độ nguy hiểm của dịch bệnh. Còn bản thân em, cả tuần nay không dám ra khỏi nhà, trong kỳ thi bọn em sẽ ngồi chung với nhiều bạn đến từ trường khác, không biết rõ là các bạn có đi du lịch hay có nguy cơ mắc bệnh hay không. Do vậy đi thi trong thời điểm này bọn em cũng chịu áp lực tâm lý rất lớn, vừa áp lực về bài thi, vừa mang tâm lý lo sợ lây bệnh từ cộng đồng.
H.A
(Học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Khá nguy hiểm

Không chỉ riêng em, nhiều bạn bè của em cũng đã được xét tuyển vào đại học, việc thi tốt nghiệp bây giờ chỉ mang tính hình thức, vì thực tế, nhìn vào học bạ đã có thể đánh giá được quá trình học của tụi em, trong khi đi thi bây giờ khá nguy hiểm, bọn em rất lo lắng.
B.Y.V
(Học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM)
Thanh Niên (ghi)
VŨ HÂN
TNO