23/12/2024

Nếu dịch Covid-19 xảy ra trên diện rộng, có nên huỷ thi tốt nghiệp THPT?

Nếu dịch Covid-19 xảy ra trên diện rộng, có nên huỷ thi tốt nghiệp THPT?

‘Tuỳ  vào diễn biến dịch Covid-19, chúng ta nên có phương án: Vùng nguy cơ thấp tổ chức thi tốt nghiệp THPT, nguy cơ cao dời lại và thi sau bằng đề dự bị. Nếu dịch lây lan trên diện rộng thì có thể hủy kỳ thi…’.

 

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang thu hút nhiều ý kiến xung quanh việc tổ chức (ảnh minh họa) /// Đức Nhật
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang thu hút nhiều ý kiến xung quanh việc tổ chức (ảnh minh họa)  ĐỨC NHẬT
Đó là ý kiến của đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh khi được hỏi về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương.

Chuẩn bị sẵn sàng nếu kỳ thi vẫn diễn ra

Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí – Công nghệ thông tin, Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, cho biết toàn tỉnh có 8.564 thí sinh sẽ dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, được bố trí ở 361 phòng thi. “Dịch Covid-19 đang diễn tiến phức tạp nên công tác chuẩn bị kỳ thi tại tỉnh phải đảm bảo theo chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh. Chúng tôi yêu cầu tất cả thí sinh, phụ huynh đến điểm thi phải đeo khẩu trang. Tại cổng điểm thi, đội tiếp sức mùa thi sẽ kiểm tra thân nhiện và để sẵn dung dịch sát khuẩn. Một tuần trước khi diễn ra kỳ thi, tất cả các phòng sẽ được phun khử khuẩn. Tại các phòng thi, chúng tôi bố trí 24 thí sinh với khoảng cách giữa các bàn đảm bảo giãn cách theo quy định”, ông Nguyễn Hữu Tài thông tin.
Theo ông Tài, đến thời điểm này tỉnh Tây Ninh chưa có ca nhiễm, nếu tình hình xấu xảy ra tỉnh sẽ lập tức thực hiện phương án chia làm 4 nhóm (F0, F1, F2 và thí sinh khác) như chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Hiện tỉnh đã bố trí 9 điểm thi dự phòng ở 9 huyện để sẵn sàng ứng phó nếu có tình huống xấu xảy ra.
Tại tỉnh Đồng Nai, bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này, cho biết dự kiến toàn tỉnh có 29.000 thí sinh dự thi, bố trí trên 58 điểm thi với trên 1.200 phòng thi, điều động 3.285 cán bộ coi thi. Vì đang trong tình hình dịch Covid-19 căng thẳng nên tỉnh cũng bố trí 290 cán bộ trật tự viên, phục vụ và y tế.
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, cũng cho biết Sở đã chuẩn bị công tác thi tốt nghiệp THPT theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc ngay trong thời điểm phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu. “Toàn tỉnh có gần 17.000 thí sinh với 42 điểm thi. Các trường THPT phối hợp với các cơ sở y tế và cơ quan liên quan trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm thi, đảm bảo trước khi diễn ra kỳ thi phải tiêu độc khử trùng, chuẩn bị nước sát khuẩn, đo thân nhiệt…”, ông Tuấn chia sẻ.

Nếu dịch bùng phát diện rộng, nên có phương án khác

Tuy nhiên, về công tác thực hiện, ông Tài nêu băn khoăn: “Chúng tôi không biết nếu ở phòng thi có F1 thì cán bộ coi thi có phải mặc đồ bảo hộ? Bài thi của những thí sinh này sẽ xử lý như thế nào để hạn chế nguy cơ lây nhiễm? Cái khó nữa là danh sách phòng thi đã làm xong trước cả tháng, nếu sát ngày thi có ca nhiễm thì việc bóc tách ra thi riêng sẽ rất khó khăn, liệu thời gian có ủng hộ? Việc chia làm 4 nhóm sẽ rất phức tạp dù đã chuẩn bị phương án ứng phó từ trước”.
Vì thế, ông Tài cho rằng, ở những tỉnh có nguy cơ thấp hoặc chưa có ca nhiễm thì vẫn tiếp tục thi, đối với các vùng đang bùng phát dịch Covid-19 thì nên dời lại thi sau và sử dụng đề thi dự bị. “Việc này vừa đảm bảo tuân thủ chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, vừa vẫn đảm bảo phù hợp quy chế thi tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển ĐH, CĐ. Trong tình huống dịch xảy ra trên diện rộng thì nên chăng hủy kỳ thi để đảm bảo an toàn cho cả nước, thực hiện xét tốt nghiệp. Các trường ĐH, CĐ sẽ dùng phương thức xét điểm học bạ THPT”, ông Tài đề xuất.
MỸ QUYÊN
TNO