Giác hơi: Lợi hay hại?
Giác hơi: Lợi hay hại?
Nhiều người tin rằng giác hơi hiệu quả hơn cả thuốc trong điều trị một số bệnh và triệu chứng đặc thù. Nhưng các nhà khoa học nói gì về phương pháp trị liệu đậm chất phương Đông này?
Giác hơi là một liệu pháp cổ xưa được sử dụng ở Trung Quốc và Trung Đông từ khoảng 2.000 năm nay. Giác hơi khô hoàn toàn không xâm lấn và sử dụng lực hút để tăng cường lưu thông máu, giãn nở mô và thư giãn thần kinh. Giác hơi ướt giống như giác hơi khô nhưng thêm các vết rạch nhỏ cho ra máu ở khu vực giác, theo VWH.
Có nhiều cách giải thích tại sao giác hơi có tác dụng với một số bệnh nhưng chưa được khoa học chứng minh và bị giới hạn về phạm vi.
Ví dụ, một lý thuyết cho rằng áp lực tạo ra bởi giác hơi làm căng các sợi cơ và dây thần kinh, do đó, làm tăng lưu thông máu. Tuy nhiên, lời giải thích này không đề cập đến lý do tại sao giác hơi được coi là hữu ích trong điều trị viêm mô tế bào và chứng đau nửa đầu.
Một giả thuyết khác cho rằng giác hơi kìm hãm các cơn đau trong các tế bào sừng ở cấp độ tủy sống. Tuy nhiên, nó không giải thích được tại sao giác hơi lại hữu ích khi xử lý vấn đề sức khỏe không gây đau như tăng huyết áp. Một số lý thuyết cho rằng giác hơi ướt hoạt động bằng cách tạo điều kiện bài tiết máu và dịch mô bị nhiễm độc, theo VWH.
Những năm gần đây, xuất hiện một số đánh giá có hệ thống về giác hơi và liệu nó có gây ra rủi ro hay không. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên rất ít và bị giới hạn bởi mẫu hoặc số lượng người tham gia ít ỏi.
Trong một đánh giá năm 2013 được công bố trên PLoS ONE, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Úc đã phát hiện ra rằng, mặc dù còn hạn chế trong thiết kế nghiên cứu, nhưng giác hơi đúng là có thể giúp điều trị các bệnh hoặc tình trạng khác nhau bao gồm bệnh giời leo, mụn trứng cá, yếu hay liệt cơ một bên của mặt (Bell’s palsy)…
Hơn nữa, một phân tích tổng hợp được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu cho thấy, giác hơi hoạt động tốt nhất khi kết hợp với các phương thức khác bao gồm châm cứu và thuốc Tây. Đặc biệt, cả giác ướt và giác khô đều an toàn, không có tác dụng phụ nào ngoài vết bầm tím không đau thường hết sau khoảng một tuần.
Một bài báo đánh giá năm 2013 khác được công bố trên tạp chí Y học Châm cứu đã xem giác hơi là một liệu pháp điều trị đau lưng dưới. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, giác hơi có thể hữu ích trong việc kiểm soát đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Từ góc độ khoa học, chúng ta vẫn biết rất ít về giác hơi. Ý kiến đồng thuận của giới chuyên gia và nhà nghiên cứu là mặc dù giác hơi có thể là phương thức trị liệu y tế hứa hẹn nhưng cần phải nghiên cứu thêm.
Nếu chọn giác hơi, hãy chắc chắn rằng nhân viên giác hơi đã được đào tạo, môi trường giác hơi vệ sinh, bộ cốc và các dụng cụ khác phải được vô trùng, theo VWH.
TẠ BAN
TNO