26/12/2024

Nhiều sai sót trong ‘Từ điển chính tả tiếng Việt’

Nhiều sai sót trong ‘Từ điển chính tả tiếng Việt’

Đó là cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS-TS Nguyễn Văn Khang (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2018, 806 trang; đơn vị liên kết Công ty TNHH văn hóa Minh Tân – Nhà sách Minh Thắng).
Bìa cuốn 'Từ điển chính tả tiếng Việt' xuất bản năm 2018 của GS-TS Nguyễn Văn Khang /// Ảnh: H.T.C
Bìa cuốn ‘Từ điển chính tả tiếng Việt’ xuất bản năm 2018 của GS-TS Nguyễn Văn Khang ẢNH: H.T.C
Qua đối chiếu, chúng tôi thấy cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt (2018) và cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông (Nguyễn Văn Khang, NXB Khoa học Xã hội – 2003) gần như giống nhau hoàn toàn. Thậm chí, gần hết số lỗi được bê nguyên xi từ cuốn trước (2003) sang cuốn sau (2018). Đặc biệt, lỗi văn bản cẩu thả ở cuốn sau nhiều hơn cuốn trước.
Hoàng Tuấn Công sinh năm 1970. Anh tốt nghiệp chuyên ngành dân tộc học – Khoa Lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, hiện công tác tại Trung tâm khuyến nông tỉnh Thanh Hóa. Ngoài giờ làm việc, anh viết nghiên cứu và phê bình tự do. Anh từng gây chú ý với tác phẩm
Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu khi chỉ ra nhiều sai sót trong những cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân. Công trình này đã được vinh danh ở Giải sách hay 2017.
Trong phần “Hướng dẫn cách sử dụng từ điển”, GS-TS Nguyễn Văn Khang cho biết: “Từ điển chính tả tiếng Việt này được biên soạn dựa trên cách xử lý chính tả trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên – NV)”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy GS-TS Nguyễn Văn Khang hoàn toàn không “xử lý chính tả” theo tài liệu đã nêu, mà “xử lý” theo cảm tính chủ quan, hoặc theo một nguồn tài liệu nào đó, dẫn đến sai sót nhiều mặt như: sai chính tả do lẫn lộn CH với TR; S với X; D với R; GI với D; L với N; IU với ƯU; dấu hỏi (?) với dấu ngã (~); sai về thành ngữ tục ngữ, từ ngữ Hán Việt… Cụ thể:

1. Lẫn lộn giữa S thành X, X thành S (phần trong ngoặc đơn là đính chính của chúng tôi):

Ví dụ từ điển hướng dẫn:
“sán: sán lạn → không viết: xán” (nhưng thực ra viết “xán lạn” mới đúng); “si: nguyên si → không viết: xi” (viết “nguyên xi” mới đúng); “xuất: khinh xuất → không viết: suất” (“khinh suất”); “sử: sử kiện → không viết: xử” (“xử” mới đúng); “xử: sử tử → không viết: xử” (“xử tử”); “sử: xét sử → không viết: xử” (“xét xử”)…
Có ít nhất gần 30 lỗi dạng này, kèm theo lời khuyên hoàn toàn đi ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành.

2. Lẫn lộn R với D; R với GI; R với D; IU với ƯU (phần trong ngoặc đơn là đính chính của chúng tôi):

Từ điển ghi “ron: con ron → không viết: don” (nhưng viết “con don” mới đúng); “rong: rong riềng → không viết: dong” (“dong riềng” mới đúng); “giơ: trục bánh xe bị giơ (= rơ)” (chỉ “bị rơ” mới chuẩn); “ăn giơ → không viết: dơ, rơ” (“ăn rơ”); “rứt: rứt tình → không viết: dứt” (“dứt tình”); “trừu: trừu mến → không viết: trìu” (“trìu mến”)…
Như vậy, lỗi chính tả do phát âm sai đã được GS-TS Nguyễn Văn Khang biến thành “chuẩn chính tả” và phổ biến tới bạn đọc.
Nhiều sai sót trong 'Từ điển chính tả tiếng Việt' - ảnh 1
Nhiều sai sót trong 'Từ điển chính tả tiếng Việt' - ảnh 2

Những sai sót trong Từ điển chính tả tiếng Việt của GS-TS Nguyễn Văn Khang, bản năm 2018 và 2003

3. Hướng dẫn viết các thành ngữ – tục ngữ thiếu chính xác:

Tác giả từ điển chính tả tỏ ra thiếu am hiểu về thành ngữ – tục ngữ Việt và thành ngữ – tục ngữ gốc Hán. Rất nhiều dị bản thiếu chính xác, không tồn tại trong thực tế đã được đưa ra làm ngữ liệu hướng dẫn viết chính tả (phần trong ngoặc đơn là đính chính của chúng tôi): “nhường: nhường cơm xẻ áo” (“… sẻ áo”); “tụng: khẩu tụng tâm suy” (“… tâm duy”); “tàn: tàn che ngựa cưởi” (“… ngựa cưỡi”); “tay: tay cắt ruột xót” (“tay đứt…”); “tay: tay dùi dục, chân bàn chổi” (“… bàn cuốc”); “trái: trái trứng trái nết” (“trái chứng…”); “trèo: trèo đèo lặn suối” (“… lội suối”); “trông: trông gà hóa cáo” (“… hóa cuốc”); “thâm: thâm nghiêm cùng cốc” (“thâm sơn…”)… Thống kê chưa hết đã có 23 lỗi dạng này.

4. Nhiều chỉ dẫn giữa các mục từ tiền hậu bất nhất:

Từ điển cho biết “mục chỉ dẫn “→ không viết” ở cuối mục từ (được in đậm, nghiêng) là nhằm mục đích tránh các lỗi nêu ra ở trên”. Tuy nhiên, ngoài chỉ dẫn hoàn toàn đi ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành (mà chúng tôi đã nêu ở phần trước), từ điển của GS-TS Nguyễn Văn Khang còn chỉ dẫn tiền hậu bất nhất giữa các mục từ, hoặc trong cùng một mục từ. Có tới hàng chục lỗi dạng này. Ví dụ: “chóc: chim chóc, giết chóc → không viết: tróc”; đến mục “giết” lại hướng dẫn cả hai dạng: “giết chóc, giết tróc”. Hay “chỗi: đang nằm chỗi (= ngồi dậy) → không viết: trỗi”; đến mục “trỗi” lại viết (từ đây ký hiệu = <> – NV): “trỗi: không trỗi dậy nổi → không viết: chỗi”.
“chùn: chùn tay lại → không viết: chùng” <> “chùng: quần chùng áo dài. chùng (= chùn) tay lại”.
“chưng: chưng quần áo, chưng trứng; chưng bày (= trưng bày), chưng diện → không viết: trưng” <> “trưng: trưng bày, trưng binh, trưng diện… → không viết: chưng”.
“chững: đang đi bỗng chững lại → không viết: chựng” <> “chựng: đứng chựng (= chững) lại → không viết: chững”.
Thậm chí, ngay trong một mục đã có sự chỉ dẫn trái khoáy này: “dang: lạt dang, chim dang (= giang), ống dang → không viết: giang” <> “giang: lạt giang gói bánh chưng. Cong giang → không viết: giang”. Hay “dăm: dăm cối → không viết: giăm” <> “giăm = dăm; dăm bào, dăm cối… → không viết: dăm, răm”…

5. Nhầm lẫn, đánh đồng phương ngữ, từ ít dùng, từ cũ, với chuẩn chính tả hiện hành (mục có dấu [?] chúng tôi nghi ngờ tính xác thực của từ ngữ):

“đởm: nghèo mà đởm (= đảm)”; “chủi: cầm chủi (= chổi) quét nhà”; “chưởi = chửi: chưởi nhau”; “cọng: tính cọng (= cộng)”; “khút = khuất; khút sau rặng tre” [?]; “kiêu: cây kiêu (= cao) bóng cả”; “lả: đốt lả (= lửa)”; “rớp: nhà có rớp (= dớp)”; “sỉn: → không viết: xỉn” [?]; “soai soải (= thoai thoải)” [?]; “tho: Đành chịu tho (= thua)”; “tràng: tràng (= sàng) gạo” [?].

6. Quá nhiều lỗi văn bản (phần nhiều lỗi đến bản năm 2018 mới xuất hiện. Chữ viết hoa trong ngoặc đơn là đính chính của chúng tôi):

“Chen cổ không thở được” (CHẸN); “chiêm khẽ mùa thối” (KHÊ); “chuông treo chí mành” (CHỈ); “đau lờ” (ĐAN); “Đen sáng choang” (ĐÈN); “đĩ trực báo oán” (DĨ); “vồ loài” (VÔ); “tề chính” (CHỈNH); “xéo phái gai” (PHẢI); “chú nhà đi vắng” (CHỦ); “văn vèo” (VẰN); “thấy bỏ thì đào” (BỞ); “gái rỏ thèm của chua” (RỞ); “tay sốt đo tay nguội” (ĐỔ). “tử tán” (TỨ); “rổ sẻ” (SỀ)…
Còn nhớ đầu năm 2020, hai ấn phẩm liên kết xuất bản giữa NXB Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty dịch vụ văn hóa Minh Long mắc lỗi đạo văn và nhiều sai sót phải thu hồi, tiêu hủy như Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của nhóm tác giả Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên; Từ điển chính tả Tiếng Việt do PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên. Đến nay, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội lại cấp phép cho cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS-TS Nguyễn Văn Khang với rất nhiều sai sót đã phân tích ở trên.
Điều đáng nói, GS-TS Nguyễn Văn Khang là người có danh tiếng trong giới ngôn ngữ, đã từng biên soạn và tham gia biên soạn hàng chục cuốn từ điển, với hàng trăm công trình khoa học đã công bố.
HOÀNG TUẤN CÔNG
TNO