Dinh dưỡng, vận động là ‘vắcxin’ của sức khoẻ
Dinh dưỡng, vận động là ‘vắcxin’ của sức khoẻ
Bên cạnh việc chích ngừa đầy đủ để phòng tránh bệnh truyền nhiễm, dinh dưỡng và vận động được coi là những “vắcxin” quan trọng của sức khoẻ.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, chia sẻ với Tuổi Trẻ về vấn đề này.
* Tại sao “dinh dưỡng và vận động” được coi là hai loại “vắcxin” quan trọng của sức khỏe, thưa ông?
– Nhắc đến vắcxin người ta thường hay nghĩ đến những loại thuốc để phòng bệnh, trong đó đa số là phòng các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, có hai loại “vắcxin” rất quan trọng cho sức khỏe mà mỗi người đều có thể tự tạo ra cho chính mình nhưng nhiều người lại không biết hoặc ít quan tâm, đó chính là dinh dưỡng và vận động.
Dinh dưỡng tốt sẽ giúp trẻ em phát triển thể lực (chiều cao, cân nặng) và cũng giúp trẻ phát triển tốt về trí lực. Với người trưởng thành, dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cơ thể cân đối, không bị thiếu chất, phòng tránh được nhiều loại bệnh “thời đại” như béo phì, cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường…
Dù trẻ em hay người trưởng thành khi có chế độ dinh dưỡng tốt, cơ thể sẽ tạo được một hệ miễn dịch tốt, ít mắc bệnh.
Việc vận động thể lực thường xuyên giúp tăng sự phát triển của cơ tim, hiệu suất làm việc của quả tim, giảm cholesterol máu, lưu thông khí huyết, tạo sự sảng khoái về tinh thần tăng cường sự sản xuất các nội tiết tố có lợi cho sức khỏe…Từ đó giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh.
* Theo ông, các bậc cha mẹ cần phải sử dụng “bí quyết” dinh dưỡng và vận động như thế nào để phát triển chiều cao tối ưu của trẻ?
– Với trẻ em, có 3 giai đoạn chiều cao phát triển “nhảy vọt” đó là giai đoạn trong bào thai, giai đoạn từ khi sinh ra đến khi 2 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì. Giai đoạn từ khi mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi còn được gọi là 1.000 ngày vàng của trẻ.
Nếu trẻ có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ trong thời gian này sẽ phát triển chiều cao tốt. Trẻ được vận động tốt theo từng lứa tuổi cũng góp phần phát triển tối ưu chiều cao, trẻ có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh.
* Hiện nay, ở các TP lớn trẻ đa số học bán trú và hoạt động thể lực khá ít trong trường học. Ông có ý kiến gì về việc này?
– Đúng là nhiều trường bây giờ không có điều kiện cho trẻ chạy nhảy và chơi các môn đá bóng, bóng rổ, điền kinh… Nhiều trường thiếu cả sân tập thể dục, giờ ra chơi học sinh không có không gian để chơi các môn nhảy dây, đá cầu, trồng nụ trồng hoa… như ngày xưa trong khi mỗi tuần chỉ có một tiết thể dục.
Không có nhiều hoạt động thể chất ở trường, về nhà trẻ lại ngồi một chỗ xem tivi, chơi máy tính, điện thoại di động… và ăn nhiều thức ăn nhanh, kẹo bánh ngọt, trẻ dễ bị béo phì và ảnh hưởng đến thị lực.
Phụ huynh cần phải quan tâm hơn đến các hoạt động thể lực cho trẻ với các môn bơi lội, bóng rổ, bóng bàn, bóng đá… để trẻ có thể chất tốt, cơ thể phát triển tốt, phòng tránh được các loại bệnh về sau.
Thiếu vận động lâu ngày, trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh không lây về sau này như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường…
* Có người cho rằng trẻ em béo phì điều trị rất khó vì các bậc cha mẹ khó “cầm lòng” khi trẻ muốn ăn thêm, cũng khó nhắc nhở trẻ béo phì vận động. Khắc phục chuyện này như thế nào?
– Khi thấy trẻ tăng cân, cha mẹ phải “để mắt” đến trẻ nhiều hơn, xem lại chế độ ăn uống tập luyện của trẻ, đến lúc trẻ dư cân nhiều quá thì giảm cân sẽ khó.
Những trẻ bị béo phì, nếu cha mẹ không tự giảm cân cho trẻ được cần đưa trẻ đến bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý.
Giảm cân cho trẻ cần một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Giảm ăn uống, tăng tập luyện cũng phải diễn ra dần dần để cơ thể kịp thích nghi.
* Để có một chế độ dinh dưỡng và vận động tốt, mỗi nhà cần phải làm gì, thưa ông?
– Các bà mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý từ khi trẻ còn trong bụng. Cần đưa trẻ đến trạm y tế để được theo dõi chiều cao, cân nặng.
Khi trẻ suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao, dư cân hoặc béo phì… sẽ được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, tập luyện hoặc sẽ giới thiệu trẻ lên những tuyến trên (nếu cần thiết). Cũng có thể theo dõi sự phát triển của trẻ ở một phòng khám gia đình hoặc một bác sĩ dinh dưỡng.
Người lớn nên đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày. Với những người có bệnh lý như tiểu đường, béo phì… cũng cần có một chế độ dinh dưỡng khác, cần được bác sĩ tư vấn riêng về chế độ dinh dưỡng, tập luyện.
Mọi người cần tham khảo kiến thức về dinh dưỡng, vận động, lắng nghe cơ thể, theo dõi cân nặng của mình, đi khám để được tư vấn nếu cần.
* Xin cảm ơn ông.