26/12/2024

Việt Nam lên kế hoạch thử nghiệm vắc xin Covid-19

Việt Nam lên kế hoạch thử nghiệm vắc xin Covid-19

Cuối năm 2020, Việt Nam sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên nhóm nhỏ người tình nguyện. Dự kiến đến cuối năm 2021, vắc xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất sẽ đạt công suất hàng chục triệu liều.
Dây chuyền, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất vắc xin Covid-19 tại VABIOTECH /// ẢNH: ĐỨC LONG
Dây chuyền, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất vắc xin Covid-19 tại VABIOTECH ẢNH: ĐỨC LONG
Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Y tế thông báo tại hội thảo sản xuất vắc xin Covid-19, do Bộ Y tế tổ chức sáng 22.7 tại Hà Nội.

Cơ hội hợp tác, xuất khẩu vắc xin với các nước

Chủ trì hội thảo, GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến nay số ca mắc bệnh trên thế giới đã vượt mốc 15 triệu, với trên 600.000 người tử vong. Đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì vậy, việc sản xuất vắc xin là ưu tiên của tất cả các quốc gia, viện nghiên cứu, nhà sản xuất với hy vọng ngăn chặn, khống chế, kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở về bình thường.
Việt Nam lên kế hoạch thử nghiệm vắc xin Covid-19 - ảnh 1

Vắc xin Covid-19 do VABIOTECH sản xuất cho kết quả tốt, đảm bảo an toàn và hiệu quả, phòng được Covid-19 trên động vật thí nghiệm     ẢNH: ĐỨC LONG – ĐỒ HỌA: HỒNG SƠN

Ông Long cũng cho biết, Việt Nam đã có hệ thống quản lý chất lượng vắc xin đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), do đó nếu sản xuất thành công vắc xin Covid-19, Việt Nam có thể xuất khẩu, góp phần phòng đại dịch cho các nước trên thế giới. Đến nay, trên toàn cầu có 24 loại vắc xin Covid-19 tiến tới thử nghiệm giai đoạn 3, đã có những vắc xin được đánh giá có kết quả khá tốt. Cả thế giới đều đang rất nỗ lực để sớm có được vắc xin Covid-19, mọi thủ tục quy trình đã được thảo luận rút ngắn để đảm bảo vấn đề chất lượng và thời gian.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc xin, là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vắc xin theo tiêu chuẩn của WHO, mở ra cơ hội hợp tác, xuất khẩu vắc xin với các nước. Với Covid-19, trong nước hiện có 4 nhà sản xuất, nghiên cứu phát triển vắc xin, gồm: VABIOTECH (Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1), IVAC (Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế), POLYVAC (Trung tâm sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế) phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Công ty Nanogen. Mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, bước đầu đều đã cho kết quả khả quan.

Cần cơ chế đặc biệt rút ngắn quy trình thủ tục

GS-TS Nguyễn Thanh Long lưu ý, nhu cầu lúc này là cần đưa ra cơ chế, chính sách, quy định phù hợp tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, thử nghiệm lâm sàng (TNLS), cấp phép trong thời gian ngắn nhất có thể, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho người tham gia nghiên cứu cũng như sau này.
“Dự tính năm 2021, thế giới có thể có 2 tỉ liều vắc xin Covid-19, nhưng bao giờ chúng ta tiếp cận được. Do đó, ưu tiên vắc xin trong nước sản xuất để đảm bảo tính chủ động”, ông Long nhấn mạnh và bày tỏ tin tưởng sản xuất vắc xin trong nước hoàn toàn có thể, vì chúng ta có điều kiện trang thiết bị, có trình độ khoa học và có hợp tác quốc tế.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cả nước có 3 trung tâm TNLS vắc xin Covid-19 tại 3 miền: Bắc, Trung, Nam và sẵn sàng TNLS trên quy mô toàn cầu. TS Quang cho biết thêm, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo đang xây dựng dự thảo về quy định nghiên cứu sản xuất, TNLS vắc xin Covid-19 với việc cắt giảm thời gian, sớm trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt, ban hành. Theo đó, trình tự phê duyệt nghiên cứu đối với vắc xin Covid-19 phục vụ chống dịch khẩn cấp sẽ được rút ngắn còn khoảng 35 ngày, trong khi quy định hiện hành tối thiểu 90 ngày; thủ tục phê duyệt kết quả TNLS có thời gian thẩm định hồ sơ tối đa 8 ngày, trong khi quy định hiện hành tối thiểu 60 ngày.

Khi nào có vắc xin Covid-19 “Made in Việt Nam”?

Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Thanh Long cho hay, IVAC đang là “tầm ngắm” của Bộ Y tế, và Bộ sẽ tạo điều kiện để IVAC làm sớm thử nghiệm. Hiện đơn vị này đã có các mẫu gửi sang Mỹ đánh giá hiệu quả của vắc xin Covid-19 thử nghiệm trên động vật.
Theo TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, các nhà khoa học của viện này và Đại học Y Icahn tại Mount Sinai (Mỹ) hợp tác nghiên cứu và phát triển vắc xin Covid-19. Vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm với kết quả khả quan. Viện cũng đồng thời chuẩn bị nguyên liệu, phương pháp sản xuất quy mô lớn và kiểm định vắc xin khi được cấp phép.
IVAC dự kiến trong tháng 8 – 9.2020 sẽ sản xuất 3 lô vắc xin cho TNLS. Tháng 10 – 11.2020 sẽ tiến hành TNLS giai đoạn 1 (vắc xin Covid-19 sẽ tiêm trên nhóm nhỏ người tình nguyện). Trong 2 tháng cuối năm 2020, Viện sẽ nâng quy mô sản xuất vắc xin Covid-19 đạt 6 triệu liều/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Viện sẽ sản xuất vắc xin cho TNLS giai đoạn 2 và 3, đến cuối năm 2021 quy mô sản xuất vắc xin Covid-19 của IVAC sẽ đạt 30 triệu liều/năm và dự kiến đủ điều kiện nộp hồ sơ cấp phép lưu hành trong cuối năm 2021.
Cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm trên động vật, vắc xin Covid-19 do VABIOTECH nghiên cứu, phát triển có kết quả rất khả quan. Trước đó, từ tháng 2.2020, VABIOTECH đã hợp tác cùng các nhà khoa học của ĐH Bristol (Anh) tiến hành nghiên cứu vắc xin phòng bệnh Covid-19. Theo TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, đơn vị này đã bước đầu phát triển thành công dự tuyển vắc xin phòng Covid-19 ở quy mô phòng thí nghiệm. Từ tháng 4 vừa qua, lô vắc xin dự tuyển đã được tiêm thử nghiệm trên chuột, có đáp ứng miễn dịch tốt, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, phòng được Covid-19 trên động vật thí nghiệm.
TS Đạt thông báo: ”Các mẫu chuột được tiêm vắc xin mũi 2 (sau 42 ngày tiêm mũi 1) cho thấy, với liều nhắc lại, cơ thể tiếp tục tăng tính miễn dịch. Đó là điều rất cần thiết, giúp duy trì khả năng bảo vệ bền vững hơn trước bệnh dịch Covid-19 được dự báo còn kéo dài”.
GS-TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế khẩn trương làm việc với các đơn vị nghiên cứu để sớm hỗ trợ thủ tục, đầu tư thử nghiệm và cũng chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất vắc xin phòng bệnh Covid-19 hàng loạt, quy mô công nghiệp. Khi vắc xin được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, sẽ có ưu tiên cho các đối tượng trong nước được tiêm vắc xin.

Thêm 12 bệnh nhân Covid-19 là các ca nhập cảnh

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo, ngày 22.7, Việt Nam ghi nhận 12 ca mắc Covid-19 mới, là các trường hợp nhập cảnh từ Mỹ và Nga. Trong đó, 7 ca mắc là chuyên gia dầu khí quốc tịch Nga, cùng trên chuyến bay IO4405 nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ngày 11.7.
Các ca mắc mới ghi nhận trong ngày là bệnh nhân Covid-19 thứ 397 đến 408 tại Việt Nam, đang được cách ly điều trị tại các cơ sở y tế. Trong số 408 bệnh nhân ghi nhận tại Việt Nam từ đầu vụ dịch, có 268 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay; 365 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. 97 ngày qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
LIÊN CHÂU
TNO