Uống bổ sung vitamin, bao lâu mới có hiệu quả?
Uống bổ sung vitamin, bao lâu mới có hiệu quả?
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vitamin của cơ thể. Điều này tùy thuộc chủ yếu vào loại vitamin và cách các chất dinh dưỡng tương tác với nhau trong cơ thể.
Thiếu vitamin, khoáng chất có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như cơ thể mệt mỏi, móng tay/chân giòn hay tê ngứa tay chân. Khi cơ thể bị thiếu vitamin, cách dễ dàng nhất để nhận đầy đủ dưỡng chất là qua thực phẩm hoặc dùng các sản phẩm bổ sung phù hợp, theo MSN.
Dù nạp ở dạng nào thì cũng cần thời gian để cơ thể hấp thụ và cải thiện vấn đề đang gặp do thiếu chất.
Về mặt sinh học, vitamin sẽ được cơ thể hấp thụ chỉ sau vài giờ và có tác dụng chuyển hóa ngay lập tức. Ví dụ, cơ thể sẽ sử dụng vitamin như chất chống ô xy hóa để bảo vệ tế bào hay một chất trung gian để tạo ra hoóc môn.
Tuy nhiên, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của cơ thể và hiệu quả của vitamin:
Mức độ thiếu hụt
Nếu cơ thể đang thiếu hụt nghiêm trọng một loại vitamin hay khoáng chất nào đó thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để việc bổ sung vitamin bắt đầu có hiệu quả.
Ví dụ, bác sĩ chẩn đoán người bệnh thiếu vitamin hay một loại khoáng chất cụ thể nào đó khiến cơ thể mệt mỏi. Trong trường hợp này, người uống sẽ mất nhiều thời gian hơn để thể trạng đạt lại mức tối ưu, theo MSN.
Loại vitamin cần bổ sung
Vitamin khi uống ở dạng lỏng sẽ có tác dụng nhanh hơn khi uống dưới dạng viên nang hay viên nén. Vitamin dạng viên khi vào dạ dạy phải được a xít dạ dày phân rã lớp cứng bên ngoài rồi mới hấp thụ được dưỡng chất bên trong.
Tuy nhiên, vitamin ở dạng lỏng và dạng bột dù hấp thụ nhanh hơn nhưng lại kém hiệu quả hơn so với dạng viên. Nguyên nhân là do cách chúng được tạo ra. Nhà sản xuất thường trộn nhiều loại vitamin với nhau. Tình trạng này khiến các vitamin trong đó tương tác và ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của cơ thể, theo MSN.
Dùng chung với chất nào
Nhiều loại vitamin và khoáng chất muốn có hiệu quả thì phải đi theo cặp. Ví dụ điển hình nhất là muốn xương hấp thụ được canxi thì phải có đủ vitamin D. Những người có hàm lượng vitamin D thấp dù có bổ sung đủ canxi thì xương cũng khó hấp thụ đầy đủ được.
Ngoài ra, sắt có nguồn gốc thực vật sẽ hấp thụ tốt nhất khi kết hợp với vitamin C. Vitamin B6 muốn hoạt động tốt thì cần phải có kẽm. Chất chống ô xy hóa curcumin trong nghệ được cơ thể hấp thụ rất kém. Nếu kết hợp với piperine thì có thể tăng khả năng hấp thụ gấp 20 lần, theo MSN.
Ngược lại, hai chất khi đi cùng nhau lại làm giảm khả năng hấp thụ. Ví dụ, ruột non sẽ hấp thụ kẽm và đồng kém hơn nếu nạp hai chất này cùng lúc, các chuyên gia lưu ý.
NGỌC QUÝ
TNO